Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba ngày 28/06/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 929
“THƯỜNG NGÀY PHẢI BIẾT TÍCH CÔNG BỒI ĐỨC”
Hòa Thượng nói: “Thường ngày phải biết tích công bồi đức”. Chúng ta tưởng chừng đây là một việc dễ làm nhưng hàng ngày chúng ta đều đang hưởng phước chứ không phải là chúng ta tích công bồi đức vì hàng ngày chúng ta cứ chọn những việc xứng ý vừa lòng, tránh việc nặng, tìm việc nhẹ. Người tích công bồi đức là người không nề hà khó khăn, việc chân thật lợi ích chúng sanh thì họ chân thật phát tâm làm dù gặp phải rất nhiều khó khăn, gian khổ.
Hôm qua tôi cũng tự khích lệ mình, nếu tôi từ chối đi chuyến hôm qua thì rất nhiều người không nhận được lợi ích. Điều hoan hỉ là chính Sư cô trụ trì rất hoan hỉ tiếp nhận, nhờ buổi chia sẻ ngắn của tôi mà như vỡ òa ra rất nhiều việc phải làm, rất nhiều việc phải thay đổi. Đó là một vị trụ trì có ảnh hưởng rất lớn. Ngôi chùa rất to được xây dựng ở ngay mặt đường quốc lộ 1. Chỉ cần chúng ta phát tâm mang tâm chân thành của mình đến để chia sẻ sự tu tập của bản thân, không có gì cao siêu nhưng lợi ích chúng sanh. Hòa Thượng nói: “Mình không làm thì có lẽ cũng không ai làm!”.
Nếu chỉ cách xa 50 km thì mọi người đã cảm thấy khó, cảm thấy ngại đường xá xa xôi rồi. Hôm qua, tôi đi chặng đường dài 500 km. Ba ngày qua, tôi đã đi qua rất nhiều chặng đường. Hôm qua tôi từ Sóc Trăng về Cần Thơ, qua Cao Lãnh, đi Đồng Tiến ghé thăm một cụ, qua Đồng Tháp Mười, Tràm Chim về Đức Hòa, sau đó về Hóc Môn. Nghe đến đường đi mọi người đã cảm thấy rất xa. Nếu chúng ta nhếch nhác thì không bao giờ có thể làm được. Tôi chỉ nghĩ rằng tôi đến an ủi, khích lệ mọi người. Họ cảm động rồi thì lúc tôi khuyên họ tích công bồi đức họ mới nghe.
Trên đường đi, tôi cũng “một công đôi ba việc”, ghé thăm, khích lệ anh em bạn bè. Hàng ngày chúng ta dụng tâm tích công bồi đức, chúng ta chân thật làm, chân thật vì chúng sanh, không có ý niệm vì mình, đó là công đức. Nếu có ý niệm vì mình, mình làm để có chút khoe khoang thì đó là phước đức.
Tại sao thế gian có nhiều người gặp mọi việc đều “vạn sự như ý”? Chúng ta muốn “vạn sự như ý” thì hàng ngày phải tích công bồi đức, vun bồi phước báu, công đức, không làm tổn phước. Chúng ta tưởng ngày ngày chúng ta đang tích công bồi đức nhưng ngày ngày chúng ta lại đang tiêu hao phước báu. Hàng ngày chúng ta tránh việc nặng, tìm việc nhẹ, sợ khó sợ khổ, vậy thì ai sẽ thay Phật đem giáo huấn của Phật đến với chúng sanh đau khổ? Chúng ta sợ khó, sợ khổ, vậy thì ai sẽ đem giáo huấn Thánh Hiền đến với chúng sanh?
Chúng ta tích cực làm việc vì lợi ích chúng sinh là chúng ta đã phát được tâm của Phật, làm được việc của Phật. Đó chính là tâm Bồ Đề. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, Phật dạy chúng ta: “Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”. “Phát tâm Bồ Đề” mà không “một lòng chuyên niệm” thì không vãng sanh, “một lòng chuyên niệm” mà không “phát tâm Bồ Đề” cũng không vãng sanh. “Phát tâm Bồ Đề” và “một lòng chuyên niệm” phải “tương bổ tương thành”. Chúng ta làm hàng ngày rồi cũng sẽ quen. Chúng ta nhếch nhác, lười biếng thì cũng sẽ quen với nhếch nhác, lười biếng.
Thích Ca Mâu Ni Phật dạy trong “Kinh Vô Lượng Thọ”: “Dĩ thân diễn giáo, dĩ thân tác giáo”, có nghĩa là phải chính mình làm gương. Nếu chúng ta không làm ra được tấm gương thì người khác không thể kính phục, ngưỡng mộ. Từ ngày được tiếp nhận giáo huấn của Hòa Thượng, tôi không bao giờ có ý niệm “đây là việc khó khăn, đây là việc mệt mỏi” mà tôi luôn cố gắng làm, nỗ lực, phấn phát làm. Chân thật là tôi không cảm thấy tự hào khi làm xong việc mà tôi nghĩ: “Nếu như tôi từ chối không đi, tôi không giúp người thì biết bao nhiêu người sẽ không được lợi ích”. Sau mỗi lần làm việc, tôi khởi ý niệm như vậy. Đó là động lực để chính tôi phải nỗ lực hơn! Ngày hôm qua, sáng tôi đổ 1 triệu tiền xăng dầu, chiều đổ 1 triệu tiền xăng dầu. Quãng đường đi xa như thế, xe thì mệt vậy nhưng người không mệt!
Hòa Thượng nói: “Thường ngày phải biết tích công bồi đức”. Chúng ta toàn tâm toàn lực vì chúng sanh mà lo nghĩ, đó là tích công bồi đức. Chúng ta thay Phật Bồ Tát đem giáo huấn của Phật Bồ Tát đến với chúng sanh, đó là tích công bồi đức. Chúng ta thay Thánh Hiền đem giáo huấn của Thánh Hiền đến với chúng sanh, đó là tích công bồi đức.