Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật ngày 26/06/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 927
“PHẢI TU TẠO HÌNH TƯỢNG”
Hòa Thượng khuyên chúng ta phải tu tạo hình tượng, không khuyên chúng ta làm ra hình tượng, vì hình tượng có tu tạo thì mới có thể cảm hóa được người. Hình tượng chỉ do chúng ta cố làm ra vẻ thì người chỉ cần có một chút tâm se se thanh tịnh sẽ nhận ra ngay. Một người khi vừa đến đã khiến chúng ta cảm thấy họ có một mảng từ trường rất lớn, có thể chinh phục được người, bởi vì họ đã có sự tu dưỡng, có năng lực nhiếp phục. Chư Phật Bồ Tát, chư THánh Hiền, các bậc Tổ Sư Đại Đức có năng lực nhiếp phục chúng sanh. Năng lực nhiếp phục đó chính là từ nơi nội tâm thanh tịnh. Hòa Thượng dạy chúng ta muốn nhiếp độ chúng sanh thì phải tu tạo hình tượng. Chúng ta có được hình tượng tốt thì chúng sanh nhìn vào sẽ nể phục, sinh tâm ngưỡng mộ. Từ đó, việc chúng ta nhiếp hóa họ, giáo hóa họ trở nên rất đơn giản.
Khi Thích Ca Mâu Ni Phật trở về thành Ca Tỳ La Vệ sau nhiều năm, La Hầu Ha đứng bên Phật mà thốt lên rằng: “Ôi, chỉ cái bóng của Ngài thôi cũng làm con mát dịu cả tâm hồn!”. Đức Phật có một sự nhiếp phục chúng sanh rất mạnh mẽ. Chúng ta muốn có một sự nhiếp phục mạnh mẽ thì phải có sự tu dưỡng từ tâm của mình.
Người xưa nói: Không mong cầu ở đời, không chờ đợi ở người mà chỉ ban cho thì tự khắc chúng ta sẽ tự tại, có năng lực nhiếp hóa chúng sanh. Chúng ta không có năng lực nhiếp hóa chúng sanh bởi vì chúng ta nơi nơi đều mong cầu ở người, chờ đợi người làm cho chúng ta mọi việc, từ đó mất đi năng lực nhiếp phục chúng sanh. Nếu trong mọi hoàn cảnh, chúng ta đều vô tư vô cầu thì tự khắc chúng ta có năng lực nhiếp hóa chúng sanh rất lớn.
Tất cả người học Phật chúng ta phải nên xem lại việc này! Ta đã hướng đến sự vô tư vô cầu để làm việc chưa? Ta đã hướng đến sự vô tư vô cầu để hi sinh phụng hiến chưa? Tôi đã nói với mọi người điều này nhưng nhiều người không tin: Những gì ta bỏ ra mà ta không nhận bằng tiền thì nhất định ta sẽ nhận bằng phước báu. Những gì ta nhận mà không trả bằng tiền thì sẽ phải trả bằng phước báu. Không sót lọt một mảy may, nhỏ như hạt bụi cũng không hề sót lọt.
Người học Phật rất đông nhưng làm cho người ta mất đi niềm tin đối với người học Phật. Khi người ta không có niềm tin đối với người học Phật thì cũng sẽ không có niềm tin đối với Phật. Người ta sẽ nói: “Học Phật mà tham như vậy ư? Học Phật mà “danh vọng lợi dưỡng” lớn như vậy ư? Học Phật mà “tự tư tự lợi” lớn như vậy ư? Chắc là Phật không có gì tốt nên mới có đồ chúng như vậy”. Chúng ta không làm ra hình tượng tốt, lại còn làm mất đi hình tượng của Phật.
Tôi nhớ mãi câu nói của Hòa Thượng: “Chúng ta không cần học nhiều, chỉ cần học một câu thì làm một câu, làm được một cách triệt để”. Hòa Thượng nói: “Cả đời tôi là một mảng chân thành”. Cả đời chúng ta chỉ cần học và làm theo một câu này của Hòa Thượng. Chúng ta khởi tâm động niệm phải chân thành, đối nhân xử thế tiếp vật phải chân thành, làm tất cả mọi việc trong cuộc sống thường ngày chân thành mà làm, đối với tất cả các mối quan hệ đều phải chân thành. Chồng chân thành với vợ, vợ chân thành với chồng, học trò chân thành với Thầy, Thầy chân thành với học trò, người cấp trên chân thành với người cấp dưới, người cấp dưới chân thành với người cấp trên. Không có gì quá phức tạp!
Cách đây 10 năm, tôi dịch đoạn khai thị của Tổ Ấn Quang: “Đốn luân tận phận, nhàn tà tồn thành, nhất tâm niệm Phật, cầu sinh Tịnh Độ”. Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản hơn là: “Tận trách nhiệm, sống chân thành, tâm thanh tịnh”. Trong “tận trách nhiệm”, chúng ta hãy xem coi: Trong một ngày từ sáng đến chiều chúng ta có bao nhiêu trách nhiệm, bao nhiêu bổn phận? Chúng ta có tận trách nhiệm, tận bổn phận của mình không? Chúng ta cứ yêu cầu người khác phải làm tròn bổn phận, trách nhiệm của họ mà không hề nhìn xem chính bản thân mình đã làm tròn bổn phận, đã tận hết trách nhiệm của mình hay chưa. Đó là tấm gương, là hình tượng. Chúng ta cứ soi mói người khác mà không hề soi mói chính bản thân mình xem mình đã làm tròn bổn phận của mình chưa.
Tôi đang trên đường đi về Sóc Trăng để giảng, có một việc phát sinh nên tôi phải đi đến một nơi khác nữa. Hôm qua tôi đã đặt một số món ăn ở một quán chay gần chùa, tôi lỡ hứa với họ là thứ Ba tôi sẽ đến đó lấy đồ. Sự thay đổi kế hoạch khiến tôi không về được vào thứ Ba để lấy đồ. Trong lòng tôi rất áy náy, băn khoăn vì tôi đã đặt khá nhiều đồ. Một chuyện nhỏ như vậy cũng khiến tôi cảm thấy mình đã lỗi hẹn với người. Tôi sẽ tìm cách liên hệ với họ để hẹn ngày nhận đồ lùi chậm lại. Nếu chúng ta gánh vác chuyện lớn lao thì sao? “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” ở tận xa tít chân trời. Chúng ta tu hành, không gì khác hơn là hàng ngày phải tận trách nhiệm, dốc hết trách nhiệm trong vai trò trách nhiệm của mình.