22303/07/2022, 12:47 04/07/2022, 06:05
934 · Kiếp Người Là Một Mảng Không

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật ngày 03/07/2022.

************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 934

KIẾP NGƯỜI LÀ MỘT MẢNG KHÔNG”

Thế gian lầm chấp cho rằng danh vọng địa vị, tiền tài vật chất là thật. Chúng ta xét kỹ thì thấy đó không phải là thật. Bao nhiêu công hào danh tướng lừng lẫy trên thế giới, những người tiền tài danh vọng đến tột cùng cũng đến lúc phải ra đi. Có một vị tỷ phú giàu nhất nhì thế giới bị con gái từ mặt. Con gái 18 tuổi đã tuyên bố từ Cha, không nhận cùng huyết thống. Chúng ta thấy tất cả chỉ là một mảng không, không có gì là thật. Chúng ta phải hết sức cẩn thận! Chúng ta học Phật thì phải nhìn thấu thật giả. Đối với cái thật thì chúng ta phải dần nỗ lực tiến đến, đối với cái giả thì chúng ta phải dần tan nhạt. Chúng ta tu hành nhiều năm nhưng cứ đi ngược lại, đối với cái thật thì chúng ta càng lúc càng nhạt, đối với cái giả thì chúng ta càng lúc càng đậm.

Cái chết là một định luật không thể tránh khỏi nhưng chúng ta sợ chết, không dám nhắc đến cái chết. Dù sợ chết, dù không nhắc đến cái chết nhưng chúng ta không thể không chết. Đã là định luật không thể thay đổi thì chúng ta nên hoan hỉ tiếp nhận, không cần phải lo sợ. Bài học hôm trước, Hòa Thượng nhắc chúng ta phải trân trọng thời gian sống của sinh mạng để làm những việc thật sự chân thật có ích cho chúng sanh. Bài học hôm nay, Hòa Thượng nói cho chúng ta biết: “Kiếp người chỉ là một mảng không”. Sau khi chúng ta chết, bao nhiêu danh vọng địa vị trên thế gian này cũng không còn gì, chỉ còn những tạo tác, những việc tốt xấu mà chúng ta đã làm. Vì vậy chúng ta phải hết sức cẩn trọng! Những việc chúng ta đã làm có tốt cho hậu thế không, có để lại di hại cho hậu thế không?

Hiện nay, trong xã hội có những người thay đổi nghề nghiệp để chạy theo đồng tiền, không chọn nghề thanh cao có thể được đời đời nhắc đến. Thầy Hiệu trưởng của Đại học Sư phạm Hà Nội đã có bài phát biểu rất ý nghĩa. Tôi đã đọc đi đọc lại 2 lần và rất cảm phục Thầy. Thầy rất có tâm, Thầy mong học trò lựa chọn những nghề có giá trị cho thế hệ, đừng chọn những nghề nghiệp quá tầm thường.

Hòa Thượng nói: “Người giác ngộ biết nâng cao cảnh giới của chính mình trong từng ý niệm để không ngừng hoàn thiện bản thân. Muốn hoàn thiện bản thân thì phải không ngừng học tập. Đó là người giác ngộ. Người không giác ngộ cứ để cho mình bị trôi theo tập khí xấu ác của mình”.

Có người chỉ thích ngủ nghỉ nhiều cho khỏe. Thật ra, chúng ta không còn nhiều thời gian để mà ngủ nhiều. Chẳng mấy chốc chúng ta sẽ già đi. Khi cơ thể suy yếu, lực bất tòng tâm thì chúng ta không thực hiện được những ước mong hoài bão. Cho nên chúng ta phải tranh thủ thời gian khi mình còn trẻ khỏe để hoàn thiện bản thân. Hòa Thượng nói: “Chỉ cần hoàn thiện chính mình thì bạn đã có thể ảnh hưởng chúng sanh”.

Hòa Thượng nói: “Người biết nâng cao cảnh giới của bản thân chính là người biết nâng cao chất lượng đời sống tinh thần. Người biết nâng cao đời sống tinh thần có niềm vui hơn người thế gian. Chư vị Bồ Tát không ngừng nâng cao cảnh giới nội tâm, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần. Chúng ta thấy đời sống của các vị Bồ Tát, hiểu được chân giá trị của hưởng thụ thì chúng ta phải hướng đến các Ngài mà học tập”. Chúng ta phải hướng lên cao mà học tập. Chúng ta phải nhìn vào đời sống của các vị Bồ Tát, đời sống của các vị giác ngộ để nâng cao đời sống tinh thần của mình.

Chúng sanh phàm phu chỉ nâng cao đời sống vật chất đời thường. Người thế gian thích ăn ngon, mặc đẹp nhưng đó chỉ là những niềm vui tạm bợ. Chúng ta bị trói buộc bởi tập khí của chính mình. Chúng ta bị tập khí sai sự, lôi kéo, không kiểm soát được bản thân. Lúc thì chúng ta ăn quá no, ăn nhiều đến mức cơ thể cảm thấy khó chịu. Lúc thì chúng ta ngủ quá nhiều, ngủ nhiều đến mức bất biết trời đất, thậm chí có người tỉnh dậy không biết mình đang ở đâu, người như ngây như dại. Chúng ta bị tập khí sai khiến, không kiểm soát được bản thân. Đó không phải là hưởng thụ. Cơ thể chúng ta cần ngủ bao nhiêu thì chúng ta chỉ ngủ đúng bấy nhiêu thời gian. Cơ thể chúng ta cần ăn bao nhiêu thì chúng ta chỉ ăn bấy nhiêu rồi dừng lại. Như vậy mới là hưởng thụ. Đời sống hưởng thụ chân thật là chúng ta phải làm chủ được chính mình, không để tập khí sai sự. Chúng ta đừng nhìn vào đời sống của phàm phu để hưởng thụ theo họ.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook