134Thứ Năm, 07/07/2022, 17:38

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm, ngày 07/07/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 938

“CẦN PHẢI CÓ QUÁ TRÌNH ĐỂ CHUYỂN ĐỔI”

Chúng ta tu hành cần phải có một quá trình để chuyển đổi. Quá trình chuyển đổi là quá trình tiến dần chứ không phải là khi tiến khi lùi. Quá trình chuyển đổi có được là nhờ sự hành trì miên mật của mỗi người. Hàng ngày chúng ta tiếp nhận giáo huấn của Phật Bồ Tát là chúng ta có cơ hội để chuyển đổi.

Trong suốt 60 năm, mỗi ngày Hòa Thượng đều giảng Kinh, thuyết pháp. Khi giảng Kinh, thuyết pháp, Ngài có cơ hội để chuyển đổi. Ngài nói không phải để người khác nghe mà nói để chính mình nghe. Trong quá trình nghe, Ngài phát hiện những sai lầm của mình để tự sửa chữa và chuyển đổi.

Người không phát tâm vì người khác mà nói thì cơ hội để chính mình được nghe, được chuyển đổi sẽ rất ít, thậm chí không có. Chúng ta nhắc nhở người cũng là nhắc nhở chính mình. Nếu chúng ta không có cơ hội nhắc nhở người thì cũng không có cơ hội để nhắc nhở mình.

Hòa Thượng nói: “Thế gian pháp hay Phật pháp đều gọi là “giáo hóa”. Bạn đã được tiếp nhận sự dạy bảo mà bạn vẫn không chuyển đổi thì sự giáo dục này không có hiệu quả. Phật Bồ Tát rất khổ cực để giáo hóa chúng sanh nhưng những chúng sanh có thành tựu rất ít. Không chỉ người học phải có sự thay đổi mà người dạy càng phải có sự thay đổi”. “Hóa” là thay đổi, là chuyển biến, dạy bảo. Trong Phật pháp, chúng ta dạy để người khác thay đổi, đồng thời chính người dạy cũng phải có sự thay đổi rõ ràng. Chúng ta dạy mà chỉ mong người có sự thay đổi, chính bản thân mình không có sự thay đổi thì không đúng.

Hòa Thượng nói: “Người xưa nói: “Giáo học tương trưởng”, người dạy và người học đều phải có sự thay đổi, phải có sự phát triển một cách rõ nét. Chư Phật Bồ Tát giảng Kinh, nói pháp thực tế là vì chính mình”. Người học thay đổi được hay không là do bản thân họ nỗ lực không, nhưng người dạy phải có sự thay đổi rõ nét.

Hòa Thượng nói: “Người dạy có sự chuyển biến tích cực cho nên chư Phật Bồ Tát rất hoan hỷ để đi dạy bảo người”. Thật ra dạy bảo người chính là dạy bảo chính mình. Dạy người học là thứ yếu, dạy chính mình học là chính yếu.

Hòa Thượng nói: “Giảng Kinh thuyết pháp là nói cho chính mình nghe là chính, không phải chỉ nói cho người khác nghe mà chính mình nghe, chính mình phải có sự thay đổi”. Chư Phật Bồ Tát ngày nào cũng ở trên pháp tòa. Các Ngài muốn chính mình ngày ngày tiến bộ. Chúng ta nghe pháp nhưng cũng không xem đó là việc quan trọng. Hôm nào chúng ta khỏe, chúng ta có thời gian rảnh thì chúng ta mới nghe.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải nghe Kinh nhiều. Người nghe được nhiều nhất chắc chắn là người đi giảng dạy”. Các Cô giáo trong Hệ thống đi kiện toàn cho Giáo viên trường khác chính là đang kiện toàn cho chính mình. Chúng ta đi giúp người khác chính là chúng ta đang được trưởng thành, hoàn thiện chính mình. Chúng ta hiểu được điều này thì chúng ta sẽ làm việc rất miệt mài, hăng say, không biết mệt mỏi. Nếu chúng ta làm mà nghĩ đây là việc mình phải làm, phải gánh vác thì chúng ta sẽ rất mệt mỏi. Cơ hội để hỗ trợ, giúp đỡ người khác chính là cơ hội để chúng ta được cọ xát, được thay đổi tốt hơn. Chúng ta hiểu được điều này chúng ta sẽ phấn phát, tích cực hơn vì ta làm việc đó cho chính ta. Hòa Thượng 60 năm không rời pháp tòa, ngày nào cũng giảng dạy, chính Ngài có lợi ích rất lớn. Tôi cũng cảm nhận được lợi ích của sự học tập. Tôi phải học nghiêm túc để mỗi ngày đều có sự mới mẻ. Nếu chúng ta không học thì trong tâm chúng ta chỉ là vọng tưởng, phiền não, tập khí lâu đời.

Hòa Thượng nói: “Thực tế mà nói, chư Phật Bồ Tát ngày ngày giảng Kinh thuyết pháp chính là vì chính mình”. Ngày ngày chúng ta phát tâm vì người mà nói thì đây là cơ hội tốt nhất để chính mình được nghe, được tiếp nhận và có cảm ngộ. Người nói có cơ hội cảm ngộ nhiều hơn người nghe rất nhiều. Giảng Kinh là “tự tha lưỡng lợi”, “tự” là chính mình, “tha” là người khác. Người nói cho người khác nghe thì chính mình được lợi, người khác cũng được lợi. Chúng ta phát tâm đi giúp người thật ra cũng là giúp mình hoàn thiện. Chư Phật Bồ Tát, chư Thánh Hiền hết sức tinh tấn, dũng mãnh vì người mà làm việc.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook