Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 01/07/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 932
“MỘT NIỆM KHÔNG SINH GỌI LÀ THÀNH”
Từ xưa đến giờ, chúng ta nghe nói về tâm chân thành, chúng ta đã nghĩ mình rất “thành” rồi. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã thành tâm, thành ý làm công đức, làm Phật sự, nhưng chúng ta không biết rằng việc làm của chúng ta xen tạp cái ta và cái của ta, chỉ cần một ý niệm khởi lên nghĩ về mình thì ý niệm đó đã là không thành.
Hòa Thượng nói: “Ngài Tăng Quốc Phiên đã định nghĩa cho chữ chân thành là: Một niệm không sinh gọi là thành”, có nghĩa là không có một ý niệm nào sinh ra. Làm việc thiện đủ duyên thì làm, không đủ duyên thì thôi, làm việc tốt đủ duyên thì làm, không đủ duyên thì thôi. Chúng ta làm tất cả mọi việc đều không khởi tâm vọng tưởng, không khởi tâm phân biệt, không khởi tâm chấp trước. Đó mới là tâm chân thành. Nếu chúng ta làm việc mà có ý niệm vì ta, ý niệm thành bại, được mất, lời lỗ, hơn thua, tốt xấu thì chúng ta sai vì đó không phải là tâm chân thành. Trong tâm chân thành không có một ý niệm sinh khởi. Đôi lúc chúng ta nghĩ chúng ta thành tâm lắm rồi nhưng việc làm của chúng ta luôn bị cản trở, không được suôn sẻ, gần như không có sự gia trì của Phật Bồ Tát, sự bảo hộ của Long Thiên, Thiện Thần.
Nếu chúng ta đạt được tâm chân thành, đạt được đến tâm của Phật Bồ Tát thì nhất định có sự gia trì của Phật Bồ Tát, sự gia hộ của Long Thiên Thiện Thần. Nhưng chúng ta không làm được điều đó bởi trong tâm ta vẫn có sự phân biệt, chấp trước. Khi làm bất cứ việc gì, chúng ta vẫn muốn người khác biết và muốn có được sự khẳng định, vậy thì chúng ta khởi vọng tưởng rồi. Tâm chân thành không có ý niệm. Nếu có ý niệm thì không phải là tâm chân thành.
Tổ Ấn Quang đã nói: “Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm”. Tâm bạn chân thành đến đỉnh điểm, nghĩa là nhất niệm bất sanh, nghĩa là trong tâm ta không có một ý niệm sinh khởi, đó mới gọi là “kiệt thành”.
Chúng ta bị nhiều phiền não vì chúng ta mang luôn cả cái “ta”. Cái “ta” to như cả Tam Thiên Đại Thiên thế giới, cái “ta” trùm hết tất cả khiến chúng ta không còn thấy gì khác ngoài cái “ta”. Chúng ta tưởng mình chân thành bố thí, chân thành tu tập, chân thành làm Phật sự nhưng nếu thật sự chân thành thì một ý niệm cũng không sinh, một ý niệm lăn tăn cũng không có. Vậy thì chúng ta mới làm được như lời Hòa Thượng nói: “Việc tốt cần làm nên làm, không công không đức”. Chúng ta làm việc tốt, đủ duyên thì làm, không đủ duyên thì không làm.
Chúng ta không nên nghĩ rằng: “Việc này ta làm tốt mà không ai biết đến ta!”, “Việc này ta làm không tốt thì mất mặt ta”. Rất nhiều việc khác nữa, ý niệm về “ta” sinh khởi trùng trùng. Chúng ta mãi ở trong vọng tưởng thì làm sao gọi là “thành”! Chúng sanh khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều là lợi cho “ta”, đều vì “ta” mà khởi chứ không vì mọi người.
Hòa Thượng nói: “Người học Phật nhất định phải dùng tâm chân thành! Tâm chân thành không những không lừa gạt người khác mà không lừa gạt chính mình. Chúng ta phải thật, phải chân, phải thành! Sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, từ sáng đến tối, đối nhân xử thế tiếp vật chúng ta có dùng tâm chân thành, thành tâm không?”. Chúng ta quán sát xem: Hàng ngày chúng ta có lừa gạt mình không? Hàng ngày chúng ta đang lừa gạt chính mình.
Hòa Thượng nói: “Cả đời tôi là một mảng chân thành”. Ngài rất tự tại, mạnh mẽ, không một chút e dè khi nói về điều này vì cuộc đời của Ngài là như vậy. Trong đối nhân xử thế tiếp vật, Ngài đều là một mảng chân thành. Chúng ta có dám nói chúng ta sống chân thành, khởi tâm động niệm là không phân biệt chấp trước không? Chúng ta không dám nói. Nếu dám nói thì chúng ta cũng phải xem có người lớn tuổi ở đó không vì họ đã có kinh nghiệm sống, họ sẽ nhận ra lời nói của chúng ta có thành tâm, thành ý không. Người có công phu thì càng tường tận hơn.
Bởi vậy Hòa Thượng nói: “Bạn tưởng bạn gạt được ai? Tất cả những khởi tâm động niệm, đối nhân tiếp vật, người ta đều nhìn ra được sự không chân thành, thậm chí họ nhìn rõ sự gian dối của chúng ta. Bạn chỉ có thể gạt được người tâm ý bao chao, xao động thôi. Bạn không gạt được người tâm ý se se thanh tịnh”.