Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba, ngày 05/07/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 936
“NÊN CẨN TRỌNG KHI SÁNG TÁC”
Ngày nay, rất nhiều người khi sáng tác, viết văn không lường trước được nhân quả. Những người lập trình đã viết ra các chương trình Game. Những chương trình Game này đã hại rất nhiều đứa trẻ mất ăn, mất ngủ, mất sự nghiệp thậm chí mất mạng. Có người sáng tác những tác phẩm làm mọi người ủy mị, không có chí tiến thủ, thậm chí muốn quyên sinh. Bao giờ người thế gian không bị ảnh hưởng bởi những tác phẩm đó thì tội nghiệp của người sáng tác mới hết!
Thích Ca Mâu Ni Phật cũng không tự sáng tác, Ngài nói: “Ta chỉ nói lại những lời bảy đời chư Phật đã nói”. Khổng Lão Phu Tử cũng vậy, Ngài nói: “Thuật nhi bất tác”, Ngài cũng chỉ thuật lại những gì Cổ Thánh Tiên Hiền nói. Hòa Thượng Tịnh Không cũng nói Ngài không giảng Kinh, Ngài chỉ giảng chú giải. Giảng Kinh là giảng trực tiếp từ nơi yếu Kinh, nói ra những lời Phật nói. Nếu chúng ta nói đúng thì công đức vô lượng vô biên. Nếu chúng ta nói sai thì nhân quả đó không nhỏ!
Chúng ta học bằng cách lặp lại đúng lời của Hòa Thượng nói. Hòa Thượng nói: “Tôi chỉ giảng giải lại những chú giải, những lời Thầy của tôi đã dạy. Nếu có sai thì là Thầy sai vì tôi chỉ nói theo những gì Thầy nói”. Ngài cũng là: “Thuật nhi bất tác”. Còn chúng ta rất tùy tiện. Chúng ta tự cho mình là khôn!
Chúng ta ngày ngày học pháp với Hòa Thượng, phân tích những lời Hòa Thượng dạy nên chúng ta phải hết sức cẩn trọng. Có người cho rằng cổ Thánh Tiên Hiền nói như vậy là hơi dư thừa hay hơi thiếu. Họ tùy tiện bỏ đi hay thêm vào lời của Cổ Thánh Tiên Hiền. Họ quá to gan!
Bản Đệ Tử Quy chúng ta dịch có câu cuối là: “Chớ tự chê, đừng tự bỏ. Thánh và Hiền dần làm được”. Nhưng tôi thấy một bản dịch khác, phía sau họ còn cho thêm một đoạn 8 câu. Họ tự cho rằng lời của họ là lời của Cổ Thánh Tiên Hiền. Họ khiến người sau đọc cũng cho rằng đó là lời của Khổng Lão Phu Tử.
Điều này rất nguy hiểm. Chúng ta tự cho rằng những lời của mình có thể sánh ngang với lời Khổng Lão Phu Tử, lời của Cổ Thánh Tiên Hiền. Đúng như người xưa nói là: “Tự dĩ vi thị”. Đó là ngạo mạn, ngông cuồng, không biết sợ nhân quả. Lời của Phật, lời của Thánh Hiền đã được không gian, thời gian chứng nghiệm. Chúng ta tự cho là những lời đó chưa đủ, còn thiếu. Thậm chí có người cho rằng có những lời dư thừa, rườm rà nên họ cắt bớt.
Họ không hành trì, tu tập mà tìm cách cắt xén lời của Thánh Hiền, thêm bớt lời của Phật Bồ Tát. Đó là quá to gan! Nhân quả này không nhỏ! Người xưa không dám làm như vậy, Khổng Lão Phu Tử, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng không dám làm như vậy! Khổng Lão Phu Tử nói: “Thuật nhi bất tác”, Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Ta chỉ nói lại những lời người xưa nói”. Người mà nghe lời, thật làm nhất định không sai! Người nghe rồi sau đó thêm vào hay bớt đi nhất định là sai!
Hòa Thượng nói: “Nên cẩn trọng khi sáng tác”. Chúng ta cho rằng chúng ta khôn hơn Phật Bồ Tát, Cổ Thánh Tiên Hiền. Đó là: “Vọng tác hồ vi”, làm càn làm quấy, vọng tưởng. Lời của Phật, của Khổng Lão Phu Tử đã trải qua nhiều ngàn năm, được không gian, thời gian chứng nghiệm nhưng chúng ta không tin. Chúng ta tin vào những lời nói, những học thuyết mới được sáng tác gần đây, chưa được thời gian, không gian chứng nghiệm. Đến khi chúng ta thấy sai muốn làm lại không còn kịp. Chúng ta phải hết sức cẩn trọng! Chúng ta đừng bao giờ cho mình là người biết, người giỏi.
Chúng ta chỉ cần nghe lời và thật làm là quá tốt rồi! Vì chúng ta nghe lời và thật làm, nếu có sai thì người hướng dẫn chúng ta sai chứ không phải là chúng ta sai. Chúng ta tự cho mình là người biết, khi sai rồi mình phải tự chịu trách nhiệm. Chúng ta làm hư hại tài sản của của hệ thống, của cơ quan, của quốc gia thì nhân quả không nhỏ. Chúng ta đừng bao giờ cho rằng cách thấy, cách biết, cách làm của chúng ta là đúng.
Trong Kinh Phật dặn các Tỳ-kheo: “Bao giờ các ông là A-La-Hán, các ông mới tin vào chính mình!”. Các vị A-La-Hán đã đạt được Lậu tận thông, không còn sinh tử nữa. Chúng ta là phàm phu đầy phiền não, vọng tưởng. Có những người thế gian sống đơn thuần, không danh vọng địa vị. Cuộc sống của họ đơn giản, ý niệm đơn giản, việc làm đơn giản nên vọng tưởng của họ ít. Chúng ta thấy mình có chức, có quyền, điều đó rất tai hại. Lời Hòa Thượng dạy chúng ta thật nghe lời, thật làm không thêm bớt. Nhưng ngày nay chúng ta hiểu sai nên làm hoàn toàn sai.