204Thứ Hai, 30/05/2022, 17:13
900 · Thuận Cảnh Nghịch Cảnh Đều Là Thầy Của Ta

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai ngày 30/05/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 900

THUẬN CẢNH NGHỊCH CẢNH ĐỀU LÀ THẦY CỦA TA

Có nhiều người cho rằng họ không tìm được một người Thầy tốt. Họ không biết rằng mọi hoàn cảnh đối nhân xử thế tiếp vật đều là môi trường tốt để chúng ta học tập, môi trường sống hiện thực của chúng ta đều đáng để chúng ta luyện tập và trưởng thành. Chúng ta không thấy được sự đáng học tập ở nơi hoàn cảnh sống của chúng ta bởi vì chúng ta quá mong cầu, cứ tìm cầu ở đâu đâu. Trong bộ đĩa “Sống” của Thầy Trần có nói rằng việc đi nhặt rác cũng đã giúp người chữa được bệnh đãng trí, phục hồi lại trí nhớ và phục hồi rất nhiều năng lực của con người. Cho nên Hòa Thượng nói: “Thuận cảnh, nghịch cảnh, thuận duyên, ác duyên đều là Thầy của chúng ta”.

Chúng ta không học được bởi vì chúng ta không chịu tiếp nhận. Nếu chịu tiếp nhận thì chúng ta sẽ thấy việc gì chúng ta nên học và việc gì chúng ta không nên học. Hòa Thượng nói: “Đối với người biết tu học, người khéo tu thì tất cả cảnh giới thiện ác, thuận nghịch đều giúp cho chúng ta tấn đạo hơn. Trong thuận cảnh, thiện duyên chúng ta ở nơi đó không khởi tâm tham luyến. Trong nghịch cảnh, ác duyên chúng ta không khởi tâm sân hận”. Hoàn cảnh nào cũng là hoàn cảnh để chúng ta tu hành. Nhưng chúng ta gặp thiện duyên, thuận cảnh thì vui mừng, hoan hỉ, chúng ta gặp nghịch cảnh, ác duyên thì khởi phiền não.

Hòa Thượng nói: “Cảnh giới thuận thì bạn không sanh tâm tham ái, cảnh giới nghịch thì bạn không khởi sân hận. Đó mới là công phu chân thật. Nếu không có cảnh giới đó thì bạn cứ nghĩ mình đã tu khá lắm rồi. Bạn không thấy sự phiền não khởi lên, bạn không thấy sự đắm chấp khởi lên nhưng đó chỉ là công phu giả thôi!”.

Chúng ta tưởng mình có công phu thật nhưng đó chỉ là công phu giả vì chúng ta chưa tiếp xúc với hoàn cảnh nên không biết công phu thật của mình đến đâu. Hoàn cảnh chính là nơi để chúng ta rèn luyện, trong hoàn cảnh chúng ta biết được công phu thật của mình. Nếu chúng ta tìm chốn thanh tịnh, cắt đứt mọi cảnh duyên, chúng ta tưởng rằng mình có công phu nhưng khi gặp cảnh duyên thì phiền não vẫn khởi lên y như cũ. Vậy thì công phu của chúng ta là giả chứ không phải là thật. Nhiều người khi bệnh khổ xuất hiện hoặc khi sinh tử đến thì tán loạn tâm thần, luôn luôn ở trạng thái bất an, cuối cùng kết quả của sự tu hành là đọa lạc. Cho nên tu hành chính là ở trong thuận cảnh, nghịch cảnh, ác duyên, thiện duyên.

Hòa Thượng nói: “Có người tu hành tách biệt với thế gian. Họ tìm nơi núi sâu, rừng thẳm để tu hành một thời gian dài. Họ tưởng chừng như mình đã thanh tịnh rồi, không còn dính mắc với cảnh duyên nữa nhưng khi vừa tiếp xúc với cảnh duyên thì lại bị đắm chấp bởi ngũ dục lục trần”.

Người xưa nói: “Tại sơn tuyền thủy thanh, xuất sơn tuyền thủy trọc”, ở trong núi sâu thì nước trong nhưng khi ra ngoài núi thì nước bị ô nhiễm. Chúng ta ở trong bốn bức tường thì tưởng rằng tâm mình thanh tịnh. Khi chúng ta rời khỏi bốn bức tường, tiếp xúc với cảnh duyên thì tâm chúng ta liền bị ô nhiễm. Đó không phải là công phu chân thật.

Hòa Thượng nói: “Phật pháp Đại Thừa không dạy bạn trốn tránh cảnh duyên, ẩn mình ở núi sâu. Trong Phật pháp Đại Thừa nói rằng bạn phải ở trong cảnh duyên để tôi luyện chính mình”. Chính ở trong cảnh duyên chúng ta mới có cơ hội nuôi lớn Tâm Bồ Đề vì trong cảnh duyên chúng ta vừa có cơ hội rèn luyện chính mình, vừa có cơ hội cứu giúp chúng sanh.

Hôm qua có học trò nhắn tin cho tôi: “Con cảm ơn Thầy, cảm ơn văn hóa truyền thống! Nhờ Thầy dạy về văn hóa truyền thống mà con đã làm khiến cho cả gia đình rất cảm xúc”. Những người sống ở nước ngoài thường không có ai truy nguồn về Tổ tiên nhưng người con dâu này đã truy nguồn về gia phả để làm thành một bộ phim. Khi gia đình xem bộ phim về gia phả thì họ vô cùng cảm động.

Nếu chúng ta trốn tránh, rũ bỏ, tìm sự an lành cho chính mình thì không có cơ hội làm cho chúng sanh cảm động. Nếu chúng ta có thể khiến người ta cảm động vì văn hóa truyền thống thì họ sẽ tìm đến văn hóa truyền thống để học, nếu họ biết chúng ta học Phật thì họ sẽ tìm đến để học Phật.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook