250Thứ Năm, 26/05/2022, 15:43
896 · Chúng Sanh Có Cảm Thì Phật Bồ Tát Liền Có Ứng

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 26/05/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 896

“CHÚNG SANH CÓ CẢM THÌ PHẬT BỒ TÁT LIỀN CÓ ỨNG”

Chúng ta đã học đạo lý của cảm ứng trong “Cảm Ứng Thiên” nên chúng ta cũng đã có một chút khái niệm. Muốn cảm ứng rõ nét nhất thì chúng ta phải dùng tâm chân thành của mình. Tâm chân thành không phải là chúng ta cầu cho bản thân mình mà phải là cầu những việc lợi ích cho chúng sanh. Nếu chúng ta mong cầu cho chính mình, “tự tư tự lợi” cho chính mình thì có cảm nhưng không có ứng. Nếu chúng ta cầu cho bản thân mà thấy có thì đó là do trong mạng chúng ta có, đó chỉ là sự trùng hợp. Có những người đi cầu ở các đình chùa, sau đó nhận được sự may mắn thì họ cho rằng Phật Bồ Tát hoặc các vị Thần đã ban cho họ.

Hòa Thượng nói một câu khẳng định, đánh bật lại tất cả những quan điểm sai lầm của chúng ta. Ngài nói: “Thập đạo vô thần”. Trong mười cõiĐịa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, Trời, Người, A-Tu-La, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật”, không một vị Thần nào có đủ quyền năng ban phước, giáng họa cho chúng ta. Phật pháp khẳng định rằng không có vị Thần nào đủ quyền năng mà chính chúng ta là vị Thần tối cao có thể ban phước giáng họa cho chính mình.

Nhiều người học Phật hiểu một cách lờ mờ, hiểu không rõ ràng về điều này nhưng chúng ta phải hiểu một cách rõ ràng. Phật dạy: “Như thị nhân, như thị quả”, nhân như thế nào thì quả như thế đó. Không có một vị Thần hay một vị Bồ Tát nào có thể can thiệp được nhân quả của chúng sanh. Nếu không hiểu thì chúng ta sẽ vẫn nương nhờ mong cầu một sự cảm ứng vô hình. Không có sự cảm ứng vô hình nào cả, mọi thứ đều rõ ràng. Nếu chúng ta làm đúng thì “hiển cảm hiển ứng”, có nghĩa là ứng hiện một cách rõ ràng, không có sự mơ mơ hồ hồ. Thí dụ chúng ta trồng một hạt ngô thì cây ngô sẽ lớn lên và ra bắp ngô. Chúng ta trồng một cây đậu thì cây đậu sẽ lớn lên và cho quả đậu. Đó là “hiển cảm hiển ứng”, nhân quả là như vậy.

Có những việc chúng ta làm nhưng cả cuộc đời không có kết quả như mình mong muốn, nguyên nhân thứ nhất là do chúng ta làm nhưng không quyết liệt, làm nhưng không toàn tâm toàn lực. Hòa Thượng đã chứng minh cho chúng ta thấy, cuộc đời Ngài đã thay đổi một cách ngoạn mục. Ngài vốn không có tuổi thọ nhưng đã trở thành người có tuổi thọ rất cao. Ngài vốn không có sức khỏe nhưng đã trở thành người có sức khỏe hơn người. Tướng mạo, tiền tài, mọi thứ đều gần như đều có được một cách hết sức tự nhiên. Ngài không giữ tiền nhưng mọi việc đều là “tâm tưởng sự thành”, đó chính là “hiển cảm hiển ứng”. Ngài có sự hiển cảm rõ ràng như vậy vì tâm của Ngài toàn tâm toàn ý vì chúng sanh mà lo nghĩ, không có một chút vì mình mà lo nghĩ.

Chúng ta sống ở thế gian mà hiểu được đạo lý cảm ứng thì chúng ta có thể sống một cách rất tự tại. Nếu chúng ta không hiểu hoặc hiểu một cách lờ mờ thì chúng ta sẽ ngồi đó than thân trách phận: “Sao Phật không gia hộ mình? Sao các vị Bồ Tát không quan tâm mình?”. Tôi khuyên mọi người một cách đơn giản: “Nếu chúng ta cảm thấy đời sống chưa tốt, mọi việc còn nhiều khúc mắc vậy thì chúng ta hãy nỗ lực làm nhiều việc tốt, mở rộng tâm lượng càng lúc càng lớn hơn”. Phật Bồ Tát không có chướng ngại bởi các Ngài toàn tâm toàn lực vì chúng sanh.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Đến bây giờ Ngài có một chút nào khó khăn nào không?”. Ngài nói: “Tôi không hề có một chút khó khăn nào, tất cả đều là tâm nghĩ sự thành”. Cả đời của Hòa Thượng là “vạn sự như ý”. Nếu mọi người nhìn ở bên ngoài thì vẫn thấy Ngài gặp chướng ngại trùng trùng, “vạn sự như ý” là từ ở nơi tâm Ngài không thấy chướng ngại. Ngài ở chỗ đó một thời gian thì người ta lại yêu cầu Ngài chuyển đi nơi khác. Ngài đã chuyển đổi chỗ ở năm - bảy lần. Ngài ở Thư Viện Hoa Tạng trong suốt 30 năm, không một ngày nào không giảng Kinh thuyết pháp. Đồng tư đã hỗ trợ cúng dường, tạo thành một nơi rất khang trang. Khi bà Hàn Quán Trưởng mất, con trai của bà là Cao Quý Dân lên tiếp quản. Họ muốn độc chiếm tòa nhà đó làm của riêng nên mọi người buộc phải rời đi. Mọi người cùng kiến tạo, vun bồi, xây đắp nơi đó trong 30 năm mà cuối cùng đều phải rời đi. Chúng ta cảm thấy đó là chướng ngại trùng trùng nhưng Hòa Thượng nói: “Tôi rất biết ơn ông Cao Quý Dân vì như vậy tôi mới có cơ hội để bôn ba khắp nơi trên thế giới, như vậy chúng sanh mới có cơ hội tiếp cận được Phật pháp”. Ngài chỉ tri ân chứ không phiền não.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook