214Thứ Năm, 09/06/2022, 16:42
910 · Tâm Tịnh Thì Giải Quyết Được Mọi Việc

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 09/06/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 910

“TÂM TỊNH THÌ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC MỌI VIỆC”

Trong cương lĩnh tu hành của pháp môn Tịnh Độ và tất cả pháp môn, nếu tâm không Thanh Tịnh thì tất cả các pháp mà ta tu được cũng chỉ là phước báu chứ không phải là công đức. Cho nên cương lĩnh tu tập của nhà Phật chính là tâm Thanh Tịnh. Nếu tâm không Thanh Tịnh mà tu học các pháp thì chỉ là tu phước chứ không thể có công đức, không thể tu huệ. Trong bài học này, Hòa Thượng nói: “Tâm tịnh thì giải quyết được mọi việc”. Tâm thanh tịnh thì sinh trí tuệ, có trí tuệ thì chúng ta tường tận mọi sự mọi việc như trong lòng bàn tay của mình.

Chúng ta làm việc và giải quyết mọi việc hết sức cập rập, khẩn trương do tâm chúng ta bất an, tâm lo được lo mất, lo thành lo bại, mọi việc trong đời sống thường ngày. Chúng ta làm việc hết sức khẩn trương do bởi tâm mong cầu, tâm vọng tưởng, từ đó mà cảm thấy rất mệt mỏi. Người tâm thanh tịnh làm mọi việc đều cảm thấy nhẹ nhàng. Tâm chúng ta ô nhiễm, sợ thành sợ bại, bất an cho nên làm việc mà cảm thấy hết sức mệt mỏi. Chúng ta phản tỉnh xem: Tâm chúng ta có một chút nào thanh tịnh không? Có phải chúng ta niệm Phật, học Phật nhưng tâm vẫn bất an?

Trước đây, chúng ta chỉ cần ngồi học tập một buổi như thế này thì cảm thấy thời gian trôi qua rất lâu, tâm rất bồn chồn, bất an. Nhưng bây giờ, ai đã học qua 300 đề tài rồi thì tâm đã có sự lắng đọng, cảm thấy giờ học đi qua rất nhanh chóng. Đó là do tâm của chúng ta. Các vị Thầy vừa ngồi Thiền Định một chút thì đã mười mấy ngày trôi qua, gọi là “mộng hoàng lương”. Có vị Thầy bắc nồi cơm lên bếp nấu, định ngồi Thiền tịnh tâm một chút để khi cơm chín thì ăn, đến khi xả Thiền thì thấy nồi cơm đã mốc. Có vị Thầy thấy Phật tử đến thì mời họ ăn khoai: “Ồ hay quá! Có nồi khoai tôi vừa mới nấu!”. Thầy mở nồi khoai ra thì thấy khoai đã mốc đen. Thì ra Thầy đã nhập Định được mười mấy ngày. Đối với người đã có sức Định thì thời gian không gian không có thật, trải qua nhiều kiếp đều như vậy chứ đừng nói là một vài giờ.

Hòa Thượng nói: “Tâm thanh tịnh giải quyết được mọi việc”. Người xưa nói: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”. “Chế tâm nhất xứ” là giữ tâm ở một chỗ. Khi tâm đã định rồi thì “vô sự bất biện”, nghĩa là không việc gì mà không làm được, tất cả mọi sự mọi việc đều có thể được giải quyết một cách hợp tình, hợp lý và nhanh gọn.

Hàng ngày, người ta giải quyết việc rất hấp tấp, khẩn trương. Họ tưởng mình giải quyết được nhiều việc lắm nhưng không có việc nào thành. Tâm được định rồi thì trí tuệ phát sinh. Chúng ta tường tận mọi sự, nhìn rõ được chân tướng mọi sự mọi việc thì chúng ta giải quyết mọi việc rất thỏa đáng. Khi muốn siêu độ cho một ai đó, nếu chúng ta dùng tâm thanh tịnh để niệm Phật tụng Kinh hướng đến vong linh thì nhất định có kết quả. Nếu tâm ta bất an, ta niệm Phật tụng Kinh cầu siêu cho một vong linh nào đó thì họ không nhận được lợi ích.

Hòa Thượng nói: “Cho dù chúng ta làm đúng như pháp nhưng nếu tâm chúng ta không thanh tịnh, tâm chúng ta ô nhiễm thì chúng ta tác pháp, làm lễ kỳ siêu cũng không có tác dụng, người mà chúng ta muốn siêu độ sẽ không nhận được công đức như chúng ta muốn”.

Chúng ta tụng Kinh, niệm Phật, thậm chí đang ngồi học nhưng “tâm bất tại yên” (tâm không ở yên một chỗ), “hồn bất phụ thể”. Chúng ta ngồi đây nhưng hồn ở nơi khác thì chúng ta ngồi đây cũng không có lợi ích gì.

Hòa Thượng nói: “Có người chân thì đang đi kinh hành nhưng họ vẫn ngủ, thậm chí còn ngủ ngáy”. Họ bước đi theo quán tính nhưng đã ngủ rồi, giống như chúng ta đang ngồi đây, xác thì đang ngồi nhưng hồn đã đi nơi khác. Chúng ta đang niệm Phật mà cứ nghĩ đến chuyện Đông, chuyện Tây thì chúng ta niệm Phật cũng không có lợi ích gì. Chúng ta niệm Phật mới được 5 - 10 phút thì đã cảm thấy chân mỏi, lưng đau.

Tâm Thanh Tịnh là tâm đặt ở câu Phật hiệu, không ở nơi ngoại cảnh. Nhưng Tâm chúng ta chỉ chuyên nhất vào câu Phật hiệu được một niệm, tâm hai niệm là vọng tưởng. Chúng ta vọng tưởng, tạp niệm thì công phu của chúng ta hoàn toàn bị phá hỏng.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook