Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 10/06/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 911
“NGƯỜI TÂM KHAI Ý GIẢI LÀ NGƯỜI HẠNH PHÚC”
Chúng ta suy nghĩ xem làm thế nào để có thể “tâm khai ý giải”. Muốn “tâm khai ý giải” thì ngày ngày chúng ta phải tiếp nhận giáo huấn của Phật. Chỉ cần một ngày chúng ta xa lìa giáo huấn của Phật thì chúng ta tràn đầy phiền não vọng tưởng. Chúng ta như vậy mà dẫn đạo một nhóm người hoặc dẫn đạo cả một hệ thống vậy thì chúng ta dẫn đạo họ đúng hay sai? Điều này chúng ta phải hết sức cẩn trọng!
Người trí tuệ biết giữ mình, luôn an trú ở trong Kinh pháp. Từ khi bắt đầu học pháp cho mãi đến ngày hôm nay, cả cuộc đời Hòa Thượng ở trong Kinh pháp. Hòa Thượng đã giảng “Kinh Vô Lượng Thọ” hơn mười lần. Lần giảng thứ mười, Ngài đã giảng hơn 300 đĩa nhưng cũng chưa giảng xong. Lần giảng thứ 11, Ngài đã giảng hơn 1000 giờ. Lần giảng thứ 13 và lần thứ 14, Ngài đã giảng hơn 1200 giờ. Tâm của Hòa Thượng đã thanh tịnh rồi, vậy mà Ngài suốt cuộc đời an trú mình ở trong giáo huấn của Phật, giữ mình thận trọng đến như vậy.
Chúng ta rất dễ vui. Chúng ta đa phần làm theo ý của mình, làm theo sự nhận biết của mình trong khi cách biết, cách làm, cách thấy của chúng ta đều là sai lầm. Chúng ta chìm đắm trong tình chấp, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chìm đắm trong tập khí phiền não. Có những cái sai mà hiện tại chúng ta không nhận ra ngay, có khi đến 10 - 20 năm sau chúng ta mới nhận ra.
Trước đây chúng ta đã từng hỗ trợ một trung tâm nhân đạo, nếu chúng ta giúp họ với danh nghĩa của Hệ thống thì bây giờ chúng ta không biết phải làm sao. Tôi nói mọi người mặc áo xanh tình nguyện của thanh niên, giúp họ với tư cách là người học tập đạo đức văn hóa truyền thống. Nhiều lần họ muốn chụp ảnh để lấy tên tuổi của Hệ thống nhưng tôi không đồng ý. Khi họ đã bại lộ thì chúng ta thấy họ chỉ là “danh vọng lợi dưỡng”, chỉ bá đạo bá đồ cho lợi ích của họ mà không có một chút tâm cảnh nào vì chúng sanh.
Chúng ta xa rời giáo huấn của Phật Bồ Tát, xa rời giáo huấn của Thánh Hiền chỉ một ngày thì chúng ta đã không còn là ta nữa rồi, nếu xa rời nhiều năm thì vô cùng nguy hại. Nếu chúng ta là lãnh đạo của một nhóm, một ngôi trường hay một hệ thống thì nguy hại cho người ta. Hòa Thượng đã làm ra tấm gương cho chúng ta. Ngài nói: “Cả cuộc đời của tôi chỉ có ba chỗ để đi. Thứ nhất, khi biết được vị nào có trí tuệ, có đức hạnh thì tôi tìm cách thân cận, gần gũi họ để được thỉnh giáo. Nơi thứ hai tôi đến nhà sách. Nơi thứ ba mà tôi đi đến là thư viện”. Thời của Hòa Thượng rất hiếm sách, không có internet, không có sách trên mạng. Cả cuộc đời Hòa Thượng chỉ đi đến ba chỗ này. Ngài không đi mua sắm, không đến các khu vui chơi, không đến các khu danh lam thắng cảnh. Chúng ta đến những nơi có thể giúp chúng ta sanh khởi trí tuệ hay đến nhũng nơi khiến chúng ta tăng thêm dục vọng của mình? Nếu chúng ta đến vũ trường, đến khu ăn chơi thì không thể tăng trưởng trí tuệ, chắc chắn sẽ tăng thêm dục vọng của chính mình, từ đó mà đọa lạc.
Hòa Thượng nói: “Người tâm khai ý giải là người hạnh phúc nhất. Đời sống của họ không mờ mịt, luôn luôn có sự dẫn đạo rõ ràng tường tận, biết cách khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật. Người như vậy không hạnh phúc nhất thì ai là người hạnh phúc nhất? Muốn được tâm khai ý giải thì ngày ngày phải nghe Kinh, ngày ngày phải nghe Pháp”.
Chúng ta đem Phật pháp tưới vào tâm khảm, đức tâm của mình thì vạn pháp lành mới từ đó tăng trưởng. Nếu hàng ngày chúng ta không nghe Kinh, không nghe Pháp thì “danh vọng lợi dưỡng” tăng trưởng, hưởng thụ “năm dục sáu trần” tăng trưởng, “tham sân si mạn” kéo bè kéo cánh. Người ta làm những việc sai trái, phạm phải những sai lầm, thậm chí bỏ cả việc tu hành vì họ không an trú ở trong Phật pháp.
Chúng ta ngày ngày nghe Kinh, nghe Pháp thì mới tiếp nhận được giáo huấn của Phật Bồ Tát, từ đó mới có sức Định, mới làm chủ được chúng mình, mới nhận ra được điều nên làm và không nên làm. Nếu chúng ta không nghe Kinh, không nghe Pháp thì lấy gì để làm chủ chính mình? Hàng ngày, chúng ta bị tập khí phiền não lôi kéo rồi làm chủ. Rất nhiều người ban đầu khởi tâm làm những việc lợi ích chúng sanh, nhưng dần dần họ làm những việc vì chúng sanh thì rất ít, rất mờ nhạt mà chỉ nghĩ đến những việc vì lợi ích cho cá nhân mình.