
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 25/05/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 895
“VÔ DUYÊN ĐẠI TỪ, ĐỒNG THỂ ĐẠI BI”
Hòa Thượng muốn nói cho chúng ta biết như thế nào là “vô duyên đại từ”, như thế nào là “đồng thể đại bi”. Khi trở về với tự tánh của chính mình thì chúng ta mới cảm nhận được ta với chúng sanh là một thể, như tay với chân trên cùng một thân. Bất cứ bộ phận nào trên cơ thể chúng ta cũng là ở trên cùng một thân, cùng ở trên một thân thì bình đẳng yêu thương không có sự phân biệt. Chúng ta chưa nhận chân được ta và người là một thể thì chúng ta chưa thể khởi lên được tâm “vô duyên đại từ”.
Hiện tại chúng ta còn chấp trước, phân biệt quá nhiều nên chúng ta còn dính mắc vào “cái ta”, cái riêng tư của chính mình, từ đó mà khổ đau. Khi chúng ta làm việc gì cũng vì chúng sanh mà làm, vì mưu cầu hạnh phúc cho chúng sanh, mưu cầu giải thoát cho chúng sanh thì chúng ta không có khổ đau. Chúng ta suốt ngày vì “ta”, vì “cái của ta”. Lúc bình thường mà chúng ta còn không xả bỏ được thì khi sinh tử đến, chúng ta làm cách nào để xả bỏ đây? Chúng ta hãy tưởng tượng, một ngày nào đó, chúng ta chết đi hoặc người chúng ta yêu thương chết đi thì chúng ta có đủ sức để chịu đựng hay không? Đây là vấn đề cần rất nghiêm túc phản tỉnh! Lúc bình thường, chúng ta nói một cách dễ dàng: “Buông xả đi! Hỉ xả đi! Tất cả chỉ là khổ không, là vô thường!”. Chúng ta nói thì rất dễ nhưng khi chính mình gặp khổ không, gặp vô thường thì chúng ta có thể định tĩnh được không?
Cho nên Hòa Thượng thường nhắc chúng ta: “Công phu chính là ở chỗ khi ta đối mặt với khổ nạn, chướng ngại mà ta có thể vượt qua một cách dễ dàng. Nếu ta trải qua khổ nạn, trải qua chướng ngại một cách khó khăn, đau khổ thì ta chưa có công phu gì”. Đó là chúng ta hoàn toàn bị cảnh chuyển chứ không phải là ta chuyển được cảnh. Người tu hành thì phải chuyển được cảnh, phải làm chủ được hoàn cảnh. Nếu chúng ta để hoàn cảnh chuyển chúng ta thì chúng ta mãi trôi lăn ở trong lục đạo.
Hàng ngày chúng ta công phu rất nghiêm túc, niệm Phật hàng vạn câu, lạy Phật hàng ngàn lạy. Đây chỉ là rèn luyện thôi. Khi đối mặt với khó khăn thì chúng ta mới có thể biết được mình đã rèn được đến mức nào. Nỗi khổ đau lớn nhất của thế gian là Sinh – Ly – Tử - Biệt. Mấy hôm nay chúng ta nghe tin Mẹ của một Cô giáo vì bị bệnh tim mạch mà chết đột quỵ. Những người con chắc chắn rất đau lòng khi Mẹ ra đi đột ngột như vậy. Chúng ta nghe mà cũng thấy đau lòng. Đó chính là cảnh Sinh – Ly – Tử - Biệt. Con người sống ở thế gian này không ai là không phải trải qua cảnh Sinh – Ly – Tử - Biệt. Mỗi chúng ta đều phải nếm trải nỗi đau khổ này. Công phu chính là khi đối mặt với những nỗi khổ ấy thì thái độ của chúng ta như thế nào.
Thích Ca Mâu Ni Phật có một bài giáo huấn rất sâu sắc. Hàng ngày Bà La Sát bắt con của người khác để ăn thịt nhưng khi con của bà bị chết thì bà khóc lóc thảm thiết. Bà chạy đến cầu xin Phật: “Thưa Phật! Xin Phật từ bi hãy cứu con của con vì nếu không có nó thì con không thể sống được!”. Đức Phật nhận lời cứu con của bà nhưng với một điều kiện, điều kiện của Ngài cũng chính là một bài giáo huấn rất sâu sắc. Phật bảo Bà La Sát mang về cho Ngài một nắm tro tàn của một ngôi nhà chưa từng có người chết. Bà nghe Phật nói vậy thì như có một tia hi vọng liền nhanh chóng chạy đi tìm. Bà đến nhà mọi người để xin tro, họ đều sẵn lòng cho bà nhưng khi bà tìm gia đình chưa từng có người chết thì tìm không ra vì nhà nào cũng từng có người chết. Có nhà thì mất Bố, có nhà thì mất Mẹ, có nhà thì mất vợ, có nhà thì mất chồng, có nhà thì mất con, thậm chí có người nói nhà họ có hai - ba người đã chết. Bà đi đến chiều tối, rất mệt mỏi, cuối cùng bà quay trở lại nói với Phật: “Con không làm được điều kiện mà Ngài yêu cầu. Con tìm không thấy một nhà nào mà không có người chết nên con không thể xin được nắm tro tàn của nhà đó”. Khi đó Phật mới nói: “Thế gian này không ai tránh được Sinh – Ly – Tử - Biệt. Bà muốn ta cứu sống con của bà thì làm sao mà cứu được!”. Cuối cùng Bà đã hiểu ra.
Sinh – Lão – Bệnh – Tử là một định luật mà không ai có thể thay đổi được. Thế gian này có Sinh – Lão – Bệnh – Tử, vậy mà chúng ta không biết thúc liễm, không dè chừng, không trân trọng cuộc sống này. Họ bê tha, ruồng rẫy cuộc sống hiện có bằng cách tùy tiện tạo ác, tùy tiện tạo những nghiệp bất thiện. Chúng ta biết cuộc sống này là vô thường, nay còn mai mất thì chúng ta phải tranh thủ thời gian sống này để tích cực làm việc tốt, tích cực làm việc thiện lành cho thế gian. Nhưng rất ít người có tâm tích cực vì người khác mà lo nghĩ.
Thích Ca Mâu Ni Phật có những sự giáo huấn rất sâu sắc, ngay tên của Ngài cũng đã nhắc nhở chúng ta. Thích Ca là “Năng Nhân”, Mâu Ni là “Tịnh Mặc”. Tên của Phật nhắc nhở chúng ta rằng: Cuộc đời này ngắn ngủi lắm! Hãy sống yêu thương! Hãy sống bao dung! Hãy sống tha thứ! Đừng làm những việc sai trái để làm khổ cho người! Đối với người thì chúng ta phải từ bi, đối với chính mình thì tâm chúng ta phải thanh tịnh!
Hòa Thượng nói: “Tình yêu của Phật đối với tất cả chúng sanh có điều kiện không? Tình yêu của Phật là “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”, đây là từ bi chân thật, yêu người không có điều kiện cho nên không có khổ đau. Chúng ta yêu người luôn có điều kiện nên chúng ta luôn có khổ đau. Tâm từ bi này là từ ở trong chân tâm, bổn tánh mà lưu lộ ra. Các Ngài là thanh tịnh, là bình đẳng. Các Ngài đối với chư Phật Bồ Tát, đối với tất cả chúng sanh, đối với địa ngục, ngạ quỷ, thậm chí đối với các loài thực vật, khoáng vật cũng đều một mực bình đẳng không hề có sai biệt. Đây là từ bi chân thật của Phật. Chư Phật Bồ Tát bình đẳng yêu thương tất cả chúng sanh. Chúng sanh được vui thì các Ngài cũng cảm thấy an vui. Chúng sanh đau khổ thì các Ngài cũng cảm thấy đau khổ. Đây gọi là đồng thể đại bi”.
“Bổn tánh” và “tự tánh” là một. Ghét và thương là tâm phàm phu. Chúng sinh thường tình mới có thương có ghét, tâm của Phật thì không có thương và ghét. Cái « khổ » của Phật là sự đồng cảm với chúng sanh. Chúng ta thì có thể vui cùng chúng sanh nhưng khi chúng sanh có khổ thì chúng ta cũng hoàn toàn vô cảm, không cảm nhận được rằng chúng sanh đang đau khổ. Chúng ta ta cứ mặc tình hưởng thụ hoang phí, dư dả tràn đầy, cần mua sắm thứ gì thì mua vô tội vạ mà không quan tâm đến những chúng sanh đang thiếu thốn rất nhiều. Tại sao chúng ta không dùng ít đi một chút để dành một chút tiện nghi này cho chúng sanh đang thiếu? Đó chính là “đồng thể đại bi”. Người xưa may áo mùa đông, nếu may áo bằng bông gòn thì áo ấm hơn nhưng chỉ may đủ áo cho người trong gia đình. Vì vậy thay vì may áo bằng bông gòn thì họ may áo bằng bông cỏ lau để may được nhiều chiếc áo mùa đông hơn, có thể chia sẻ cho những người đang thiếu. Đó chính là “đồng thể đại bi”.
Người học Phật mà thờ ơ, vô cảm, không có tâm nghĩ đến người khác thì đó chỉ là giả học Phật chứ không phải là thật học Phật. Người xưa dạy một câu khiến tôi cảm nhận hết sức sâu sắc: “Đồ cũ không dùng thì cho đi vẫn hữu dụng”. Đồ mà chúng ta không dùng ba tháng, sáu tháng, một năm thì là đồ cũ rồi. Tại sao chúng ta không cho đi để chúng sanh đang thiếu kém họ được nhờ. Người xưa cũng dạy: “Nhịn một, hai bữa tiệc tùng để dành cho người đói”. Đối với chúng ta thì không tổ chức một, hai bữa tiệc tùng cũng không sao. Thay vì tổ chức sinh nhật hoành tráng thì chúng ta chỉ cần một bó hoa, một chiếc bánh nhỏ để dâng cúng Tổ tiên là được. Chúng ta không tiêu xài những thứ tốn kém mà chia sẻ phần đó cho người nghèo. Đó chính là “đồng thể đại bi”.
Muốn có tâm “đồng thể đại bi” thì chúng ta phải trở về với tự tánh. Từ ở trong tự tánh, chúng ta mới có thể cảm nhận được, lắng nghe được nỗi khổ của chúng sanh đang kêu gọi, cầu cứu. Khi chúng ta trở về được với tự tánh, chưa cần hoàn toàn trở về được với tự tánh, chỉ cần có một chút thôi nhưng chúng ta sẽ lắng nghe được nỗi khổ của chúng sanh. Chúng ta chưa cần có được tâm của Bồ Tát, chỉ cần chúng ta quay về với tự tánh thì chúng ta sẽ lắng nghe được nỗi khổ đau của chúng sanh. Khi chúng ta mặc áo ấm thì hãy nghĩ rằng “hiện giờ biết bao nhiêu người không có áo ấm”. Khi chúng ta được ăn no thì phải biết rằng còn có biết bao nhiêu người chưa được ăn.
Chúng ta chỉ cần trở về với nội tâm thì sẽ cảm nhận được, nếu không thì chúng ta sẽ vô cảm. Chúng ta quán sát xem hàng ngày mình có vô cảm không. Nếu người học Phật chúng ta mà còn vô cảm thì những người không tu học, không được học Phật pháp, không được học giáo huấn của Thánh Hiền sẽ còn vô cảm đến mức nào? Hòa Thượng nói: “Chỉ cần những người học Phật chúng ta khởi lên được tâm đồng thể đại bi thì chúng sanh sẽ bớt đau khổ, thế gian này sẽ giảm nhẹ được rất rất nhiều đau khổ”. Chúng sanh giảm bớt đau khổ thì thiên tai bão lũ cũng được giảm nhẹ.
Phật dạy: “Y báo tùy theo chánh báo chuyển”. “Y báo” là hoàn cảnh xung quanh chúng ta, “chánh báo” là tự tâm chúng ta. Khi tâm chúng ta luôn khởi tâm đại bi vì chúng sanh mà lo nghĩ thì chắc chắn hoàn cảnh xung quanh chúng ta sẽ tốt. Một người không thể làm được nhưng nhiều người sẽ có thể dịch chuyển được từ hoàn cảnh không tốt thành hoàn cảnh tốt.
Hòa Thượng nói: “Chư Phật Bồ Tát bình đẳng yêu thương tất cả chúng sanh. Chúng sanh được vui thì các Ngài cũng cảm thấy an vui. Chúng sanh đau khổ thì các Ngài cũng cảm thấy đau khổ”. Các Ngài không khóc vì đau khổ mà các Ngài cảm nhận được nỗi đau của chúng sanh, cảm nhận được chúng sanh đang đói, đang lạnh, đang thiếu những thứ gì. Tâm của các Ngài cảm nhận được tất cả.
Hiện tại chúng ta có cảm nhận được rằng con cái ngày nay vô cùng khó dạy không? Chúng ta có nghe được nỗi bâng khuâng, bất an của Cha Mẹ không? Chúng ta có cảm nhận được để tích cực, nỗ lực để làm gì đó giúp họ không? Chúng ta không cần phải làm gì quá sức mà chỉ cần cố gắng làm là được. Chúng ta toàn tâm toàn lực vì người khác mà lo nghĩ là được. Đó chính là “đồng thể đại bi”.
Có thể chúng ta chưa hiểu rõ ý nghĩa của những danh từ, thuật ngữ trong nhà Phật. Khi chúng ta khởi được tâm chân thành đồng cảm với chúng sanh thì chính là tâm “đồng thể đại bi”. Chúng ta tu hành, học Phật nhưng không có tâm đồng cảm. Hàng ngày chúng ta sống an vui, hưởng thụ thừa thãi mà không cảm nhận được rằng xung quanh còn rất nhiều người nghèo đói. Chúng ta sống rất hạnh phúc, an vui mà không cảm nhận được rằng rất nhiều người khác không hạnh phúc, an vui. Đó là chúng ta không có tâm “đồng thể đại bi”.
Hòa Thượng nói: “Hễ là người tâm tính sáng suốt thì nhất định là một mảng từ bi. Họ hiểu được chân tướng, chân thật hiểu rõ được thiên địa với ta là cùng một gốc, vạn vật với ta là cùng một thể. Khi họ hiểu rõ điều đó thì khởi được tâm “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Lúc đó họ chân thật là thanh tịnh, bình đẳng, yêu thương rộng khắp tất cả chúng sanh. Nếu chúng ta vẫn mê mờ, đắm chìm trong tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, hưởng thụ năm dục sáu trần, khởi lên tham sân si mạn thì đại dụng của tâm nhất định không thể hiện tiền”.
Sự từ bi của họ là “một mảng” chứ không rời rạc, lúc có lúc không. “Đại dụng của tâm” chính là “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Chỉ cần mười sáu tập khí xấu ác này lắng xuống thì tâm Đại Từ Đại Bi được đề khởi. Người “tự tư tự lợi” thì không thể nghĩ đến chúng sanh đang đau khổ, thiếu kém. Họ chỉ mong muốn làm thế nào để họ ăn thật ngon, mặc thật ấm. Người không “tự tư tự lợi” thì chỉ cần ăn no là được, mặc đủ ấm là được, từ đó “đại dụng của tâm” sẽ dần dần hiển lộ.
Hòa Thượng nói: “Hiện tại, cái đại dụng của tâm không thể hiển lộ bởi vì bạn đang mê hoặc. Bạn ở trong đó phân chia giới hạn, có phân biệt, có chấp trước thì liền có vô lượng vô biên vọng tưởng. Nói một cách khác, đối với chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh bạn hoàn toàn mê mất rồi. Nếu tâm của bạn rời khỏi phân biệt, chấp trước, vọng tưởng thì chân tâm của bạn sẽ hiển lộ ra. Chân tâm là như thế nào? Thứ nhất chính là tướng rộng lớn, tâm bao thái hư, lượng châu sa giới. Tâm ta trùm khắp hư không, tâm lượng rộng lớn không có bờ mé. Đó là tướng thanh tịnh, tướng bình đẳng, tướng từ bi. Vậy thì tâm “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi” hiện tiền rồi”.
Trước đây tôi đã chia sẻ rất nhiều đề tài khuyên mọi người mở rộng tâm lượng, thật ra là tôi khuyên chính mình phải mở rộng tâm lượng. Mở rộng tâm lượng là lúc nào cũng nghĩ đến lợi ích cho người khác, không nghĩ đến lợi ích cho chính mình.
Hòa Thượng nói: “Cho nên người học Phật trước tiên phải mở rộng tâm lượng của chính mình, phải trừ bỏ đi giới hạn của tâm, đừng bao giờ để cho tâm mình có giới hạn. Chúng ta không biết rằng chân tâm bổn tánh của chúng ta không có giới hạn, rộng lớn vô lượng vô biên không có bờ mé. Nếu chúng ta giới hạn nó thì chúng ta làm cho nó bị sai lệch, bị méo mó rồi”.
Cho nên người học Phật việc đầu tiên cần làm chính là phải mở rộng tâm lượng. Chúng ta chưa thể mở tâm một cách hoàn toàn thì phải mở tâm càng nhiều càng tốt. Tâm của Phật Bồ Tát không có bờ mé cho nên các Ngài đã đạt được “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Hiện tại tâm chúng ta chưa đạt được như vậy nhưng chúng ta phải hướng đến mở rộng tâm lượng của mình. Nếu chúng ta không mở tâm thì chúng ta sẽ không lắng nghe được nhu cầu mà chúng sanh đang cần cầu.
Chúng ta có nhà ở, có cơm ăn, có áo mặc nhưng chúng ta vẫn phải luôn nghĩ đến rất nhiều chúng sanh không có. Chúng ta phải biết giúp đỡ họ đúng cách! Nếu họ không có nhà thì chúng ta cho họ nhà, họ không có cơm thì chúng ta cho họ cơm, họ không có áo thì chúng ta cho họ áo thì đó chỉ là trị ngọn chứ chưa phải là trị gốc. Chúng ta phải trị cả gốc lẫn ngọn, vừa trị gốc, vừa trị ngọn.
Phật giáo hóa chúng sanh bằng cách dạy chúng sanh phải tu phước, phải tích cực làm những việc tích công bồi đức. Chúng ta phải biết dạy họ phải cách tích công bồ đức, phải biết tái tạo phước báu. Họ không có phước thì chính họ phải tích phước, nếu không có ngoại tài thì bố thí nội tài. Nội tài là sức khỏe, năng lực của mình.
Nhiều năm qua tôi đã tích cực bố thí nội tài, bố thí năng lực của mình. Nơi nào mời đi giảng dạy thì tôi rất ít từ chối, trừ những nơi tôi cảm thấy cơ duyên chưa đủ, họ chưa hiểu mình, họ đang muốn lợi dụng mình thì tôi không đến.
Có lần tôi về miền Tây giảng, tôi tặng quà, tặng quần áo thức ăn cho những người mù. Tôi giảng về chủ đề “tái tạo phước báu”. Tôi hỏi các vị đó: “Khi nhận quà, các vị có nghĩ đến việc tặng lại quà cho những người cũng mù như mình nhưng còn khổ hơn mình không? Các vị đã được nhận quà thì có chia sẻ một chút cho người nào đó khổ hơn mình không? Đó chính là tái tạo phước báu”. Tất cả những gì chúng ta thọ nhận của đời này đều là dư báo, đều là phước thừa mà đời trước chúng ta đã tạo. Nếu chúng ta không biết tái tạo phước báu, đến khi phước thừa hết rồi thì lúc đó chúng ta thê thảm.
Có nhiều người đang sống thảnh thơi, họ tưởng rằng vinh hoa phú quý có thể hưởng mãi không hết, nhưng bỗng chốc tất cả thành mây khói. Tôi biết có hai ông bà cả đời tất bật, xây cất được một ngôi nhà ba - bốn tầng khang trang, tiền bạc thì dư hưởng tuổi già. Nhưng một ngày nọ, bỗng nhiên người ta đến lấy nhà vì con trai của ông bà đã bán ngôi nhà đó cho người khác rồi. Việc này như từ trên trời rơi xuống! Họ đã bán nhà nhưng vẫn chưa đủ tiền trả nợ, thậm chí còn phải gom hết tiền trả để cho họ. Cuối cùng hai vợ chồng phải thuê căn phòng vài chục mét vuông đối diện đó để ở. Họ phải gặm nhấm nỗi đau khổ cùng cực đó đến lúc chết. Đó chính là do không biết tái tạo phước báu, hết phước rồi thì phải như vậy.
Hòa Thượng nói một câu khiến tôi hết sức chấn động: “Ta đến thế gian này là để tu phước chứ không phải là để hưởng phước”. Hòa Thượng có tâm “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi” thì Ngài mới có thể nói được câu này. Câu nói này tuy ngắn gọn nhưng hàm ý rất sâu xa và cũng không dễ làm.
Chúng ta phải tích cực tu phước để có đủ phước báu vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Trong “Kinh A Di Đà”, Phật đã nói: “Đâu phải phước đức, nhân duyên ít mà về được nước kia”. Phải đầy đủ phước đức nhân duyên thì mới về được thế giới Tây Phương Cực Lạc. Hàng ngày chúng ta khởi tâm động niệm đều vì chúng sanh mà lo nghĩ, đây là tu phước. Nếu vì mình mà lo nghĩ, chỉ nghĩ đến bản thân thì đây là hưởng phước.
*****************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!
Chúng con chân thành cảm ơn!