Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy, ngày 11/06/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 912
“PHẬT GIÁO LÀ GIÁO DỤC CHÍ THIỆN VIÊN MÃN”
Vì sao gọi Phật giáo là “giáo dục chí thiện viên mãn” ? Vì nếu người tu học theo Phật thì ngay trong cuộc sống hiện sinh này họ có được sự an vui, an lạc, hạnh phúc và khi họ lìa khỏi cuộc đời này thì họ sẽ đi đến một thế giới an lành, tốt đẹp hơn. Trên thế gian có rất nhiều loại giáo dục nhưng chỉ ở ngay trong cuộc đời hiện sinh này họ có được một chút lợi lạc, một chút tốt đẹp nhưng không viên mãn.
Người chân thật học Phật thì họ có một đời sống có “cảm giác an toàn”. Vì ngay trong đời sống hiện tại họ sống đúng như lời Phật dạy: “Làm tất cả những việc lành, xa lìa tất cả những việc ác”, vì họ tích cực gieo trồng những nhân tốt nên nhất định họ sẽ gặt hái được những quả tốt do vậy họ có cảm giác an toàn, đời sống thuần thiện thuần tịnh. Họ nương vào pháp tu và họ biết chắc rằng tương lai khi hết báo thân này họ sẽ đi về đâu. Một người mơ mơ hồ hồ, “sai sống mộng chết”, sống mà như một người sai, chết như một người đi vào giấc mộng thì không thể có “cảm giác an toàn”.
Ngay trong đời sống, ngay trong xã hội mà chúng ta đang cư trụ, giáo huấn của Phật dạy chúng ta làm thế nào để hoà thuận cùng sống, giúp đỡ, kính trọng, thương yêu lẫn nhau, cùng hợp tác, tồn tại và phát triển. Hòa Thượng nói: “Chỉ có giáo huấn của nhà Phật mới giúp chúng ta chân thật đạt đến được một thế giới đại đồng. Phật giáo chính là giáo dục, Thích Ca Mâu Ni Phật là một nhà giáo dục chí thiện viên mãn đối với chúng sanh chín pháp giới”. Chín pháp giới chính là “Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, Trời, Người, A-tu-la, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát”. Chúng ta may mắn đời này gặp được Phật pháp mà chúng ta không biết trân trọng, chúng ta bỏ lỡ qua cơ hội này thì vô cùng đáng tiếc!
Thế gian này rất hiếm người tìm cầu học Phật pháp nhưng họ lại sẵn sàng bỏ thân mạng để tìm cầu danh vọng lợi dưỡng. Đó là nguyên nhân tại sao Phật pháp đã dần bị mai một. Đối với việc học Phật pháp thì họ cho rằng hôm nay không học thì ngày mai học nhưng nếu ngày mai đi làm việc gì mà có thể kiếm được vài tỷ thì họ thức dậy rất sớm và tỉnh táo.
Thầy Thái trích dẫn một câu ở trong cuốn “Quần thư trị yếu” là:“Không ai đem cục vàng để ném con chim se sẻ nhưng thân mạng này, quý giá hơn trăm ngàn cục vàng chúng ta lại tùy tiện ném nó vào ba đường ác!”, vì con chim se sẻ không đáng giá nên không ai mang cục vàng để ném nó. Chúng ta tùy tiện tạo tác ác nghiệp, tùy tiện làm những việc sai phạm đó là chúng ta đã tùy tiện ném mình vào trong tam ác đạo. Nếu bây giờ có ai hỏi: “Đem bao nhiêu vàng để có thể đổi được sinh mạng này?”, chắc chắn là không có con số cụ thể vì sinh mạng này quý giá hơn tất cả vật chất ở thế gian này!
Hòa Thượng nói: “Giáo dục chí thiện viên mãn có nghĩa là giáo dục mà ta tiếp nhận thì ngay trong cuộc đời này chúng ta có đời sống an lành, hạnh phúc, hết báo thân này ta sinh về một thế giới an lành”. Thế giới an lành không phải là ai ban cho ta mà ta hiểu rất rõ ràng là: “Trồng nhân thiện được quả thiện”, ta tích công bồi đức, ta tu tập những cái phước lành thì ta không về được cõi Tây Phương Cực Lạc thì chắc chắn ta cũng sinh được vào cõi Trời, cõi Người. Giáo dục của Phật giúp chúng ta hòa thuận cùng sống với mọi người, tương kính, giúp đỡ lẫn nhau. Không những chúng ta hòa thuận cùng sống với mọi người mà ta còn biết làm thế nào để hòa hợp với đại tự nhiên, với thiên địa quỷ thần. Giáo dục của thế gian đa phần làm sao để người ta đạt đến danh vọng lợi dưỡng, thỏa mãn năm dục sáu trần chứ không giúp chúng ta biết cách khởi tâm động niệm, đối nhân xử tiếp vật cho đúng. Giáo dục của Phật chính là giáo dục chí thiện viên mãn!
Hòa Thượng nói: “Thích Ca Mâu Ni Phật Ngài có một trí tuệ cứu cánh viên mãn. Ngài hiểu rõ chân tướng của đời sống. Có rất nhiều chủng tộc, có rất nhiều tín ngưỡng tôn giáo và các loại văn hóa, phương thức đời sống khác nhau. Ngài dạy chúng ta làm thế nào để có thể hòa hợp, để có thể cùng hòa nhập ở trong xã hội mà không hề có sự chống trái, cũng không bị xã hội đào thải, dung hòa giống như nước và sữa hoà lẫn với nhau. Làm thế nào có thể dung hòa một xã hội như vậy? Chỉ có trí tuệ. Vì vậy có thể biết rằng giáo dục của Phật đà là giáo dục trí tuệ, giáo dục đạo đức cao độ. Vậy thì cái giáo dục này ai cần phải học? Tất cả chúng sanh không phân biệt màu da, chủng tộc, thậm chí không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo, đều cần phải học!”. Hòa Thượng đi họp Liên Hợp Quốc, khi Ngài gặp lãnh tụ của các tôn giáo khác, Ngài đều gọi họ là Bồ Tát. Họ ngạc nhiên hỏi: “Tôi đâu có học Phật tại sao Ngài gọi tôi là Bồ Tát?”. Hòa Thượng nói: “Bồ Tát là chỉ cho một người có trí tuệ mà trí tuệ viên mãn!”. Nghe như vậy họ rất vui vì bất cứ tôn giáo nào cũng muốn đạt đến trí tuệ viên mãn. Người mà có trí tuệ viên mãn thì khởi tâm động niệm, hành vi tạo tác mới hợp lý không trái phạm với luân lý đạo đức, trật tự của tự nhiên và thiên địa quỷ thần.