Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai, ngày 04/07/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 935
“THẾ GIAN LÀ MỘT CÁI LÒ NHUỘM LỚN”
Ngày nay chúng ta khó hình dung ra “lò nhuộm” là như thế nào. Tôi còn nhớ, ngày trước ở trong làng có một cụ già gánh hai thùng nước lớn đi khắp nơi. Cụ vừa đi vừa rao: “Có ai nhuộm đồ không!”. Nước nhuộm thường có màu đen. Nếu có ai muốn nhuộm thì ông cụ sẽ mang quần áo nhúng vào thùng nước nhuộm, sau đó giặt lại rồi phơi lên. Khi còn nhỏ tôi có nhìn thấy ông cụ một vài lần nhưng những năm gần đây thì không thấy nữa. Bài học hôm nay Hòa Thượng nói: “Thế gian là một cái lò nhuộm lớn”. Thế gian ngày càng làm chúng ta tăng trưởng thêm dục vọng.
Hòa Thượng nói: “Chỉ có Phật Bồ Tát tái sanh ở thế gian này thì không bị ô nhiễm. Chúng sanh phàm phu như chúng ta sẽ rất dễ dàng bị ô nhiễm”. Lời của Hòa Thượng là sự cảnh báo cho chúng ta, nếu chúng ta không cẩn trọng thì liền bị ô nhiễm. Danh vọng lợi dưỡng, hưởng thụ năm dục sáu trần, những cám dỗ ở thế gian cũng giống như giọt mật hấp dẫn mọi người. Người chưa có sức định thì rất dễ bị cám dỗ. Người có sức định yếu vẫn bị cám dỗ. Trong 1 triệu người mới có một đến hai người không bị cám dỗ. Vậy thì chúng ta có phải là một trong hai người không bị cám dỗ không?
Chúng ta luôn luôn ở trong sự tình chấp, cảm tình dụng sự, luôn bị tập khí, phiền não xoay chuyển. Nên chúng ta phải hết sức cẩn trọng! Nếu chúng ta còn là phàm phu thì sự cẩn trọng đó phải miên mật, chỉ cần chúng ta lơi là thì chúng ta sẽ bị “nhuộm” ngay. Nếu chúng ta không có địa vị thì chúng ta thể hiện sự bất cần. Còn chúng ta có một chút địa vị thì lại có thể hiện sự khoe khoang. Chỉ cần chúng ta là nhóm trưởng, tổ trưởng là vẻ mặt đã khác. Nếu chúng ta là phó khoa, trưởng khoa, thì khuôn mặt sẽ càng khác nữa. Đó chính là chúng ta đã bị nhuộm, đã bị ô nhiễm. Một chút danh vọng địa vị ở thế gian đã nhuộm, đã lôi kéo chúng ta rồi.
Trong Kinh Sám Hối nói: “Hôm nay con phát tâm học Phật không phải vì quả báo Trời, Người, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát cũng không. Hôm nay con phát tâm vì quả vị Phật”. Người phát tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc thì ông trời Đế Thích nhường cho họ nửa cung trời họ cũng không nhận. Chúng ta phải có tâm cảnh như vậy mới có thể vãng sanh. Nhưng chỉ cần cho chúng ta một chút danh, một chút lợi, hay chúng ta gặp một chút chướng ngại, một chút bất lợi thì thì diện mạo của chúng ta đã hoàn toàn khác rồi!
Hòa Thượng nói: “Xã hội là một lò nhuộm lớn. Chúng ta xem thấy, nghe thấy, nhìn đến không gì là không tự tư tự lợi, không việc gì là không tổn người lợi mình, không việc gì là không khởi lên tham sân si mạn. Người thế gian chúng ta có cái nhìn quá cạn cợn, họ chỉ nhìn thấy trước mắt mà không nhìn thấy ở tương lai”. Trên Kinh, Phật thường gọi là: “Những kẻ đáng thương!”. Hay người xưa gọi là: “Kiến lợi vong nghĩa”. Chúng ta thấy lợi là quên đi tình nghĩa, ân nghĩa, đạo nghĩa.
Những lỗi lầm này chúng ta đều gặp phải, nếu không có người nhắc nhở thì chúng ta sẽ không nhận ra. Chúng ta chỉ thấy lợi trước mắt mà không thấy khổ báo ở tương lai. Trên báo có đăng những vụ việc làm người ta thân bại danh liệt, chấn động cả thế giới. Vì họ làm theo tập khí của bản thân mà gây nên những ảnh hưởng vô cùng to lớn. Nếu chúng ta mắc lỗi làm ảnh hưởng riêng mình thì chỉ một mình mình đọa lạc. Nhưng nếu lỗi của chúng ta làm ảnh hưởng đến một đoàn thể thì lỗi đó không thể bù đắp được!
Hòa Thượng nói: “Thế gian này ngày nay, ô nhiễm ở nơi tâm lý, ô nhiễm ở nơi tinh thần, ô nhiễm ở nơi tư tưởng, ở nhiễm ở nơi kiến giải thậm chí là ô nhiễm ở nơi sinh lý, hoàn cảnh đời sống cũng ô nhiễm. Mọi thứ đều đạt đến cùng tột. Có thể nói là thân tâm chúng ta đều bị ô nhiễm”. Thân tâm chúng ta đều bị ô nhiễm vậy thì không thể tránh khỏi bệnh tật. Ngày nay xuất hiện rất nhiều bệnh nghiêm trọng có thể mất mạng. Tâm chúng ta luôn sợ được sợ mất, sợ hơn sợ thua, sợ thành sợ bại, sợ tốt sợ xấu. Tinh thần chúng ta không bình ổn, luôn ở trạng thái bất an. Có những chuyện rất bình thường mà chúng ta phải lo nghĩ.
Bây giờ khi tôi đi đâu tôi cũng không báo chính xác ngày tôi đến. Vì mọi người rất khẩn trương, lo lắng khi biết tôi sắp đến. Có lần tôi đến một nơi tôi bảo họ chỉ cần luộc rau, kho đậu. Nhưng họ làm mỗi người làm một món. Bữa ăn có hơn chục món nhưng tôi không ăn được món nào vì các món đều cho bột ngọt, bột nêm. Con người thường suy nghĩ phức tạp. Họ cho rằng phải làm như thế này mới đúng nhưng đó chỉ là vọng tưởng. Tâm chúng ta luôn ở trạng thái ô nhiễm. Tinh thần luôn ở trạng thái ô nhiễm thì không thể thanh tịnh, an ổn. Chúng ta quán sát xem tư tưởng chúng ta có thuần tịnh, thuần thiện không hay là thuần ác?