123Chủ Nhật, 29/05/2022, 17:12
899 · Văn Hóa Truyền Thống Bị Thất Truyền Thì Sẽ Ra Sao

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ Nhật, ngày 29/05/2022

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 899

“VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG BỊ THẤT TRUYỀN THÌ SẼ RA SAO?”

Mỗi một dân tộc, mỗi một quốc gia đều có văn hóa truyền thống. Từ ngàn xưa ông cha ta đã dạy “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, câu nói này có hàm ý rất sâu xa. Chúng ta uống nước phải nhớ tới nguồn, chúng ta được có mặt trên cuộc đời này là nhờ ai sinh ra? Những kiến thức chúng ta có được do ai đã trao truyền cho mình? Có rất nhiều điều nếu không được dạy thì chúng ta sẽ không biết!

Những đứa trẻ khi lạc vào bày sói được nuôi dưỡng bởi bầy sói thì cử chỉ, hành vi, cách đi đứng, ăn uống sẽ giống y như một con sói. Người bị nhốt trong chuồng gà từ nhỏ thì cách hành động, đi đứng sẽ giống y như một con gà. Chúng ta ở trong cộng đồng con người thì trong vô hình trung chúng ta vẫn đang được tiếp nhận sự giáo dục. Nếu chúng ta không được giáo dục bởi cộng đồng chúng ta cũng sẽ những hành xử rất khác thường, không thể hòa nhập với cộng đồng. Vậy thì xung quanh chúng ta đều là những người Thầy của ta, đều là người ta phải mang nặng ân nghĩa! Cho nên Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải mỗi niệm tri ân, niệm niệm tri ân”.

Nhưng ngày nay nhiều người tự cho mình là người biết, tự cho mình giỏi hơn người, họ cho rằng họ tài năng rồi không cần phải học hỏi nữa như vậy họ đã quá sai rồi! Truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, là truyền thống của dân tộc ta, đó là làm con phải hiếu thảo với Cha Mẹ, làm học trò phải kính trọng Thầy Cô, làm công dân phải trung thành với Tổ quốc.

Nếu văn hóa truyền thống bị thất truyền thì sẽ loạn lạc, loạn lạc từ ở trong gia đình. Con không hiếu thảo, không biết phụng dưỡng Cha Mẹ, học trò không biết kính trọng Thầy Cô, tiểu bối không biết kính trọng trưởng bối, viễn cảnh đó ngày nay đang ngày càng lan rộng. Đó là việc rất đáng lo! Nhiều năm qua các bậc lãnh đạo đất nước cũng đã nhận ra cần phải xem trọng giáo dục chuẩn mực, giáo dục đạo đức. Bài học hôm nay tựa đề đã làm cho chúng ta phải cảnh giác, phản tỉnh, phải xem trọng lại giáo dục gia đình, giáo dục nền tảng!

Mỗi chúng ta không làm được những việc vĩ mô nhưng ta có thể làm được trong khuôn khổ gia đình. Mọi người phải nhớ rằng không bao giờ là trễ cả! Có nhiều người cho rằng bây giờ trễ rồi, con cái đã trưởng thành, con cái đã lập gia đình không còn cơ hội để giáo dục nữa! Nếu nghĩ như vậy là sai rồi! Không bao giờ là trễ cả, chỉ là chúng ta không chịu làm mà thôi!

Trong những ngày giỗ, ngày hội họp gia đình nếu có cơ hội gặp lại người thân trong gia đình thì chúng ta nhắc lại truyền thống của gia tộc thì đó chính là giáo dục gia đình. Những điều này không bao giờ là trễ, không bao giờ là muộn màng chỉ là chúng ta không nhắc họ thôi! Chỉ cần chúng ta nhắc đến truyền thống của gia đình, ân đức của Cha Mẹ, ân đức của ông bà, ân đức của Tổ tiên thì dù những người lớn tuổi, có địa vị xã hội cao họ vẫn rất ngậm ngùi, cảm xúc. Cho nên đừng bao giờ cảm thấy là muộn! Bất cứ lúc nào nếu có cơ hội thì chúng ta nên khơi dạy giáo dục truyền thống, giáo dục lòng biết ơn.

Tôi cũng có cảm nhận này, tuy tôi không tâm sự, không nói trực tiếp với các em của tôi vì sống ở những địa phương khác nhau. Nhưng các em tôi cũng vào xem Video ghi hình những buổi Lễ tri ân Cha Mẹ, những buổi học Văn hóa truyền thống, những buổi học Lịch sử dân tộc. Thông qua đó vô hình trung các em tôi cũng bị ảnh hưởng và tự làm theo. Nhiều người cho rằng: “Muộn rồi không kịp nữa, con cái lớn rồi không dạy được nữa!”. Đừng bao giờ có ý niệm đó!

Những cụ 70, 80 tuổi khi họ nghe được về những điều này họ cũng vô cùng phản tỉnh và muốn được làm. Một lần khi giảng ở tỉnh Hưng Yên, tôi tổ chức buổi Lễ tri ân cho một nhóm Phật tử, tôi tự đề xướng vì họ chưa biết đến. Tôi hỏi: “Bây giờ trong nhóm Phật tử này có ai đi cùng với Mẹ, có ai đi cùng với Cha không?”. Có một vài người giơ tay. Tôi hỏi tiếp: “Những người con có muốn nói lời cảm ơn Cha Mẹ không? Nhân dịp này, trước mặt Thầy hãy nói lời cảm ơn Cha Mẹ đi!”. Những người con chưa từng một lần làm, chưa từng thấy người khác làm nhưng vẫn đứng lên xin được làm ngay. Tôi thấy thiện căn của họ quá lớn! Ban đầu chỉ có hai ba người làm sau đó có nhiều người bắt chước làm theo.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook