266Thứ Tư, 22/06/2022, 15:33
923 · Có Chút Năng Lực Thì Ngạo Mạn Nổi Lên

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 22/06/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 923

“CÓ CHÚT NĂNG LỰC THÌ NGẠO MẠN NỔI LÊN”

Tăng thượng mạn” là có chút năng lực thì ngạo mạn nổi lên. “Ti thượng mạn” là người người bất tài vô dụng nhưng cũng khởi ngạo mạn, không thèm nỗ lực, không chịu hướng đến người khác để học tập mà cứ nghĩ: “Mình không làm được đâu, thôi để người khác làm!”.

Người xưa nói: “Ngạo mạn là bệnh của người có tài”. Người có đức, tài đức vẹn toàn thì không ngạo mạn. Nhưng người bất tài vô dụng cũng ngạo mạn, họ thấy người khác làm được việc thì họ nghĩ: “Người ta sinh ra trong gia đình giàu có, có địa vị, có tiền của nên mới làm được. Chẳng qua tôi sinh ra trong gia đình nghèo, không có địa vị, không có tiền cho nên tôi không làm được thôi! Nếu tôi được học thì tôi còn làm được tốt hơn người ta!”. Trong xã hội, loại người “ti thượng mạn” rất nhiều. Họ ngạo mạn, không chịu hướng đến người khác để học hỏi. Người có tài năng và người bất tài vô dụng đều mắc hai căn bệnh này.

Chúng ta tự kiểm điểm xem hiện tại chúng ta đang mắc bệnh nào trong hai bệnh này. Hòa Thượng đã nhắc: “Nếu chúng ta có lỗi thì chúng ta sửa, nếu chúng ta không có lỗi thì nhắc nhở chính mình đừng phạm lỗi”. Đó chính là tu từ tâm niệm. Chúng ta tu hành, nếu chỉ chuyển đổi trên hình thức, trên lời nói, thậm chí chuyển đổi trên việc làm thì cũng chưa đúng mà hàng ngày chúng ta phải chuyển đổi từ nội tâm của chính mình. Chúng ta biết rằng: Tâm làm chủ, tâm chỉ đạo hành động, tạo tác, Khi chúng ta chuyển đổi được từ nơi tâm thì hành động, tạo tác đều được chuyển đổi.

Hòa Thượng nhắc: “Chúng ta tu hành phải hết sức cẩn trọng! Khi ở trong danh vọng lợi dưỡng, chúng ta sẽ bị danh vọng lợi dưỡng làm cho biến chất dần dần”. Nếu nó thay đổi lớn thì chúng ta nhận ra ngay. Nếu nó thay đổi từng chút nhỏ ngay ở trên ý niệm của chúng ta, đến khi chúng ta nhận ra thì đã trở thành tập khí, trở thành thói quen rồi. Khi nó đã trở thành thói quen, nếu muốn sửa thì chúng ta cũng phải mất từng ấy thời gian để thay đổi. Một người đang sống cơ hàn, không danh vọng, không địa vị, khi vừa có một chút danh vọng, địa vị, chỉ cần có địa vị trưởng nhóm, đội trưởng thì người đó liền bị biến chất.

Ngay đến cái tên của chúng ta, khi chúng ta dự hội nghị nếu họ đọc sai tên, sai họ, sai tên đệm của chúng ta thì chúng ta đã khó chịu. Trong đại hội Phật giáo cấp tỉnh, khi Ban tổ chức xướng danh của một vị nhiều lần nhưng không gọi đúng chức danh thì vị đó phiền não và nói: “Chú có biết tôi là ai không?”. Sự ngạo mạn này không dễ nhận ra nó rất vi tế, không phải tự nhiên mà Phật liệt kê: “Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến”.

Rất nhiều người tu hành thất bại bởi những tập khí phiền não. Chúng ta tưởng dễ sửa đổi, dễ cải đổi nhưng không hề dễ, tập khí phiền não cứ lớn dần. Người xưa nói: “Ấu niên dưỡng tánh, thiếu niên dưỡng chí, lão niên dưỡng đức”. Tập khí đã hình thành, không thay đổi được, có thể khi chết người ta cũng mang theo tập khí. Người lớn tuổi rất khó thay đổi tập khí cho nên rất khó mà khuyên can được họ. Sau 40 tuổi đã khó, sau 50 tuổi khó hơn, sau 60 tuổi càng khó, sau 70 tuổi thì khó tuyệt đối. Người rất có thiện căn phước đức mới có thể thay đổi được tập khí. Có nhiều người nói: “Còn trẻ thì chưa phải tu hành, để già một chút rồi tu hành” nhưng sẽ không kịp. Chúng ta chưa đến 50 tuổi thì phải mau mau dưỡng tánh, đừng nghĩ rằng để đến già rồi sẽ thay đổi, nếu để đến già thì lúc chết sẽ mang theo tập khí, rất đáng sợ. Chúng ta cần phải có sự tu dưỡng một cách mạnh mẽ khi tuổi còn trẻ, khi chưa đến lúc già. Trong khoảng 40 – 50 - 60 tuổi, chúng ta phải nỗ lực tu dưỡng.

Gần đây báo đăng một cụ ông 70 tuổi làm đám cưới với một cụ bà 82 tuổi. Có những người đã 70 tuổi, 80 tuổi nhưng vì không có sự tu dưỡng cho nên bị tập khí dẫn khởi, sai sự. Có người đã 80 tuổi nhưng vẫn muốn hưởng thụ khiến con cháu rất đau lòng. Con cháu trách: “Tại sao Cha Mẹ như vậy! Tại sao Ông Bà đến tuổi này còn như vậy!”. Đó là tập khí. Nếu không có sự tu tập, nội tâm không có chỗ nương về thì người ta hành xử theo thói quen. Khi còn trẻ, nếu chúng ta “tham sân si mạn”, “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng” thì khi về già những tập khí này sẽ diễn lại.

Người xưa dạy: “Với người thì chúng ta phải bao dung đến 9 phần, đối với tập khí của bản thân thì chúng ta phải đuổi cùng diệt tận”. Tôi có một người bạn, nếu đến giờ uống cà phê mà không được uống thì tay sẽ run. Đó chỉ là cà-phê, chưa phải là các chất gây nghiện mà đã như vậy. Nếu chúng ta không triệt để thay đổi tập khí, thói quen từ khi còn trẻ thì khi chúng ta già, những tập khí đó sẽ diễn lại. Chúng ta đừng ước mong khi chúng ta già, tai điếc, chân run thì chúng ta có thể tự tu. Chúng ta nhìn vào Ông Bà, Cha Mẹ chúng ta thì sẽ biết. Có người nói với tôi: “Ba của con năm nay hơn 70 tuổi rồi mà vẫn tìm đến chốn hưởng thụ”. Đó là do tập khí. Nếu chúng ta cứ để cho tập khí phát triển thì đến lúc về già, chúng ta vẫn theo những thói quen đó. Chúng ta đừng nghĩ rằng bây giờ mình uống rượu, hút thuốc lá một chút thì khi về già sẽ bỏ được rượu, bỏ được thuốc lá. Chúng ta đừng ở đó mà mơ tưởng! Khi tập khí đã trở thành thói quen sâu dày rồi thì càng về sau sẽ càng khó sửa. Không có ai lúc trẻ keo kiệt mà khi về già tự nhiên trở nên phóng khoáng, rộng rãi. Nếu lúc trẻ keo kiệt thì về già sẽ càng keo kiệt hơn.

Cho nên chúng ta tu hành thì phải từ chính khởi tâm động niệm mà tu, chứ không tu ở trên hình tướng, trên việc làm, trên lời nói. Đặc biệt khi chúng ta là những người làm giáo dục, làm gương cho người khác, chúng ta đừng tưởng người ta mắt mờ rồi nhìn không ra. Họ nhìn thấy ngay từ khởi tâm động niệm của chúng ta chứ chưa cần nhìn đến hành động của chúng ta.

Trong bài học trước, Hòa Thượng nhắc: “Có hai hạng người không bao giờ mắc lỗi: Hạng thứ nhất là Phật, hạng thứ hai là người tự dĩ vi thị, luôn tự cho mình là đúng”. Người xưa nói: “Tâm cảm tâm”. Tâm thanh tịnh, tâm từ bi chưa cần đạt đến 100% nhưng chỉ cần chúng ta có một phần nhỏ thì cũng sẽ cảm được tâm. Chúng ta chỉ cần có 1% tâm chân thành thì sẽ cảm được 1% tâm chân thành của người, chúng ta có 10% tâm chân thành thì sẽ cảm được 10% tâm chân thành của người. Trên từ chư Phật dưới đến chúng sanh nhỏ nhất, tất cả đều có tự tánh như nhau.

Tự tánh là như nhau nhưng hiện tại có sự khác biệt do độ mê ngộ khác nhau, chúng sanh ở càng thấp thì độ mê càng sâu. Con cá heo, con chó hiểu được tiếng người, có thể biểu đạt như con người. Gần đây có câu chuyện kể về con cá heo và người huấn luyện viên yêu nhau và kết hôn. Động vật có thể biểu đạt được những hành động thể hiện tình cảm. Loài kiến không có tai, không có mắt, chỉ có khứu giác nên khứu giác rất mạnh. Nhưng bảy đời chư Phật đi qua mà con kiến vẫn mang kiếp con kiến. Chúng sinh mê ngộ khác nhau, ngộ nhiều thì mê ít, mê nhiều thì ngộ ít nhưng tự tánh của tất cả chúng sanh đều như nhau.

Thích Ca Mâu Ni Phật Thích Ca đã khẳng định: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Chúng ta đừng “tự dĩ vi thị”, tự cho mình là đúng. Người xung quanh đã nhận ra tất cả sai phạm của chúng ta ngay từ ở trong ý niệm. Trong tự tánh của họ không có những thứ đó nên họ cảm nhận được sự khác biệt.

Khi tôi đi đến các cơ sở giáo dục trong Hệ thống thì ai cũng lo sợ, phải chuẩn bị đủ thứ. Tại sao phải như vậy? Ta vốn như thế nào thì ta cứ như vậy thôi! Nơi nào tôi chuẩn bị đến là nơi đó mọi người phải chuẩn bị vì bình thường không được như vậy, lúc bình thường thì mọi việc khác thường.

Có bài thơ: “Ta chính là ta tự thủa nào, từ thời xưa ấy đến ngàn sau”. Tự tánh của chúng ta vốn là Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi. Từ ngàn xưa là như vậy và đến ngàn đời sau vẫn là như vậy. Hiện tại tự tánh của chúng ta không được như vậy vì do chúng ta mê. “Danh vọng lợi dưỡng” là mê, “tự tư tự lợi” là mê, hưởng thụ “năm dục sáu trần” là mê, “tham sân si mạn” cũng là mê.

Bài học hôm nay, Hòa Thượng nói: “Có chút năng lực thì ngạo mạn nổi lên”. Chúng ta có chút năng lực, thấy mình làm được chút việc thì ngạo mạn nổi lên. Nếu so với chư Phật Bồ Tát, so với Thánh Hiền, so với Tổ Sư Đại Đức nhiều đời thì chúng ta không hề có một chút thành tựu nào. Hòa Thượng nói: “Tổ Sư Đại Đức, Chư Phật Bồ Tát các Ngài đã làm được bao nhiêu việc mà không hề có một chút cái ta”. Các Ngài thành tựu viên mãn vì các Ngài đã hoàn toàn dẹp bỏ cái “ta”.

Hòa Thượng nói: “Người đạt quả vị thấp nhất trong nhà Phật là quả Tu Đà Hoàn cũng đã phải đạt đến vô ngã, không còn thấy ta”. Người nào thấy mình chứng quả Tu Đà Hoàn thì người đó không chứng quả.

Hòa Thượng nhắc: “Người mới làm được một chút việc, mới có một chút năng lực đã thấy mình hơn người, ở thế gian thì sự ngạo mạn ngăn ngại sự tiến bộ trong chuyên môn của bạn. Còn trong tu hành, chỉ cần một niệm tâm ngạo mạn khởi lên thì công phu tu hành của bạn đã mất hết. Lúc đó không còn là Phật lực mà là Ma lực”.

Chỉ một chút ngạo mạn nổi lên đã chướng ngại sự tiến bộ của chúng ta. Cuộc sống này là một quá trình dài để chúng ta hoàn thiện, tu hành. Tâm ngạo mạn cản trở năng lực của chúng ta vì chúng ta không hướng tới người khác để học tập. Tâm ngạo mạn khiến công phu tu hành dù 10 năm, 20 năm hay 100 năm cũng mất hết. Ma sẽ dẫn chúng ta đi đến chỗ đọa lạc.

Hòa Thượng nhắc đến câu chuyện về một đồ đệ của Hòa Thượng Đế Nhàn. Khi ông tu hành công phu chưa đắc lực thì chưa có danh vọng lợi dưỡng. Tu hành được một thời gian, ông trở nên nổi tiếng thì danh vọng lợi dưỡng nổi lên. Khi được bầu làm thủ tọa thì ông liền cống cao ngã mạn, khởi lên ý niệm: “Ta tu hành tốt nên mới được bầu làm thủ tọa”. Hòa Thượng nói: “Khi được làm chức thủ tọa thì tâm ngạo mạn liền khởi lên, ông tự cảm thấy mình rất cừ khôi, mình hơn người. Khi tâm ngạo mạn vừa khởi lên thì thần hộ pháp đi khỏi, oan gia trái chủ liền tìm đến”. Oan gia trái chủ chính là người vợ của ông. Khi ông muốn xuất gia, người vợ kiên quyết không đồng ý. Sau khi ông xuất gia thì bà vợ nhảy xuống sông tự tử, sau khi chết luôn bám theo ông. Khi ông tu hành nghiêm túc, thần hộ pháp gia hộ nên bà không làm được gì. Nhưng khi ông làm chức vụ thủ tọa, tâm ngạo mạn của ông khởi lên, có chút danh vọng nổi lên, thần hộ pháp bỏ đi thì bà liền tìm đến. Người vợ này dựa vào thân ông, dẫn ông đến bờ sông rồi nhảy xuống sông tự tử. Sau khi chết, nhờ phước báu tu hành nên ông làm thổ công, làm ngạ quỷ hưởng phước. Hòa Thượng nói: “Ở trong ngạ quỷ đạo, tu hành cũng có một chút công phu, có phước báu nên đã đến cõi ngạ quỷ làm thổ công. Ông làm thổ địa ông, bà làm thổ địa bà”. Khi ông chết thì Hòa Thượng Đế Nhàn đến làm lễ cho ông, Hòa Thượng Đế Nhàn biết ông sinh vào ngạ quỷ làm thổ địa. Một ý niệm tâm ngạo mạn khởi lên thì công phu tu hành liền tiêu mất.

Hòa Thượng nói: “Người tu hành ở trong danh vọng lợi dưỡng thì phải biết cách chuyển đổi nó. Nếu có “danh vọng lợi dưỡng” thì chúng ta đem “danh vọng lợi dưỡng” đó cho mọi người cùng hưởng, chính mình không hưởng. Tôi ở đây có rất nhiều người đến tặng đồ ăn cho tôi, đều là các món cao lương, mỹ vị, thượng phẩm ở các nơi đem về tặng tôi, nhưng tôi đem tặng tất cả những thứ đó cho người khác. Tôi biết được rằng một hạt cơm của thí chủ nặng như núi Tu Di, nếu tôi không đắc đạo thì tôi phải mang lông đội sừng để trả. Tôi tặng hết cho mọi người, nếu tôi không ngộ đạo thì tôi không phải trả”. Ý Hòa Thượng là nếu một mai các vị không liễu đạo thì các vị phải trả, các vị tự làm tự chịu, Ngài nói rồi cười rất tươi!

Hòa Thượng nói: “Người tu hành ở trong danh vọng lợi dưỡng phải biết chuyển đổi từ ở ngay nơi khởi tâm động niệm. Khi vừa khởi tâm động niệm thì chúng ta phải lập tức cảnh giác: Ta làm việc này đang vì ta hay đang vì người, việc này đang thỏa mãn danh vọng lợi dưỡng của ta hay đang làm lợi ích cho tha nhân. Chúng ta nhất định không thể có ý niệm tham, sân, si, mạn. Sáu căn của chúng ta khi tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, gặp cảnh giới ưa thích thì chúng ta liền khởi lên tâm tham, gặp cảnh giới không ưa thích thì chúng ta liền khởi lên tâm sân. Khi ý niệm vừa khởi lên thì lập tức phải biết rằng ta đã đọa lạc rồi. Một ý niệm tham khởi lên thì bạn đọa lạc ở đường Ngạ Quỷ. Một ý niệm sân khởi lên thì bạn đọa lạc ở đường Địa Ngục. Một ý niệm ngu si khởi lên thì bạn đọa vào đường Súc Sanh. Cho nên một người tu hành mỗi giờ, mỗi phút đều phải đề cao cảnh giác, cảnh giác từ ở nơi nội tâm, khởi tâm động niệm của chính mình”. Ngày nay đa phần chúng ta tu hành ở trên hình tướng, tu ở trên lời nói, tu ở trên việc làm nhưng chỉ làm cho dễ coi.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải nên biết: Tâm ngạo mạn là đại phiền phức! Chỉ cần bạn khởi lên một chút tâm ngạo mạn thì công đức tu hành của bạn liền tiêu mất. Cho nên người tu hành chúng ta không thể không cảnh giác”. Phước đức thì không mất, nhưng công đức thì mất hết. Tâm thanh tịnh mới có công đức. Công đức mới giúp chúng ta vượt thoát sinh tử. Nếu chúng ta không cảnh giác thì chúng ta chỉ có phước đức, công đức đã mất hết. Vậy thì đáng sinh tử như thế nào vẫn phải sinh tử như thế đó, đáng đọa lạc như thế nào vẫn phải đọa lạc như thế đó.

Hòa Thượng dạy chúng ta khi ở trong danh vọng lợi dưỡng thì chúng ta phải biết chuyển đổi, chúng ta chuyển lợi ích cho mọi người, còn chúng ta không hưởng. Chúng ta phải cảnh giác từ nơi khởi tâm động niệm. Điều này rất khó vì chỉ cần chúng ta làm được chút việc thì tâm ngạo mạn liền khởi lên, như vậy thì công đức mất hết, chỉ còn lại phước đức.

Người chỉ có phước đức thì không được về cõi Phật để hưởng phước. Hòa Thượng nhắc câu chuyện về người học trò Ngài Đế Nhàn, tu hành rất tốt được bầu làm thủ tọa vậy là danh vọng lợi dưỡng khởi lên, oan gia trái chủ liền tìm đến. Sau khi chết thì ông đi vào ngạ quỷ làm thổ địa để hưởng phước. Thổ địa được mọi người cúng dường rất nhiều tiền vàng, trái cây...

*****************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook