Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba ngày 31/05/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 901
“VIỆC LỚN NHẤT NGAY TRONG ĐỜI NÀY”
Chỉ có Phật giáo mới nhìn thấy được việc gì là quan trọng nhất trong đời này. Người thế gian cho là có nhà đẹp, có vợ đẹp con xinh là việc quan trọng nhất đời. Chỉ người học Phật mới thấy được rằng việc làm thế nào để liễu thoát sinh tử, vượt thoát luân hồi mới là việc lớn nhất ngay trong đời này. Trên lý thì chúng ta hiểu như vậy, nhưng trên sự thì chúng ta hiểu mập mờ, vẫn chấp trước những việc ở thế gian.
Trước đây tôi cũng đã nói một vài thí dụ: Có thể chúng ta không động tâm trước 5 triệu đồng, không động tâm trước 50 triệu, nhưng đối với 500 triệu, 5 tỉ, 50 tỉ, 50 ngàn tỉ thì chúng ta liền cảm thấy khác, liền xem trọng nó. Cho nên nhà Phật nói rằng tiền tài danh vọng có sự cám dỗ rất lớn, khiến người ta quên hẳn đi việc chính, quên hẳn đi việc đáng nên làm trong cuộc đời. Việc cần làm thì chúng ta nhất thời quên hẳn vì thấy nhiều tiền quá. Cho nên để có được hằng tâm không hề dễ dàng.
Chúng ta phải nhìn cho thấu, phải biết chắc rằng tiền tài, danh vọng là không thật, không thể giúp chúng ta giải thoát mà còn trói buộc chúng ta, trói rất chặt. Hòa Thượng nói: “Tài sắc danh thực thùy là giả. Người tu hành một thời gian vẫn bị những thứ này cám dỗ bởi vì họ hiểu chưa thông. Nếu họ hiểu thông thì không như vậy”.
Trên lý thì chúng ta hiểu rằng “tài sắc danh thực thùy là giả, là không thật” nhưng trên sự thì chúng ta vẫn hướng đến cái giả để làm, đối với cái thật thì chúng ta cũng làm nhưng làm hết sức mờ nhạt. Cho nên người học Phật rất đông nhưng người có thành tựu, có kết quả thì rất ít.
Bài này Hòa Thượng muốn nhắc chúng ta phải mỗi niệm ghi nhớ rằng: Sinh tử là việc lớn nhất trong cuộc đời, chúng ta cần phải thoát ra ngoài vòng sinh tử. Tất cả những việc khác chỉ là thứ yếu, không phải là việc đáng để chúng ta làm. Chúng ta học Phật rất nhiều năm, niệm Phật cầu sinh Thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng nhiều năm rồi nhưng chúng ta đã đạm bạc với thế tình chưa? Hay chúng ta vẫn còn rất rất sâu đậm với thế tình, việc gì cũng muốn biết, việc gì cũng muốn can thiệp, việc gì cũng phải quá bận tâm, dính mắc, chấp trước? Chúng ta tưởng rằng chúng ta hiểu nhưng thật ra chúng ta không hiểu. Hòa Thượng nói: “Khi bạn thật hiểu rồi bạn mới thật làm, bạn chưa thật làm có nghĩa là chưa thật hiểu”.
Thế gian này bao nhiêu người có tiền buôn vạn bạc nhưng khổ đau vẫn trùng trùng, đời sống luôn ở trạng thái bất an, đến cuối đời lúc ra đi thì không nhẹ nhàng. Họ dính chặt vào “tài sắc danh thực thùy” cho nên không thể ra đi nhẹ nhàng được! Người thế gian thường tình và người học Phật nhiều năm cũng đều như vậy. Nhiều người niệm Phật cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc nhưng vẫn nhìn không thấu, vẫn không buông được, vẫn không thật sự hiểu được rằng vượt thoát sinh tử là việc lớn nhất trong cuộc đời. Chúng ta gặp “tài” dính “tài”, gặp “sắc” dính “sắc”, gặp “danh” dính “danh”, gặp “ăn” dính “ăn”, gặp “ngủ” dính “ngủ”. Hòa Thượng nói: “Bạn không đạm bạc với thế tình, bạn vẫn còn rất nặng tình với thế tình, vẫn còn chấp trước rất nặng!”. Đó là giả tu chứ không phải là thật tu! Chúng ta hãy quán sát xem mình đang thật tu hay cũng đang là giả tu! Nếu chúng ta là “giả tu” thì thật sự rất là đáng tiếc, nhà Phật nói là “kẻ đáng thương!”.
Chúng ta biết rõ “tài sắc danh thực thùy” là không thật, là nguồn gốc của cái khổ nhưng vẫn ôm chặt, dính chặt vào nó mà không hề tan nhạt. Nhà Phật không bảo chúng ta buông xả một cách cực đoan nhưng từ xưa đến nay có nhiều người buông xả một cách cực đoan. Nhà Phật dạy chúng ta chỉ buông xả trên tâm, còn đối với vai trò, bổn phận, nghĩa vụ trách nhiệm của mình thì chúng ta đều phải làm tận nghĩa, nhưng trong lòng ta không lưu lại, không dính mắc. Chúng ta phải biết việc gì là thứ yếu, việc gì là chánh yếu! Việc chánh yếu chính là một đời này phải vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Hòa Thượng nói: “Đời này bạn không vãng sanh được Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì không còn gì để nói”. Vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc là chánh yếu, còn chúng ta làm tất cả mọi việc là vì “từ bi xuất phương tiện”, vì lợi ích chúng sanh mà làm nhưng trong tâm không hề dính mắc, không rơi vào tốt xấu, thành bại, hơn thua. Hòa Thượng nói một câu khiến tôi rất cảm động: “Đó mới là tâm ở đạo!”. Chúng ta làm việc gì cũng thích làm “hoành tráng”. Thí dụ chúng ta làm giáo dục thì mong muốn phải có một hệ thống thật to, phải có một ngôi trường thật lớn. Đó là tâm luân hồi.