Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 08/07/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 939
“LÃO SƯ CÀNG GIÀ CÀNG QUÝ”
Trong các nghề nghiệp thông thường ở thế gian như viễn thông, hàng hải, địa chất, người đến tuổi về hưu, càng già thì năng lực càng sụt giảm. Hòa Thượng nói: “Trong thế pháp, trong mọi nghề nghiệp, khi đến một độ tuổi nhất định nào đó thì ai cũng phải về hưu, thậm chí kể cả nghề nhà giáo cũng vậy. Đây là một sự sai lầm vì trong nghề nhà giáo, lão sư càng thâm niên, càng lớn tuổi càng tốt. Thời xưa của chúng ta, chỉ nghề dạy học không có nghỉ hưu vì Thầy giáo càng già thì kinh nghiệm càng phong phú, trải nghiệm sống có bề dày, Thầy càng già thì cảnh giới khế nhập càng cao, có thể truyền đạt cho học trò rất nhiều”.
Thầy giáo trẻ mới ra trường chưa có kinh nghiệm, chưa có trải nghiệm thì chắc chắn có nhiều sai sót. Thầy giáo càng già thì kinh nghiệm sống ngày càng phong phú, có thể truyền đạt cho học trò tốt hơn. Ở bất cứ nghề nghiệp nào, người đến tuổi già thì đều phải về hưu, duy chỉ có nghề dạy học thì người càng già càng quý báu.
Hòa Thượng nói: “Người chân thật đạt đến sự thuần thục trong chuyên môn đều ở tuổi xế chiều. Trong tuyệt đại đa số, người sau 70 tuổi mới chân chật thành thục, chín muồi trong nghề nghiệp, chuyên môn”. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này trong lịch sử.
Chúng ta phải hiểu rõ: Thầy giáo thế gian và Thầy giáo xuất thế gian hoàn hoàn toàn khác nhau. Thầy giáo dạy kiến thức thế gian hoàn toàn khác với Thầy giáo truyền dạy đạo đức văn hóa truyền thống. Theo kinh nghiệm của chúng ta, các vị Thầy ở thế gian dù có thâm niên, có tuổi tác nhưng không dạy được văn hóa truyền thống vì họ cứ chấp chặt vào kiến thức thế gian, cho rằng những kiến thức đó là đúng. Họ không thừa nhận, không tiếp nhận giáo huấn của Thánh Hiền. Khi bước vào môi trường văn hóa truyền thống, những Thầy Cô giáo càng thâm niên ở thế gian thì chướng ngại càng lớn vì họ không thể đem kiến thức học thuật thế gian vào môi trường văn hóa truyền thống. Những người có thâm niên ở thế gian tuy không nói ra nhưng trong tâm của họ cho rằng giáo huấn của Thánh Hiền lỗi thời, lạc hậu. Thật ra, cái mà họ cho là “lỗi thời, lạc hậu” không có tác dụng phụ. Cái gọi là “hiện đại, hợp thời” thì tác dụng phụ rẫy đầy, không có trật tự, không có lề lối, không có khuôn phép, chỉ hành xử theo tập khí phiền não của bản thân. Chúng ta phải phản tỉnh! Chúng ta cần biết phân định rõ ràng: Kiến thức thế gian chỉ là vọng tưởng, kiến thức Thánh Hiền từ tâm thanh tịnh mới có thể dẫn đạo người khác.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải tích cực bồi dưỡng sư chất của một người Thầy văn hóa truyền thống”. Cho nên chúng ta phải đặc biệt chú ý đến giáo dục sư chất! Tư cách, chuẩn mực của một người Thầy văn hóa truyền thống hoàn toàn khác. Tư chất của một Thầy giáo văn hóa truyền thống rất quan trọng. Nếu người Thầy không nỗ lực, chỉ cần một ngày chểnh mảng không nỗ lực thì mất tư cách. Có người nói “làm Thầy giáo văn hóa truyền thống khó quá!” cho nên họ rút lui. Thật đau lòng! Chúng ta phải là sự chuẩn mực. Nếu không chuẩn mực thì không thể làm Thầy giáo văn hóa truyền thống.
Chúng ta phải hoàn thiện bản thân trong một lĩnh vực chuyên môn nào đó, ngoài ra cũng phải biết tất cả các lĩnh vực khác. Ngày ngày chúng ta phải tiến bộ! Từng giờ, từng phút, từng giây, chúng ta phải tiến bộ! Người ta cứ “tự dĩ vi thị”, tự cho mình là đúng. Đó là điều hết sức đau lòng! Người xưa dạy: “Học, học nữa, học mãi. Sống đến già, học đến già”. Chúng ta phải không ngừng học tập, học đến lúc chết, học để hoàn thiện chính mình, học để nâng cao giá trị của chính mình, từ đó truyền dạy cho người sau.
Hòa Thượng nói: “Lão sư càng già thì càng quý báu! Đối với thế gian càng quý báu, xuất thế gian càng quý báu hơn”. Thầy giáo xuất thế gian phải có quá trình dày tu tập mới nhìn được thấu. Họ đối với mọi thứ đều đã có kinh nghiệm cho nên sẽ tan nhạt được mọi thế tình, tan nhạt được nhiều hơn. Cho nên người tuổi tác càng già thì tiến bộ càng nhanh, chính mình có sự cảnh giác cao độ, biết được “vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân”. Chúng ta không mang theo được bất cứ thứ gì, chỉ có nghiệp theo mình mà thôi.