136Thứ Sáu, 27/05/2022, 15:15
897 · Trước Tu Lục Độ Hay Là Tu Tam Phước

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 27/05/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 897

“TRƯỚC TU LỤC ĐỘ HAY LÀ TU TAM PHƯỚC”

Lục Độ” là sáu phép tu của Bồ Tát gồm: Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Trí Tuệ.  

Tịnh Nghiệp Tam Phước” gồm Phước Nhân Thiên, Phước Nhị Thừa và Phước Đại Thừa. Trong “Tịnh Nghiệp Tam Phước”, phước đầu tiên mà Phật dạy chúng ta là Phước Nhân Thiên. Muốn có Phước Nhân Thiên thì phải “hiếu dưỡng Phụ Mẫu, phụng sự Sư Trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp”.

Hòa Thượng nói: “Người học Phật chúng ta khi bắt đầu tu học thì nên tu Lục Độ hay là bắt đầu từ Tam Phước? Thích hợp nhất, tuần tự nhất thì chúng ta nhất định phải bắt đầu từ Tịnh Nghiệp Tam Phước vì khởi đầu của Tịnh Nghiệp Tam Phước chính là bắt đầu từ hiếu Thân tôn Sư. Chúng ta thấy trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, câu đầu tiên chính là “hiếu dưỡng Phụ Mẫu, phụng sự Sư Trưởng”. Vậy thì chúng ta phải bắt đầu từ “Đệ Tử Quy”. Làm như thế nào để chúng ta có thể hiếu Thân, tôn Sư? Đơn giản dễ hiểu, bạn cứ làm theo Đệ Tử Quy là đúng rồi!”.

Nhiều năm qua, chúng ta cực lực đề xướng làm lễ tri ân Cha Mẹ ở mọi nơi như ở gia đình, ở hội trường và ở các trường học. Đó là chúng ta đã đề xướng “hiếu Thân tôn Sư”. Những đứa trẻ ngày nay rất ngỗ nghịch, ở nhà đối với Cha Mẹ thì bất tuân, bất kính nhưng khi chúng ta nhắc đến phải tri ân Cha Mẹ, phải kính trọng Thầy Cô thì chúng tri ân Cha Mẹ hết sức cung kính. Vậy thì lỗi ở người lớn chúng ta không dạy các con.

Trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, Phật nói: “Tiên nhân bất giáo, vô thù quá tha”, người trước không dạy thì đừng trách người sau. Chúng ta không dạy con cái phải hiếu kính Cha Mẹ. Hơn nữa, từ khi con cái còn nhỏ, chúng ta không trực tiếp dạy nhưng đã gián tiếp dạy con cái bất hiếu, bất kính từ chính những việc mà chúng ta đã làm. Chúng ta không làm ra chuẩn mực của hiếu kính thì con cái biết học tập từ đâu? Cho nên chúng ta hết sức cảnh giác, phản tỉnh và xem trọng vấn đề này!

Hôm qua tôi nhìn thấy một người Cha tuy chưa từng học “Đệ Tử Quy” nhưng dạy con rất ngoan. Đứa con học lớp 1 nhưng đã biết làm video clip chia sẻ với mọi người cách làm bắp rang bơ. Con nói rất lễ phép cung kính: “Bé sẽ hướng dẫn mọi người cách làm bắp rang bơ! Nào, bây giờ chúng ta hãy cùng chờ để cho bắp nở ra!”. Người Cha nói rằng khi hai vợ chồng đi làm hoặc bận việc đi ra ngoài thì ở nhà hai con tự nấu cơm, tự nấu đồ ăn, hai vợ chồng về đến nhà thì đã có đồ ăn. Tôi thấy người Cha dạy con rất nhẹ nhàng, không hề quát mắng con. Anh ấy nói một câu khiến tôi giật mình: “Khơi dạy từ sự tự nhiên của con”, nghĩa là khơi dạy từ tự tánh. Anh ấy rất nhẹ nhàng với con nhưng anh ấy nói rằng lúc cần nghiêm khắc với con thì anh ấy rất nghiêm khắc.

Vậy thì tại sao chúng ta không dạy con mình? Có những người là Thầy Cô giáo nhưng vẫn không dạy tốt con mình. Chúng ta phải bắt đầu từ thai giáo! Khi con chào đời thì chúng ta phải dạy con những chuẩn mực làm người. Những người đã khá lớn tuổi như tôi, Thầy Phương, Thầy Hoài khi biết đến thai giáo thì các con đã lớn rồi. Những người Cha, người Mẹ còn trẻ tuổi đừng bỏ lỡ cơ hội thai giáo.

Tôi từng thấy một đứa nhỏ khi ở trước mặt Cha Mẹ thì hỗn láo nhưng khi gặp Cô giáo thì luôn làm theo lời Cô giáo nói. Đứa nhỏ có thái độ như vậy tại vì nó biết Cô giáo ở trường rất nghiêm, không tình chấp, Cha Mẹ thì tình chấp. Khi chúng ta nói: “Nếu con làm sai phạm thì sẽ bị phạt” thì lúc con làm sai phạm, Cha Mẹ nhất định phải phạt con như đã nói, không được bỏ qua! Nếu chúng ta bỏ qua một lần thì sẽ phải làm lại từ đầu. Người lớn chúng ta còn nông nổi, người trưởng thành rồi vẫn còn nông nổi huống chi là những đứa trẻ!

Có những người từng nghe rất nhiều đĩa của Hòa Thượng nhưng lại không nghe được lời Ngài nói rằng: “Nếu tu hành thì phải bắt đầu thực tiễn từ hiếu kính. Thực hành hiếu kính thì phải bắt đầu học và làm theo Đệ Tử Quy”. Khi chúng ta học “Đệ Tử Quy” thì họ ngông cuồng, dám nói rằng chúng ta xen tạp.

Không có ai đề xướng pháp môn Tịnh Độ bằng Hòa Thượng Tịnh Không. Hôm qua tôi nghe Hòa Thượng Hải Hiền nói: Người tu học thì phải nên nghe Hòa Thượng Tịnh Không dạy”. Hòa Thượng Hải Hiền tự tại vãng sanh lưu lại toàn thân xá lợi, vậy thì chí ít Ngài cũng là Bồ Tát Bất Thoái. Bồ Tát Bất Thoái mà khen một người nào đó, bảo chúng ta phải nghe người đó thì người đó chí ít cũng phải là Bồ Tát. Vị Phật này khen vị Phật kia, các Ngài không hề để lộ thân phận, không nói ra thân phận. Hòa Thượng Hải Hiền bảo chúng ta phải nghe lời Hòa Thượng Tịnh Không dạy, vậy thì lời của Hòa Thượng Tịnh Không có phải lời của Phật Bồ Tát không?

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook