325Chủ Nhật, 05/06/2022, 19:37
906 · Mở Tâm Rộng Lớn Để Tu Bố Thí

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật ngày 05/06/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 906

“MỞ TÂM RỘNG LỚN ĐỂ TU BỐ THÍ”

Chư Phật Bồ Tát bố thí cho chúng sanh, các Ngài không chỉ bố thí tài vật, khi cần thiết các Ngài còn bố thí cả thân mạng. Các ngài bố thí một cách triệt để. Các Ngài được mệnh danh là “Bố Thí Ba La Mật”, “Bố Thí Đáo Bỉ Ngạn”. Chúng ta cũng bố thí nhưng trong lúc làm, chúng ta tính toán thiệt hơn, lời lỗ, thiệt ít. Tâm bố thí như thế nào thì phước bố thí sẽ kết thành như thế đó. Ta hãy mở tâm rộng lớn để bố thí cũng giống như xả nước trên đập nước. Nếu tâm bố thí của chúng ta “nhỏ giọt” thì nước chảy vào cũng ri rỉ.

Hòa Thượng nói: “Phải mở tâm rộng lớn mà tu bố thí”. Tâm rộng lớn tu bố thí thì phước báu, quả của bố thí cũng rộng lớn. Tâm bố thí dè chừng, đắn đo thì phước báu cũng đến một cách dè chừng, đắn đo. Hòa Thượng nói: “Có người hỏi tôi rằng: “Nhiều năm qua, Ngài có bị chướng ngại gì không?”. Tôi trả lời: “Tôi tâm nghĩ sự thành, không có chướng ngại”. Hòa Thượng đã làm ra biểu pháp cho chúng ta. Từ khi gặp Ngài Chương Gia Đại Sư, Chương Gia Đại Sư dạy Ngài bố thí, Ngài đã y giáo phụng hành, phát tâm làm triệt để. Thời gian đầu Hòa Thượng còn không có đủ tiền ăn, Chương Gia Đại Sư dạy Ngài bắt đầu bố thí từ một đồng. Chương Gia Đại Sư hỏi Hòa Thượng: “Bố thí một đồng có được không?”. Hòa Thượng nói: “Một đồng thì có thể”. Ngài tuy bắt đầu bố thí từ một đồng nhưng cuộc đời của Ngài ngày càng trải rộng. Ngài làm không so đo tính toán được mất.

Chúng ta cũng bố thí nhưng luôn cân nhắc, so đo, tính toán. Chính vì vậy tâm của chúng ta bị hạn hẹp. Hòa Thượng dạy chúng ta: “Phải mở tâm rộng lớn mà tu bố thí”. Dù giàu sang hay bần cùng, mỗi chúng ta đều có năng lực bố thí. Chúng ta gặp mọi người, nở một nụ cười đã là tu bố thí. Nhà Phật chú trọng ở tâm bố thí chứ không chú trọng ở vật bố thí. Trong “Kinh Kim Cang” dạy: “Hành giả bố thí không thấy người thí, không thấy người nhận thí, không thấy vật thí. Đây gọi là “Tam Luân Không Tịnh”.

Hòa thượng nói: “Việc tốt cần làm, nên làm, không công không đức”. Chúng ta bố thí không phải vì công đức mà làm. Tâm bố thí phải triệt để như vậy mới là tâm của Phật Bồ Tát. Từ rất lâu, chư Phật Bồ Tát dụng tâm bố thí, chư Tổ Sư Đại Đức dụng tâm bố thí đều làm ra tấm gương. Chúng ta cứ nhìn theo các Ngài mà học tập, làm theo. Tinh thần của Phật pháp là phải dụng tâm Bố Thí Ba La Mật, Bố Thí Đáo Bỉ Ngạn.

Chúng ta giúp ai một việc gì đó thì gần như luôn mong họ phải ghi nhớ sự giúp đỡ của mình. Mọi người đến gặp tôi, mong muốn tôi làm việc này, làm việc kia. Tôi nói: “Các vị nên tự làm, tôi không rảnh”. Trong những việc Phật sự lợi ích chúng sanh có muôn ngàn việc, tôi không muốn làm theo sự chỉ đạo của họ để giữ cho tâm không bị phiền não. Người học Phật chúng ta phải học theo tinh thần bố thí của nhà Phật. Nếu chúng ta dùng tâm tự tư ích kỷ để bố thí, dùng tâm “tự tư tự lợi” để bố thí thì bố thí như vậy cũng tốt nhưng phước nhận được rất nhỏ, rất hạn chế.

Chúng ta hành bố thí, bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy thì phải bố thí với tâm rộng lớn không có bờ mé thì kết quả mới viên mãn. Yếu chỉ của Tịnh Độ là không tu nghiệp thiện, chỉ tu Tịnh Nghiệp. Tạo thiện nghiệp thì vào cõi thiện để hưởng phước. Tạo ác nghiệp thì phải vào cõi ác để thọ tội. Chúng ta phải xa lìa thiện nghiệp, xa lìa ác nghiệp, chỉ tu Tịnh Nghiệp. Tịnh Nghiệp mới có thể vãng sanh. Chưa chắc làm việc thiện đã có thể hưởng phước ở cõi Trời, cõi Người mà có thể vào cõi Súc Sanh để hưởng phước. Người ta bán cặp chim chào mào lông trắng cả trăm triệu, bán một con cá, một con lạc đà giá tiền tỉ. Đó là súc sanh hưởng phước.

Hòa Thượng dạy: “Việc tốt cần làm, nên làm, không công không đức”. Chúng ta làm không phải vì công đức mà chúng ta làm vì chúng sanh cần. Ở thế gian, nhiều người rất khó phát tài, kiếm tiền rất khó khăn trong khi người khác kiếm tiền rất dễ dàng. Người ta kiếm tiền một cách nhẹ nhàng đó là do người ta cho đi một cách nhẹ nhàng, bố thí với tâm rộng lớn. Chúng ta cũng bố thí, cũng cho đi nhưng cảm thấy tiếc nuối như bị cắt da cắt thịt. Nhân như thế nào thì quả như thế đó.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý của sự bố thí! Bố thí cần chú trọng ở chỗ dụng tâm bố thí”. Người thế gian cho rằng người này có quả báo tốt vì có Phật Bồ Tát, Thánh thần bảo trợ, người kia không có quả báo tốt vì không được Phật Bồ Tát, Thánh thần bảo trợ. Chúng ta phải nên biết: Việc này không liên quan đến Phật Bồ Tát, không liên quan đến các vị Thánh Thần mà chính là ở chỗ chúng ta có mở tâm bố thí hay không. Đời này và nhiều đời trước, chúng ta không mở tâm bố thí, hoặc có bố thí nhưng tâm nhỏ hẹp. Chúng ta phải hiểu rằng tất cả đều do chúng ta tu nhân. Nhà Phật dạy: “Như thị nhân, như thị quả”. Chúng ta cứ chân thành mà làm việc tốt thì quả tốt tự khắc sẽ đến. Trong “Cảm Ứng Thiên” dạy: Cảm như thế nào thì ứng như thế đó. “Cảm” mạnh mẽ thì “ứng” mạnh mẽ. “Cảm” nhẹ nhẹ thì “ứng” nhẹ nhẹ.

Nhân quả của chúng ta không liên quan đến các vị Thần. Có chăng thì họ chỉ giúp ta xài phước báu trong vận mạng của chính chúng ta. Khi phước báu trong vận mạng của chúng ta hết thì “lộc tận nhân vong”, phước đã hết thì mạng không còn. Hòa Thượng nói: “Phật Bồ Tát, Long Thiên Thiện Thần giúp chúng ta vô điều kiện. Tà thần giúp chúng ta có điều kiện, hhi họ cần thì họ lấy cả vốn lẫn lời”. Chúng ta phải hết sức thận trọng!

Vô công hưởng lộc” quá nghiêm trọng. Chúng ta đừng thấy người ta làm thì bắt chước làm theo để kiếm được nhiều tiền, để chiêu dụ được nhiều người. Đây là một sự sai lầm nghiêm trọng! Người học Phật tuyệt đối không nên làm như vậy. Nhưng người ngày nay rất nhiều người làm như vậy. Người ta làm việc gì cũng đi xem bói, chọn ngày tốt để tiền vào nhiều, người ta xem hướng phong thủy tốt “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ” để được khỏe mạnh sống lâu. Nhà Phật dạy: Khi tâm ta tốt thì ngày nào cũng là ngày tốt, giờ nào cũng là giờ tốt.

Một lần, ông thợ dùng thước Lỗ Ban để đo cửa của căn nhà trước đây tôi ở thì thấy số đo rơi vào cung “sát chủ” . Nhưng tôi đã sống ở căn nhà rất lâu, đã ở đó dịch khoảng 500 đĩa của Hòa Thượng mà không bị sao. Nhà tôi đang ở hiện nay nổi tiếng là “nhà ma” nhưng gia đình tôi sống ở đây bình yên, không có sự bất an nào. Rõ ràng là con người tạo hoàn cảnh, không phải là hoàn cảnh tạo con người.

Hòa Thượng nói: “Chính chúng ta là người tạo hoàn cảnh chứ không phải là hoàn cảnh tạo chúng ta”. Người xưa dạy: “Người phước ở đất phước, đất phước dành cho người phước ở”. Cho dù hoàn cảnh xấu ác đến mức nào nhưng khi người có phước đến ở thì hoàn cảnh đổi thành tốt. Chúng ta phải tích cực tu phước với tâm rộng lớn. Tâm càng rộng lớn thì phước báu càng lớn.

Chúng ta thấy người ta làm việc thiện, thấy người ta tu phước thì chúng ta cũng tu phước nhưng chúng ta tiếc nối, hối hận. Thật ra tất cả chúng sanh chúng ta đều có tâm tiếc nối, hối hận khi bố thí nhưng chỉ khác nhau ở mức độ. Có người ban đầu phát tâm tặng một khu đất rộng lớn, sau đó ra điều kiện phải như thế này, phải như thế kia. Đó là họ có tâm tiếc nuối. Nhiều người làm việc thiện, bỏ ra rất nhiều tiền nhưng không hề để tâm đến việc làm đã thực hiện đến đâu.

Hòa Thượng dạy nói: “Phát ý viên thành”. Phát ý, khởi tâm bố thí thì phước báu công đức đã viên mãn. Chúng ta cũng cần phải nghĩ xem nên bố thí như thế nào cho đúng lý đúng pháp, để công việc hiệu quả. Từ bi nhưng phải có trí tuệ, chứ không phải là so đo, tính toán. Hòa Thượng Tịnh Không từng nhắc đến một vị Hòa Thượng lớn tuổi nhiều lần để cho người khác gạt Ngài. Hòa Thượng lớn tuổi biết là họ đến để gạt Ngài nhưng Ngài tình nguyện để cho họ gạt.

Khi chúng ta khởi tâm làm một việc gì đó, nếu bị người ta gây chướng ngại, đố kỵ, không cho chúng ta làm thì chúng ta nên tùy thuận, coi như việc đã viên mãn. Có lần Hòa Thượng tổ chức khóa đào tạo tăng tài, mọi việc trù bị đã xong xuôi nhưng nước sở tại không cho người đến học. Hòa Thượng nói: “Thay vì phải làm 4 – 5 năm mới thành công thì bây giờ coi như việc đã viên mãn rồi”.

Chúng ta bố thí với tâm như thế nào? Chúng ta có làm với tâm nuối tiếc, miễn cưỡng hay không? Thật ra, tâm cảnh này rất phổ biến. Chúng ta thấy người khác làm, nếu mình không làm thì cảm thấy khó coi, nhưng khi mình làm thì cảm thấy khó chịu. Hòa Thượng nói: “Tuy họ bố thí với tâm khó chịu nhưng họ vẫn có quả báo. Quả báo đó đến một cách khó khăn vì họ dụng tâm không thông. Khi tu bố thí, tâm lượng không giống nhau thì quả báo hoàn toàn khác nhau”.

Hòa Thượng nói: “Nếu trong sinh mạng của chính mình không có nhiều phước báu, chúng ta hiểu được đạo lý này thì ngay đời này phải nỗ lực chăm chỉ mà tu”. Tu có hai cách tu là tu phước và tu huệ. Chúng ta nên tu song song cả hai phước này, nhà Phật gọi là “phước huệ song tu”, không nghiêng nặng một bên nào. Người chỉ chú trọng tu phước, không tu huệ thì rất khó mà hàng phục được tâm mình. Người chỉ chú trọng tu huệ, không tu phước thì đời sống rất khó khăn, khó khăn đến mức không đủ để trang trải cuộc sống. Khi oan gia trái chủ đến thì khó mà vượt qua. Ví dụ lúc về già, nếu nhiều bệnh tật thì rất khó tu. Chúng ta không được nhắc thì không biết. Nếu chúng ta có duyên tu hành tốt thì chúng ta nên phát tâm hồi hướng cho chúng sanh. Đó cũng là tu phước. Nhiều người không biết điều này. Chúng ta phải đặc biệt chú ý “phước huệ song tu”.

Hòa Thượng nói: “Tôi không có phước. Lúc nhỏ, đời sống của tôi bần hàn, khó khăn, nhiều bệnh. Phước báu trong đời này của tôi là nhờ tôi tu được ngay trong đời này. Tất cả những gì tôi có được đều là nhờ Chương Gia Đại Sư dạy bảo. Tôi hoàn toàn tin lời của Chương Gia Đại Sư, tôi làm theo Ngài”. Hòa Thượng bắt đầu bố thí từ một đồng, toàn tâm toàn lực mà làm. Ngài nhịn ăn, ăn ít đi một chút để có thêm một đồng bố thí. Ngài đã dụng tâm như vậy mà tu bố thí.

Nhà Phật nói: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Phật không dạy đạo lý xin xỏ. Phật dạy: Muốn có tiền tài thì phải bố thí tài. Muốn thông minh trí tuệ thì phải bố thí pháp. Muốn khỏe mạnh sống lâu thì phải bố thí vô úy. “Cầu” ở đây không phải là cầu khẩn, van xin, không phải là đi xin xỏ. “Cầu” là y giáo phụng hành, nghe lời Phật dạy mà làm theo. Người ta hiểu nhầm “cầu” là cầu xin, năn nỉ, nịnh bợ. Đa phần người học Phật đến với Phật để năn nỉ, xin xỏ. Phật khi xưa ba y một bát, nửa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm. Phật cả đời đi khắp nơi để giáo hóa chúng sanh. Ngài không bố thí tài nhưng tích cực bố thí pháp.

Tôi không có phước. Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông con. Sự nghiệp học vấn không xuôn xẻ. Tôi có được ngày hôm nay là nhờ tôi làm theo lời Hòa Thượng dạy. Những gì tôi có được ở đời này là nhờ tôi làm theo Ngài.

Có người nói với Hòa Thượng: “Tôi thường hướng đến Bồ Tát Địa Tạng xin cái tủ lạnh nhưng không được”. Hòa Thượng hỏi: “Thầy ở một mình hay ở với ai?”. Người đó nói: “Tôi ở một mình”. Hòa Thượng trả lời: “Thầy ở một mình cho nên không cần đến tủ lạnh. Nếu Thầy ở với nhiều người thì mới cần đến tủ lạnh để phục vụ mọi người. Bồ Tát Địa Tạng không thỏa mãn dục vọng cho riêng ai”. Những gì chúng ta mong cầu thì phải mong cầu cho chúng sanh, không mong cầu tư lợi cho riêng mình, như vậy mới hợp với đạo lý “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”.

Chúng ta học bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy, tiến tới bố thí xả bỏ luôn mọi tập khí xấu của mình. Tổ Sư Đại Đức khi xưa còn thị hiện vì phục vụ chúng sinh mà bố thí phẩm vị của mình, vì chúng sinh mà hạ thấp phẩm vị của mình.

*****************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook