300Thứ Tư, 01/06/2022, 15:18
902 · Cái Chết Ngày Một Gần Kề

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 01/06/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 902

CÁI CHẾT NGÀY MỘT GẦN KỀ

Đề tài này nhắc nhở chúng ta: Cảnh vô thường của kiếp người diễn ra rất nhanh chóng. Nếu chúng ta sống 100 tuổi thì chỉ có 36.000 ngày. Hàng ngày chúng ta gỡ đi một tờ lịch nghĩa là thọ mạng của chúng ta đã ngắn đi một ngày. Thời gian vô cùng quý báu vì đó là thời gian của sinh mạng.

Khi chúng ta khi gỡ đi một tờ lịch, chúng ta có cảnh giác rằng thọ mạng của mình ở thế gian đã ngắn đi một ngày? Chúng ta thường mong cho thời gian qua đi thật nhanh để đến ngày hẹn bạn đi chơi, đến ngày tụ họp bạn bè, để nhanh chóng hoàn thành công việc trong một tháng hoặc trong một năm. Nhưng chúng ta không biết rằng một ngày trôi qua thì chúng ta đã giảm đi 1 ngày tuổi thọ trong cuộc sống này, một năm trôi qua có nghĩa là chúng ta đã giảm đi 365 ngày tuổi thọ ở nhân gian. Chúng ta có biết quý tiếc thời gian của sinh mạng không? Từ lâu nay, chúng ta thờ ơ, hời hợt, bỏ phí thời gian của sinh mạng.

Hòa Thượng nhắc chúng ta: “Cái chết ngày một đến gần!”. Một ngày đi qua là chúng ta đã tổn giảm đi một ngày của sinh mạng của mình. Chúng ta hãy phản tỉnh xem một ngày đi qua chúng ta đã làm được những việc gì! Chúng ta tích công bồi đức, tu tập để tăng tấn đạo nghiệp hay đang tạo thêm nhiều nghiệp tội khiến đạo nghiệp của mình một ngày tụt giảm? Nếu chúng ta không được nhắc nhở thường xuyên thì chúng ta cũng sẽ quên đi như bao nhiêu người khác đã từng quên. Chúng ta quên đi cho đến một ngày nhận ra: “Ồ! Thì ra mình đã già rồi sao?”. Khi đó, chúng ta còn rất nhiều việc cần làm, nên làm nhưng vẫn chưa làm xong. Có những việc cần làm thì chúng ta chưa khởi tâm để làm, chưa bắt đầu làm. Khi tuổi già đã đến, đầu óc không còn minh mẫn, thậm chí cái chết cũng đã gần kề mà chúng ta vẫn chưa làm được những việc cần làm. Cho nên Hòa Thượng nhắc chúng ta phải cảnh giác.

Lúc nhỏ, mỗi năm Tết đến, tôi cũng rất vui mừng vì được mặc áo đẹp, được Cha Mẹ lì xì mừng tuổi, được ăn những món ăn dân gian ở quê như bánh ít, ăn chuối, bánh cốm. Nhưng dần dần khi đã trưởng thành thì tôi không còn cảm thấy ngày Tết vui nữa vì tôi biết rằng thời gian của sinh mạng ngày một ít đi. Tôi phải tranh thủ mau mau làm gì đó để giúp ích mọi người. Ở tuổi này, tôi đã thấy thời gian còn lại của mình quá ít trong khi những việc cần làm nên làm thì quá nhiều. Người học đạo phải luôn phản tỉnh bản thân rằng thời gian còn rất ít mà mình chưa làm được gì cho chúng sanh.

Hòa Thượng nói một câu khiến tôi rất chấn động: “Thọ mạng thì ít đi, nghiệp chướng lại tăng thêm, có gì vui đâu! Chúng ta phải cảnh giác! Nghiêm khắc mà nói, thật sự là đáng buồn hơn là đáng vui”. Chúng ta quán chiếu lại thì thấy thời gian sống ít đi, tội nghiệp ngày càng dày hơn. Cho nên chúng ta ngày ngày phải phản tỉnh, giờ giờ phải phản tỉnh, mỗi phút mỗi giây đều phải phản tỉnh! Nếu không phản tỉnh thì chúng ta mãi chìm ở trong tập khí của chính mình, “tài sắc danh thực thùy, tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, tham sân si mạn” cứ thế mà trói chặt chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Người thế gian điên đảo cho nên khi gặp những việc đáng buồn thì lại chúc mừng nhau!”. Thí dụ ngày Tết, chúng ta gặp nhau thì chúc mừng: “Chúc mừng năm mới, vui vẻ, phát tài!”. Chúng ta không biết rằng đến ngày Tết chính là thời gian của sinh mạng đã ít đi một năm. Một năm có 365 ngày, nếu chúng ta sống 100 năm thì chỉ có 36.000 ngày.

Hòa Thượng nói: “Việc chân thật đáng chúc mừng thì chúng ta lại quên sạch. Nếu chúng ta ngày một tan nhạt đi những việc thế gian, đạo tâm ngày một thêm lớn thì đó mới là việc đáng vui”. Có nghĩa là những việc đáng làm, những việc làm có thể giúp tăng tấn đạo nghiệp thì chúng ta lại lơ là, thậm chí quên lãng.

Sáng nay tôi đọc tin nhắn thì thấy có người gửi cho tôi một bức thư cảm ơn rất dài. Họ nói: “Con sống ở nước ngoài, năm nay con cũng đã hơn 40 tuổi. Mấy chục năm rồi con mới trở về quê hương. Lần đầu tiên được trở về với Cha Mẹ, cảm giác vui mừng rất khó tả, con gãi lưng cho Mẹ hàng giờ mà không biết mỏi. Nhờ văn hóa truyền thống mà con mới có được niềm vui đó!”. Từ lâu chúng ta chìm đắm trong danh lợi, chìm đắm trong “năm dục sáu trần”. Bây giờ, đối với “danh vọng lợi dưỡng”, “năm dục sáu trần”, chúng ta tan nhạt đi, đạm bạc đi thì chúng ta mới cảm nhận được những điều rất tốt đẹp.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook