Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 16/06/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 917
“PHẬT BỒ TÁT CHỈ GIÚP CHÚNG TA ĐIỂM HÓA MÀ THÔI!”
Phật Bồ Tát chỉ giúp chúng ta điểm hóa mà thôi. “Điểm hóa” có nghĩa là chỉ điểm, giáo huấn chúng ta, nhắc nhở chúng ta. Nếu chúng ta có thể tiếp nhận thì chúng ta có thể tỉnh ngộ và chứng ngộ. Ai cũng mong muốn lìa khổ được vui nhưng đó chỉ là quả báo. Nguyên nhân của đau khổ là “mê hoặc điên đảo”, từ “mê hoặc điên đảo” mà tạo tác ra vô lượng, vô biên tội. Vì “mê hoặc điên đảo” nên chúng ta không hề nhận ra được lỗi lầm của mình. Đôi khi chúng ta sai phạm đến mức nghiêm trọng nhưng chúng ta “bất tri bất giác” như một người nộm, như người gỗ, không biết mình đang làm việc sai phạm.
Phật nói: “Nhân của đau khổ chính là mê hoặc điên đảo, lìa khổ được vui đó là quả báo”. Thí dụ chúng ta muốn sống một cuộc sống hòa bình với tất cả mọi người, hòa bình với hoàn cảnh tự nhiên, hòa bình với thiên địa quỷ thần. Muốn có “bình” thì chúng ta phải “hòa”, hòa bình, hòa thuận với tất cả đại chúng. Không có “hòa” thì không thể có “bình”. Tất cả đều phải có nhân rồi mới có quả. Nhưng người thế gian rất thích “vô công hưởng lộc”, không tạo nhân nhưng muốn có quả. Nếu không tạo “nhân” mà muốn hưởng “quả” thì không thể có được.
Hòa Thượng nhắc nhở chúng ta: “Ngay đến Phật Bồ Tát quyền năng tối thượng của các Ngài cũng chỉ là điểm hóa, giáo huấn, khải thị cho chúng ta”. Nếu chúng ta không tự mình cố gắng thì Phật Bồ Tát cũng không thể giúp chúng ta vượt qua được bến bờ đau khổ. Cùng một đạo lý như vậy, cho dù người Thầy tài ba ở mức độ nào đi chăng nữa nhưng nếu học trò không chịu tiếp nhận, không chịu cải đổi, không chịu cố gắng thì người Thầy cũng không thể nào giúp được.
Khi Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế, Ngài A-Nan là bậc trí tuệ đệ nhất nhưng vẫn chưa thể chứng ngộ, khi Phật nhập Niết Bàn thì Ngài A-Nan vẫn là phàm phu. Ngài A-Nan luôn ở bên Phật, có thể nhớ tất cả những pháp hội nhưng Ngài vẫn là một phàm phu. Phàm phu thì không thể thoát được sinh tử, không thể ra được ba cõi. Cho nên người tu học Phật, người học theo đạo Thánh Hiền cũng đều phải làm từ nơi chính mình, nhưng phải làm đúng nguyên lý nguyên tắc, phải y giáo phụng hành chứ không được tự ý thêm bớt theo ý của riêng mình. Có rất nhiều người chỉ vì tự ý thêm một chút, bớt một chút mà không có thành tựu, còn dẫn đến sai lầm. Chúng ta thêm một chút, bớt một chút là do tâm ngạo mạn, tâm bất kính của chúng ta.
Từ ngày tiếp nhận Phật pháp, tiếp nhận giáo huấn của Thánh Hiền, chúng ta có y giáo phụng hành không? Chính vì chúng ta không y giáo phụng hành, chính sự thêm một chút, bớt một chút đã hại chúng ta nhiều đời nhiều kiếp. Nếu đời này chúng ta vẫn tiếp tục như vậy thì vẫn tiếp tục trôi lăn trong sinh tử, ngay trong cuộc sống hiện tại, chúng ta vẫn phiền não khổ đau. Từ đó chúng ta lại sinh ra nghi ngờ đối với Phật Bồ Tát, rất nhiều người hiện tại có tâm cảnh này. Họ nghĩ rằng nghi ngờ đối với Thầy của mình là chuyện bình thường.
Hàng ngày chúng ta nghe pháp, nếu chúng ta vừa nghe pháp của Hòa Thượng vừa nghe pháp của người khác thì chúng ta học tập có chuyên nhất không? Tôi hỏi một người có nghe pháp không thì họ nói rằng họ có nghe pháp rồi họ kể ra một danh sách tên những người giảng. Họ nghe rất nhiều người giảng cho nên tâm ý vẫn bao chao, hành vi vẫn thô tháo, việc làm vẫn rất mờ nhạt.
Gần 20 năm qua, bản thân tôi chỉ nghe, chỉ dịch, chỉ đọc sách của Hòa Thượng Tịnh Không, ngoài ra tôi không tiếp nhận, nếu có thì tôi cũng tặng cho người khác.Trước đây tôi có rất nhiều Kinh, tôi có cả một bộ “Đại Tạng Kinh” 120 quyển, bộ “Đại Bát Nhã”, bộ “Đại Hoa Nghiêm” nhưng tôi đã tặng hết cho mọi người. Một bộ “Đại Tạng Kinh” cũng có giá hơn 100 triệu trong tủ sách của tôi bây giờ chỉ là sách liên quan đến Hòa Thượng Tịnh Không, liên quan đến ngài Lý Bỉnh Nam, liên quan đến Tịnh Độ.
Rất nhiều người học Phật chúng ta tu tập nhưng không tiến bộ. Trong đối nhân xử thế tiếp vật hàng ngày chúng ta luôn gặp chướng ngại, gặp việc thì không biết cách xử lý vì tâm của chúng ta không có Định. Nếu tâm của chúng ta có Định thì mọi thứ tường tận rõ ràng. Chúng ta luôn coi Phật Bồ Tát như những vị Thần tối cao có thể ban phước giáng họa, để cầu xin mong Ngài thương xót giúp đỡ. Chúng ta không tiếp nhận giáo huấn của các Ngài và không y giáo phụng hành.