124Thứ Tư, 06/07/2022, 15:46
937 · Tâm Sám Hối Và Tâm Hổ Thẹn

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư, ngày 06/07/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 937

“TÂM SÁM HỐI VÀ TÂM HỔ THẸN

Trong nhà Phật có câu: “Vô tàm vô quý”. Người “vô tàm vô quý”, là người không biết sám hối, không biết hổ thẹn khi làm những việc sai trái. Người biết hối hận, biết hổ thẹn mới có thể thúc liễm, sửa đổi bản thân. Nếu chúng ta làm sai mà không biết hổ thẹn, chúng ta cho rằng việc làm của mình “người không biết, trời không hay” thì chúng ta không còn cách nào để được cứu chữa!

Hòa Thượng nói: “Người “vô tàm vô quý” là người làm việc sai mà không cảm thấy tâm bất an. Những lời phê bình ở bên ngoài gần như không có ảnh hưởng đến họ. Vậy thì họ không còn cách để được cứu chữa. Cho nên người “vô tàm vô quý” là đại phiền não. Đây là phiền não nghiêm trọng!”.

Chúng ta quán sát xem trong đối nhân xử thế tiếp vật chúng ta có phạm phải những sai lầm như vậy không. Chúng ta tu hành thì ngày ngày phải phản tỉnh. Tu hành không phải là một ngày niệm Phật, lạy Phật được bao nhiêu lần. Bệnh “vô tàm vô quý” mỗi phàm phu chúng ta đều phạm phải, nhưng mỗi người có mức độ phản tỉnh khác nhau, mức độ nặng, nhẹ của bệnh khác nhau.

Có những vụ án, hung thủ sau khi giết người vẫn quay lại hiện trường để quan sát. Họ tỏ vẻ như không hề biết việc gì vừa xảy ra. Họ tưởng rằng có thể qua mắt được cơ quan điều tra nhưng chỉ sau một thời gian ngắn họ bị bắt. Hung thủ quay trở lại với tâm xem xét, dò la để chuẩn bị ứng phó nên tâm của họ khác thường. Họ biểu hiện ra những động tác dư thừa tự tố cáo mình.

Hòa Thượng giải thích: “Cái gì gọi là “tàm”? Ý nghĩa của chữ “quý” là gì? “Tàm quý” là khi chúng ta làm việc sai thì trong lòng chúng ta cảm thấy rất là khó chịu”. Người thế gian gọi là “lương tâm cắn rứt”, “lương tâm bất an”. Thí dụ khi chúng ta vô tình làm chết một con vật, chúng ta sẽ cảm thấy “lương tâm cắn rứt”. Nếu những sự việc này diễn ra thường xuyên thì chúng ta sẽ không còn cảm thấy bất an nữa. Khi đó chúng ta sẽ tiếp tục làm việc đó ngày càng thường xuyên. Nếu chúng ta làm mà cảm thấy lương tâm bị cắn rứt thì chúng ta sẽ hết sức cẩn trọng, sẽ không làm việc gây tổn hại chúng sanh hay gây phiền não cho người khác nữa.

Hòa Thượng nói: “Lương tâm của người lương thiện sẽ cảm thấy bất an. Đây là ý nghĩa của chữ “tàm”. Còn chữ “quý” là khi bạn làm sai sự việc, rất nhiều người phê bình bạn, bạn nghe thấy thì rất khó chịu và không dám làm việc sai đó nữa”.

Chúng ta là phàm phu nên không thể tránh khỏi “vô tàm vô quý”. Khởi tâm động niệm của chúng ta đều chỉ thấy mình, không thấy người khác. Người khác làm sai thì chúng ta nhìn thấy rất rõ nhưng chúng ta làm sai thì chúng ta không nhận thấy. Người khác chỉ trích chúng ta thì chúng ta cũng không thừa nhận. Vậy “vô tàm vô quý” là đại phiền não. Người có “tàm” có “quý” là người có đại thiện căn.

Hòa Thượng nói: “Người biết được “sỉ”, gọi là “tri sỉ”. Thánh Hiền ở thế gian rất xem trọng hai chữ này. Các Ngài thà chết chứ không làm thương tổn đến danh dự. Người học Phật thà mất đi “thân mạng” chứ không để mất đi “huệ mạng”. Người thế gian thà chết chứ không để mất đi danh dự. Người học Phật biết rằng chết chỉ là mất đi thân mạng. Họ thà “mất mạng” chứ không để mất đi “huệ mạng”.

Hòa Thượng nói: “Nhà Nho ngày xưa nói: “Tri sỉ cận hồ dũng”. Người biết “dũng” thì vô cùng mạnh mẽ. Nếu chúng ta biết hổ thẹn, biết nhận ra sai lầm thì chúng ta sẽ phấn đấu, dũng mãnh, tinh tấn. Đây là điều vô cùng quan trọng trong quá trình tu hành của chúng ta”. Chúng ta chưa thật sự phấn phát, mạnh mẽ, tinh tấn mà vẫn bị tập khí, phiền não lôi kéo. Chúng ta rút kinh nghiệm nhưng lần sau vẫn phạm phải sai lầm tương tự.

Hòa Thượng nói: “Xã hội ngày nay có một bệnh trạng rất nghiêm trọng. Đó là “tâm bệnh” quá nhiều. Phải từ nơi “tri sỉ” mà trị căn bệnh nghiêm trọng này. Chỉ người biết hổ thẹn mới phấn phát, dũng mãnh, tinh tấn. Người không biết hổ thẹn thì hết cách!”.

Chúng ta không biết hổ thẹn với mọi người, với bạn bè, với Thầy Tổ, với Thánh Hiền, với Phật Bồ Tát đã dày công giáo hóa nên chúng ta mãi là phàm phu bình thường. Nếu chúng ta có tâm hổ thẹn thì ngày nay chúng ta đã không còn là phàm phu tội lỗi nữa. Nếu lần này chúng ta không phản tỉnh, dũng mãnh, nỗ lực tinh tấn thì sẽ lại tiếp tục là phàm phu tội lỗi.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook