Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai ngày 20/06/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 921
“KHÔNG BIẾT CÁI GÌ LÀ ÂN THÌ LÀM SAO BÁO ÂN”
Hòa Thượng nói: “Chúng ta không biết cái gì là ân đức thì làm sao chúng ta có thể tri ân, báo ân”. Có một câu rất đau lòng nói về người ngày nay: “Kiến lợi vong nghĩa”, có nghĩa là “thấy lợi quên nghĩa”. Người ngày nay thấy lợi thì quên đi đạo nghĩa, tình nghĩa, ân nghĩa mà người ta đã dành cho mình. “Người ta” là Cha Mẹ, là Lão sư, là bạn bè thân thích, là chồng, là vợ của chúng ta, lớn hơn nữa là quốc gia của chúng ta. Chúng ta có cảm thấy hổ thẹn khi nghe câu này không?
Những việc “thấy lợi quên nghĩa” ngày nay diễn ra rất phổ biến. Thí dụ chúng ta đang làm việc cho một công ty, xí nghiệp thì có người đến nói: “Anh tài năng lắm! Công ty của anh không biết sử dụng anh cho nên đãi ngộ rất thấp. Anh tới công ty tôi thì tôi sẽ biết sử dụng tài năng của anh và đãi ngộ anh gấp đôi”. Đa phần mọi người sẽ đồng ý ngay, không còn nghĩ đến ân nghĩa, tình nghĩa, đạo nghĩa. Khi chúng ta mới tốt nghiệp ra trường, chúng ta chưa có kinh nghiệm, chưa có đủ năng lực, nhờ họ đã dìu dắt chúng ta nên chúng ta mới có năng lực như ngày hôm nay. Vậy mà chỉ cần một câu nói “đãi ngộ của anh quá thấp, người ta không biết dùng tài năng của anh, anh về làm với tôi thì tôi sẽ đãi ngộ anh gấp đôi”đã khiến rất nhiều người đống ý đi theo họ mà không cần suy nghĩ.
Dân gian thường nói: “Thấy mới nới cũ”. Một người phàm phu tầm thường cũng không có tâm cảnh này, một người chăn bò chăn vịt bình thường cũng không làm như thế, vậy mà người có học thức, thậm chí có bằng Tiến sĩ lại có tâm cảnh “thấy mới nới cũ”, cho nên người xưa nói: “Kiến lợi vong nghĩa”. Hiện tại chúng ta là người học Phật, là người học đạo Thánh Hiền, chúng ta hãy quán sát xem chúng ta có “thấy lợi quên nghĩa” như người xưa cảnh báo không! Nếu có thì chúng ta phải mau mau thay đổi.
Trong Giới luật nói: “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thụ”, người không có đạo nghĩa thì chúng ta không nên kết giao, vật không chính đáng thì chúng ta nhất định không nhận, không lấy. Hòa Thượng từng định nghĩa chữ “quân tử”. Người quân tử ở thế gian không phải là người học Phật, không cầu liễu thoát sinh tử, không mong cầu tương lai là công dân của đất Phật. Người quân tử chưa từng tiếp nhận được sự giáo dục của đức Phật là “hành vi nhân sư, hành vi thế phạm” nhưng họ rất tan nhạt, rất xem thường “bã danh lợi”. “Bã” như bã trầu, bã cau, bã đậu, bã mía, “bã” là thứ đã được ép hết nước chỉ còn cái xác khô. Người xưa gọi “danh lợi” là “bã danh lợi”, họ không chỉ tan nhạt mà còn xem thường danh lợi. Người xưa định nghĩa một người quân tử là người “thấy lợi không màng, thấy khó thì dấn thân”. Huống chi chúng ta là học trò của Phật, là học trò của đấng Thiên Nhân Chi Đạo Sư, là học trò của đấng “Thầy của Trời, Người”, vậy thì chúng ta còn phải cao hơn người quân tử gấp nhiều lần mới đúng. Hành động đã cao khiết, cao thượng rồi, không chỉ ở trong hành động mà ở ngay trong khởi tâm động niệm chúng ta cũng phải cao thâm hơn.
Hòa Thượng nói: “Người xưa của chúng ta đều nhận qua giáo dục đạo đức cho nên rất xem trọng đạo nghĩa. Người hiện tại rất xem nhẹ, xem thường quan niệm về đạo đức. Ngày nay giáo dục phương Tây là giáo dục lợi và hại”. Người phương Đông xưa chú trọng đạo nghĩa. Ngày nay giáo dục lợi và hại của phương Tây đã lan rộng, đã lấn chiếm hết giáo dục đạo nghĩa của Cha Ông chúng ta. Hòa Thượng nói: “Bạn chỉ cần bình lặng một chút thì bạn cũng có thể nhận thấy”.
Thầy Thái Lễ Húc kể một câu chuyện ở phương Tây, khi con đi chơi thâu đêm không về, Cha Mẹ gọi điện báo cảnh sát. Câu đầu tiên cảnh sát hỏi là: “Con bà bao nhiêu tuổi rồi?”. Nếu con trên 18 tuổi thì cảnh sát nói: “Chúng đã 18 tuổi rồi, bà không cần quản chúng! Nếu con đã hơn 18 tuổi mà bà muốn quản lý, ép buộc chúng thì bà phạm pháp đấy!”. Có những người Mẹ từng nói với tôi, khi bước vào phòng không thấy con, phát hiện thấy con mình đi chơi qua đêm không về thì họ sợ đến lạnh toát mồ hôi.