108Thứ Sáu, 24/06/2022, 19:34

 

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 26/06/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 925

“HỌC PHẬT PHẢI CHÂN THẬT LÀM”

Chân thật làm theo lời giáo huấn của Phật, làm theo những gì Phật đã làm thì mới là học Phật. Không phải có chứng nhận quy là học Phật. Đó chỉ là hình tướng, chỉ là giả, không phải là thật. Hòa Thượng nói: “Học Phật phải chân thật làm”. Nếu chúng ta học Phật mà không chân thật làm thì chúng ta chỉ là “hữu danh vô thực”, chúng ta vô tình làm cho người chưa học Phật nhìn vào sẽ mất niềm tin đối với Phật. Họ sẽ nghĩ: “Người học Phật lâu năm mà còn như vậy!”. Cho nên trong loạt chuyên đề 1200 đề tài, Hòa Thượng nhắc đi nhắc lại, nếu chúng ta chỉ “hữu danh vô thực” thì chúng ta sẽ làm cho người ta chê bai Phật pháp.

Hòa Thượng nói: “Bạn học Phật mà bạn vẫn tham, sân, si, ngạo mạn, ngày ngày bạn vẫn đang tạo tác, vẫn thị phi nhân ngã thì người ta sẽ mắng bạn. Người ta mắng bạn thì chính là mắng Phật Bồ Tát, mắng Tam Bảo. Bạn làm người ta phải tạo ra cái tội nghiệp này, bạn không đọa vào địa ngục thì ai đọa vào địa ngục? Ở trên Kinh Giáo, Phật dạy điều này rất rõ ràng, tường tận nhưng người học Phật không làm”.

Phật được gọi bằng danh từ “vô duyên đại từ”, lòng từ không có nguyên nhân. Phật đến thế gian này không phải để có nhiều đệ tử, nhiều phe cánh. Chúng ta phải chân thật học, chân thật làm thì chúng ta mới chân thật có được lợi ích. Hòa Thượng nói: “Người chân thật học Phật là người không có một chút ý niệm chiếm tiện nghi của người khác. Nếu chúng ta còn có ý niệm chiếm tiện nghi của người khác thì chúng ta không phải là người học Phật”. Câu nói này của Hòa Thượng làm tôi chấn động. Chỉ cần chúng ta có ý niệm chiếm tiện nghi của người, lợi dụng người thì chúng ta không phải là người học Phật. Người chân thật học Phật là người chân thật hi sinh phụng hiến như lời Bác Hồ dạy “chí công vô tư”.

Những câu nói này làm chúng ta chấn động vì chúng ta vẫn tự tư tự lợi, ích kỷ. Xung quanh chúng ta còn rất nhiều chúng sanh đau khổ. Họ đau khổ vì thiếu cơm ăn áo mặc nhưng điều này chưa phải là điều đáng nói. Điều đáng nói là họ đau khổ vì họ mờ mịt không có lối đi, không tìm ra được lối đi. Chúng ta học Phật rồi, chúng ta biết được đường đi nước bước rồi nhưng chúng ta lại an nhàn thụ hưởng, an ổn với hạnh phúc mình đang có, không muốn xả thân vì người.

Nhiều năm về trước, một ngày tôi bôn ba giảng ba buổi sáng, chiều và tối. Tôi nhớ có lúc xung quanh tôi có năm, sáu tài xế. Sáng tôi giảng ở Nam Định, chiều về Hải Dương, tối về Hà Nội. Có một anh lái xe taxi là tín đồ Công giáo đã chở tôi đi ba bốn lần thi thoảng lại gọi điện hỏi thăm sức khỏe của tôi. Bây giờ tôi không tự lái xe đi vài trăm cây số nữa vì tâm có thừa mà sức không đủ.

Những câu nói này của Hòa Thượng khiến tôi rất chấn động: “Học Phật thì phải chân thật làm”. “Người chân thật học Phật là người không có một chút ý niệm chiếm tiện nghi của người khác”. Chúng ta đừng nghĩ rằng chúng ta được hưởng những tiện nghi của đại chúng thì chúng ta đáng được hưởng. Những gì chúng ta không trả bằng tiền thì chúng ta phải trả bằng phước báu của chính mình. Những gì chúng ta bỏ ra rất nhiều công sức nhưng chúng ta không nhận thù lao tương xứng, chúng ta không nhận bằng tiền thì sẽ được nhận bằng phước báu. Nhà Phật có câu: “Lưới trời lồng lộng, không sót một mảy trần”. Một hạt vi trần còn không sót lọt, vậy thì những việc chiếm tiện nghi của người càng không bao giờ lọt được, không thể có chuyện sót lọt. Nhưng chúng ta lại quên đi điều này.

Có những người ở xung quanh tôi khiến tôi rất cảm động. Họ gánh vác Phật sự lớn lao, nhiều chuyến đi phải di chuyển qua ba bốn chặng xe gian khổ. Đó là họ biết tích phước. Chúng ta tích phước thì phước của chúng ta sẽ dần đầy. Khi phước trong mạng chúng ta hết rồi thì mọi việc xung quanh chúng ta sẽ bất an. Cho nên người chân thật tu hành không có một chút ý niệm chiếm tiện nghi của người mà tất cả đều là hi sinh phụng hiến, dốc hết sức mình để phụng hiến cho người.

Chư Phật Bồ Tát, Tổ Sư Đại Đức, Hòa Thượng cũng đã làm ra những tấm gương cho chúng ta thấy. Các Ngài không hưởng những sự đãi ngộ mà đại chúng cúng dường cho các Ngài. Các Ngài giảng Pháp xong thì đi về nơi tịch tĩnh. Ông Lý Kim Hữu sở hữu một hòn đảo với nhiều khách sạn 5 sao, tiền phòng đến 500 – 600USD một đêm, nhưng người học Phật đến đó có thể ở miễn phí. Hòa Thượng ra hòn đảo đó để giảng pháp thì phải đi bằng ca-nô. Sau khi giảng xong, Ngài rời khỏi đó ngay, không ở thêm dù chỉ 1 giờ. Nếu chúng ta có ý niệm ở thêm 1 giờ là có ý niệm hưởng thụ, có ý niệm chiếm tiện nghi rồi. Nhiều lần tôi đi giảng pháp, sau khi xong việc tôi về luoon. Họ muốn giữ lại, không cho về tôi cũng về.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook