156Thứ Năm, 30/06/2022, 16:01
931 · Phải Chân Thật Thấu Hiểu Kinh Giáo

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 30/06/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 931

“PHẢI CHÂN THẬT THẤU HIỂU KINH GIÁO”

Phật nói ra Kinh giáo để chúng ta thấu hiểu. Phật giúp chúng ta “Giải”, đối với “Hành – Chứng” thì chúng ta phải thực hành thì mới ngộ. Có người suốt ngày tụng Kinh để cho Phật nghe, mong có công đức. Nếu chúng ta tụng Kinh đúng pháp thì cũng có sức Định, nhưng Kinh Phật không chỉ để tụng. Phật nói ra Kinh pháp để chúng ta thấu hiểu, khế nhập được, từ đó biến giáo huấn của Phật thành khởi tâm động niệm, hành động việc làm của chính mình.

Hòa Thượng nói: “Phật Bồ Tát nói ra Kinh là từ tự tánh thanh tịnh lưu xuất ra. Những văn tự từ tự tánh lưu xuất ra thì siêu việt cả thời không, không bị thời gian không gian khống chế. Đó mới được gọi là Kinh”.

Ngày nay cũng có những học thuyết, những áng văn chương hay nhưng mọi người chỉ đọc vài lần rồi không đọc nữa. Những bộ tiểu thuyết như “Thủy Hử”, “Xuân Thu Chiến Quốc” tuy rất hay nhưng chúng ta chỉ đọc năm - bảy lần thì dừng lại không đọc nữa vì đó là từ trong vọng tưởng chứ không phải là từ tự tánh thanh tịnh lưu xuất ra. Cho nên muốn hiểu được Kinh pháp thì phải từ nơi tâm thanh tịnh mà khế nhập. Có người cố gắng đi nghiên cứu, tìm hiểu Kinh pháp nhưng cũng không thể hiểu được. Phải lìa tâm phân biệt, vọng tưởng chấp trước thì mới hiểu được!

Có người nói với tôi: “Trước đây, khi nghe đĩa Hòa Thượng giảng thì con không hiểu, nhưng nghe một thời gian thì con tự hiểu”. Chúng ta nghe một thời gian rồi thì tâm phân biệt lắng đọng, tự khắc hiểu được. Chúng ta nghe nhiều, nghe đi nghe lại để quy nạp, dùng tâm định tĩnh, dùng tâm chân thành mà đón nhận thì lâu dần tự sẽ khế hợp. Khi đã khế hợp rồi thì Kinh là đời sống của chúng ta, Kinh là sinh mạng của chúng ta, thân tâm của chúng ta hòa nhập vào trong Kinh giáo. Lúc đó Kinh chính là thân tâm của chính chúng ta. Nếu chúng ta làm được như vậy thì đời sống sẽ tự tại an vui. Người ngoài nhìn vào tưởng chúng ta rất khổ cực nhưng chúng ta không có chút khổ cực nào.

Hòa Thượng nói: “Phải khế nhập được Kinh giáo để Kinh giáo hòa vào trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế của chúng ta”. Điều này cũng dễ hiểu, các vị cứ huân tập giáo huấn của Hòa Thượng 10 năm, 20 năm thì tất cả những khởi tâm động niệm của chúng ta là của Hòa Thượng.

Chúng ta thấy khó bởi vì chúng ta vừa nghe, vừa học, lại vừa xen tạp những tư tưởng ngoại lai khác, rồi lại khởi lên những phân biệt chấp trước: “Hòa Thượng nói như thế này là đúng. Người kia nói như thế kia là sai. Người này nói như thế này là đúng. Hòa Thượng nói như thế kia hình như là chưa đúng”. Chúng ta chỉ dám nói là “hình như là chưa đúng” chứ không dám nói là “không đúng”. Đó vẫn là phân biệt chấp trước. Cho nên chúng ta phải huân tập nghiêm túc 10 năm, chuyên nhất 10 năm. Nếu tu học 10 năm nhưng mỗi chỗ chúng ta nghe một chút như vậy thì dù 100 năm chúng ta cũng chưa thể hội được.

Hòa Thượng nói: “Kinh giáo là đời sống, là sinh mạng. Thân tâm của chúng ta hóa nhập vào trong Kinh giáo. Những khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế của chúng ta là Kinh giáo. Vậy thì không thể sai được! Hiện tại chúng ta vẫn sai vì chúng ta chưa biến những lời giáo huấn của Phật thành đời sống, thành sinh mạng. Nếu chúng ta có thể hóa nhập sinh mạng và đời sống của chúng ta vào trong Kinh giáo thì đời sống của chúng ta tự tại an vui. Bạn chưa khế nhập được, vậy thì bạn không thể thưởng thức được mùi vị an vui đó”.

hàng ngày chúng ta vẫn bị tập khí lôi kéo, trói buộc, dẫn chúng ta đi xềnh xệch. Tập khí trói buộc chúng ta trong “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn”. Chúng ta nghe nhiều Kinh giáo thì sẽ cảm nhận được trong đời sống khởi tâm động niệm của chúng ta đều là tư lợi. “Hôm nay mình xui quá, hôm nay mình may mắn quá”, đây đều là tư lợi. Chúng ta không cần bận tâm tất cả những thứ đó vì chúng ta biết “nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định”, một bữa ăn một ngụm nước đều là do tiền định. Những đãi ngộ tốt nhất, những bất hạnh đến với chúng ta đều do chúng ta đã tạo nhân. “Tiền nhân hậu quả”, nhân trước quả sau, vậy thì làm gì có việc may rủi, hên xui! May rủi hên xui là do chính mình ban cho mình.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook