Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy ngày 02/07/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 933
“PHẢI QUÝ TIẾC THỜI GIAN CỦA SINH MẠNG”
Thời gian của sinh mạng rất ngắn ngủi. Chúng ta nghĩ xem: Từ sáng đến chiều, chúng ta đã bao nhiêu lần tạo nghiệp luân hồi? Chúng ta tạo nghiệp luân hồi vì chúng ta đã lãng phí thời gian quý báu của sinh mạng. Thay vì dùng thời gian đó để tích công bồi đức, để tu tập, để chuẩn bị cho sự “đi về” của mình thì chúng ta lại hoang phí thời gian để tạo nghiệp.
Hòa Thượng nhắc: “Mạng sống của con người rất ngắn ngủi, thời gian để sử dụng được rất có hạn. Cho dù chúng ta sống được 100 năm, thông thường buổi tối ta đã ngủ hết 8 tiếng đồng hồ, hay nói cách khác, ta đã dùng hết 1/3 thời gian của sinh mạng để ngủ. Khoảng thời gian từ 1 tuổi đến 20 tuổi chưa biết việc, chỉ là học hành. Sau 80 tuổi thì chúng ta già nua, lẩm cẩm, cũng không còn thể lực để tu hành hay làm việc thiện nữa. Chúng ta hãy trừ thêm thời gian hàng ngày chúng ta mặc áo, ăn cơm, thù đáp. Vậy thì tính ra thời gian một đời của chúng ta vô cùng ngắn ngủi”.
Hòa Thượng nhắc để chúng ta cảnh tỉnh, những khoảng thời gian chúng ta lãng phí vào vọng tưởng, tạo nghiệp bất thiện là chúng ta đang lãng phí sinh mạng. Nếu không được nhắc thì ngày ngày chúng ta đang lãng phí thời gian sinh mạng của chính mình. Mỗi chúng ta chỉ cần nỗ lực thì chúng ta tự khắc có thể làm những việc vô cùng phi thường. Thay vì dùng thời gian vào những việc buồn vui, thương ghét giận hờn thì chúng ta nên dùng thời gian đó làm việc lợi ích chúng sanh, làm những việc có ích cho thân tâm của chính mình bằng cách học tập giáo huấn của Thánh Hiền, từ đó bồi đắp, hoàn thiện năng lực của chính mình để giúp ích cho chúng sanh, để chúng ta có đủ năng lực giúp ích cho đời, làm tốt cho đạo.
Làm tốt cho đạo là làm những việc tốt đẹp, chân thật có thể có lợi ích cho người thì chúng ta phải làm để người biết được, từ đó họ cũng tiếp nhận để có được lợi ích chân thật. Làm tốt cho đạo không phải là để có nhiều đệ tử, nhiều học trò. Hiện tại chúng ta đang xiển dương văn hóa truyền thống, chúng ta đang nhắc mọi người hướng đến chuẩn mực làm người. Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn”, người xưa dạy chúng ta phải hướng đến làm một phàm phu tiêu chuẩn. Chúng ta phải làm ra điển phạm, làm ra những tấm gương để người khác nhìn vào thì sinh tâm ngưỡng mộ và mong muốn làm theo.
Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, Phật dạy: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, học để làm Thầy người, thực hành là để làm được tấm gương chuẩn mực cho người. Nếu chúng ta làm được như vậy thì gần như chúng ta không có thời gian để phí phạm. Chúng ta còn lãng phí rất nhiều thời gian, còn nhiều thời gian rảnh để “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn”. Thời gian của sinh mạng rất ngắn ngủi nhưng chúng ta không biết quý trọng mà vẫn dùng thời gian đó để tạo nghiệp luân hồi.
Hòa Thượng nói: “Ngày nay chúng ta học Phật, thời gian để huân tập Phật pháp quá ít. Phần nhiều các đồng tu ngày nay một ngày chỉ bỏ ra một đến hai giờ để huân tập Phật pháp. Người học tập như vậy mà muốn có thành tựu thì quá khó. Cho nên tôi khuyên các đồng tu chỉ cần có thời gian rảnh thì phải mau niệm Phật, tụng Kinh hoặc nghe Kinh để bù đắp lại, để bổ túc lại thời gian chúng ta tiếp nhận Phật pháp quá ít”.
Hòa Thượng nói: “Phật hiệu có thể gián đoạn nhưng Phật tâm không thể gián đoạn”. Phật tâm là tâm Phật phải thường hằng trong ta. Chúng ta phản tỉnh xem: Tâm Phật của chúng ta có gián đoạn không? Chúng ta Phật hiệu thì gián đoạn, Phật tâm thì không có. Hàng ngày chúng ta tham ăn, tham ngủ, tham danh, tham lợi.
Chúng ta vẫn chưa biết quý tiếc sinh mạng, chưa biết dùng hết thời gian quý báu này. Thí dụ buổi sáng thức dậy, chúng ta có một giờ huân tập Phật pháp, vậy thì vẫn còn đến 23 giờ huân tập phiền não, tham sân si. Thời gian chúng ta quy nạp Phật pháp quá ít cho nên không thể đạt đến mức trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật hàng ngày tất cả đều là Phật pháp. Nếu chúng ta quy tập nhiều thì chắc chắn khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế của chúng ta đều ứng dụng Phật pháp. Nếu thời gian một giờ huân tập là quá ít, nếu Phật pháp chưa hóa nhập vào trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế của chúng ta thì chắc chắn khởi tâm động niệm của chúng ta vẫn là “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, “tham sân si mạn”. Chúng ta biết rõ điều này để khi chúng ta đọa lạc thì chúng ta cũng cam đọa lạc, biết rằng đó là “tự tác tự thọ”, “tự làm tự chịu”. Nếu không, chúng ta sẽ trách Phật Bồ Tát, trách Thánh Hiền: “Phật Bồ Tát không linh hiển! Con đang đọa lạc, con đang khổ đau đây!”.