137Thứ Hai, 06/06/2022, 15:51

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai ngày 06/06/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 907

“CẦN PHẢI CÓ GIÁO DỤC NỀN TẢNG”

Hòa Thượng thường nhắc đi nhắc lại: Người tu hành cần có giáo dục nền tảng. Giáo dục nền tảng là “hiếu thân tôn sư”, hiếu kính đối với Cha Mẹ, tôn kính đối với Lão sư. Nhưng rất nhiều người niệm Phật xem thường vấn đề này nên niệm Phật không có lực, sự dụng công tu hành không khởi sắc khiến họ thoái tâm.

Hòa Thượng Hải Hiền tuy không biết chữ nhưng Ngài rất xem trọng tâm hiếu kính. Chính vì vậy Ngài tu hành rất thành tâm thành ý. Trong quá trình học tập, khi Hòa Thượng Tịnh Không đến học với Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Lão Cư sĩ yêu cầu Hòa Thượng rất khắc nghiệt, giống như dùng khuôn đúc để tạo đúng ra hình mà mình muốn. Ngài Lý Bỉnh Nam yêu cầu Hòa Thượng phải nghiêm túc thực hiện một môn thâm nhập: “Ông đến đây thì ông chỉ được nghe một mình tôi giảng, tất cả những gì ông đã học trước đây đều phải xả bỏ hết. Từ nay về sau, ông muốn đọc sách gì phải hỏi ý kiến của tôi, nếu chưa nhận được sự đồng ý của tôi thì không được xem. Nếu ông không đồng ý thì có thể đi nơi khác!”.

Đó là tâm từ bi của người Thầy, Thầy mong muốn học trò có thành tựu chứ không phải là Thầy muốn học trò cung phụng mình. Đó cũng là tầm nhìn của người Thầy. Nếu học trò không có thành tựu thì mất công, nếu học trò không có thành tựu thì người Thầy vẫn phải có trách nhiệm với nhân quả đó. Khi đồ chúng đến với Thầy Lý Bỉnh Nam, rất nhiều người cũng thích chạy Đông chạy Tây, nghe nói người nào nổi tiếng cũng muốn Thầy mời về giảng dạy. Khi họ thắc mắc tại sao có những vị Thầy nổi tiếng đến thăm mà Thầy không mời dạy thì Ngài nói: “Chẳng qua là tôi hộ pháp cho các vị. Tôi muốn tâm của các vị thanh tịnh. Vị Thầy đó tu Thiền, nếu họ đến đây rồi nói “Tu Tịnh Độ mà có thêm Thiền nữa thì Thiền Tịnh song tu, như hổ mọc thêm sừng” thì các vị sẽ bị động tâm. Còn vị Thầy kia tu Mật,nếu họ đến đây rồi nói “Tịnh Mật song tu như diều gặp gió” thì cũng làm các vị mất đi tâm thanh tịnh”.

Những vị Thầy có tâm từ bi, có tầm nhìn thì phải có sự hộ pháp, bảo hộ cho học trò đạt được thành tựu. Đối với người tu hành đã có công phu học Phật thì cần phải có sự bảo hộ tâm chặt chẽ như vậy. Đối với những người chưa bước vào tu tập Phật pháp, hoặc chưa có công phu tu tập thì không thể xem nhẹ nền tảng “hiếu Thân tôn Sư”. Ngày nay rất nhiều người không xem trọng vấn đề này.

Những năm đầu khi chúng ta đề xướng học “Đệ Tử Quy”, có rất nhiều người bài xích, thậm chí cản trở, phá hoại vì họ cho rằng đó là xen tạp. Trong rất nhiều đề tài, Hòa Thượng nhắc đi nhắc lại giáo dục nền tảng này. Ngài nói một lần nhưng chúng ta chưa thấu hiểu, Ngài nói mười lần nhưng chúng ta vẫn chưa phản tỉnh. Vì vậy tuy đã nói rất nhiều lần rồi nhưng Ngài vẫn tiếp tục nhắc nhở.

Trong quá trình tôi dịch đĩa của Hòa Thượng suốt 5 năm đầu, tôi nhận thấy tần xuất Hòa Thượng nói về giáo dục nền tảng rất nhiều. Cho nến một hôm tôi mới bừng tỉnh và bắt đầu chú tâm đến việc này. Khi tôi chú tâm đến thì tôi phát hiện thấy Hòa Thượng rất chú trọng giáo dục nền tảng, chính là “hiếu Thân tôn Sư” mà Ngài thường nhắc đến. Nếu không xây dựng trên nền tảng này thì người niệm Phật dù niệm Phật nhưng cũng không có lực, không có thành tựu, vậy thì chắc chắn không thể vãng sanh.

Có những người niệm Phật nhưng không theo một vị Thầy nào cả, họ không coi ai là Thầy họ, tự coi mình là Thầy. Thậm chí họ tự sáng tác, tự biên tập ra bộ Kinh để đọc tụng. Họ lấy ở mỗi bộ Kinh một chút nội dung rồi tập hợp lại. Nếu chúng ta là học trò của họ, là bạn hữu của họ, là đồng tu của họ thì họ sẽ đưa chúng ta đi về đâu? Họ không biết một chữ Hán nào, không biết bản dịch có dịch đúng hay không mà họ sưu tập ba bốn bản dịch để làm thành một bản. Đó là thái độ ngạo mạn, không có tâm hiếu kính Cha Mẹ, không tôn trọng Thầy. Cách đây vài năm, có rất nhiều người như vậy! Những người đó đã bị ma dẫn lối, bị quỷ đưa đường rồi. Chúng ta phải thật cẩn trọng!

Người thế gian nói: “Không Thầy đố mày làm nên”. Ở thế gian còn như vậy thì trong Phật đạo, trong sự tu hành càng phải xem trọng vấn đề này vì chỉ cần sơ hở một chút thì chúng ta đã lệch đi cả ngàn dặm. Chúng ta tưởng rằng mình đúng nhưng đến khi tự phát hiện mình sai, hoặc người khác phát hiện ra chúng ta sai thì đã không thể cứu.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook