302Thứ Ba, 24/05/2022, 13:02
894 · Người Niệm Phật Có Xá Lợi Cũng Không Thể Nói Là Họ Vãng Sanh

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba ngày 24/05/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 894

NGƯỜI NIỆM PHẬT CÓ XÁ LỢI, CŨNG KHÔNG THỂ NÓI LÀ HỌ VÃNG SANH”

Trước đây xảy ra rất nhiều việc sau khi người chết được thiêu thì họ có một số những viên xương hình thù hơi đặc biệt, người ta cho đó là xá lợi. Hòa Thượng nói: “Chỉ cần người có tâm thanh tịnh thì cũng đã có thể kết thành xá lợi nhưng không phải là có xá lợi nghĩa là người đó đã vãng sanh”.

Hơn nữa, khi ta dùng tay miết xá lợi thì xá lợi không vỡ, thậm chí nếu ta dùng búa tạ gõ xá lợi thì búa tạ bị đẩy ra còn viên xá lợi vẫn không bị vỡ. Nếu ta dùng tay miết mà viên xương đó bị vỡ thì đó không phải xá lợi. Nếu Hòa Thượng không nói điều này thì chúng ta cũng sẽ không phân biệt được rõ ràng.

Có một thời gian, nhiều người muốn có xá lợi để đi khoe. Có rất nhiều người khoe họ có xá lợi nhưng khi ngâm vào nước thì những viên đó bị phai màu, đó là xá lợi giả. Có nhiều người có rất nhiều viên xá lợi, có người có vài trăm viên xá lợi. Tôi cũng có hơn ba mươi viên. Khi họ có xá lợi, họ gặp việc này việc kia. Họ sợ quá nên đã mang xá lợi đến gửi ở chỗ tôi. Tôi bảo họ để xá lợi trên bàn thờ Phật. Có một người em tôi đến thỉnh một tháp xá lợi nên bây giờ tôi vẫn còn mười mấy viên.

Xá lợi không liên quan đến nghiệp lực của chúng ta. Xá lợi không liên quan đến tập khí phiền não của chúng ta. Chúng ta có xá lợi nhưng tâm “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn” vẫn đầy đủ. Ngày xưa tôi từng nói nói: “Chúng ta có thể tạo ra được xá lợi nhưng xá lợi không thể tạo được tâm của chúng ta”. Điều này nói ra cũng có thể bị nhiều người mắng. Xá lợi thật của Bồ Tát, của Thanh Văn, của Tổ Sư Đại Đức cũng có rất nhiều nhưng xá lợi giả cũng có không ít vì tâm mong cầu của người thế gian quá nhiều. Họ mong muốn có xá lợi để có được sự bảo hộ bình an.

Vị Hòa Thượng dạy tôi chữ Hán đã mất từ lâu. Trước khi mất, Ngài dặn mọi người cho xác của Ngài vào tấm ván ghép rồi mang đi chôn. Học trò không dám làm như vậy, họ vẫn mua một cái quan tài tốt để chôn Ngài. Ngài không hỏa thiêu, không để lại xá lợi. Nếu Ngài để lại xá lợi to như quả bóng khiến học trò tranh nhau thì lại càng nguy hiểm. Tuy Ngài không để lại những viên xá lợi nhưng bốn câu nói mà Ngài để lại cho chúng ta chính là “xá lợi sống”. Ngài dạy: “Đừng tu gian tu dối, đừng tu lợi tu danh, đừng tu dục tu tình, đừng tu quanh tu quẹo”. Ngài dặn dò chúng ta như vậy vì tu như vậy thì chắc chắn sẽ đi vào ba đường ác. “Dục” là ham muốn, mong cầu. Người ta chỉ mong cho bản thân mình được an lạc, được giải thoát chứ không phải là vì chúng sanh mà giải thoát.

Chúng ta có “tu gian tu dối” không? Chúng ta đi niệm Phật trợ duyên cho người mất thì niệm 6 - 7 tiếng cũng không mệt mỏi vì có người xem chúng ta niệm Phật. Nếu chúng ta niệm Phật một mình thì chỉ niệm hai tiếng là đã rất mệt mỏi rồi. Đó là “tu gian tu dối”.

Tất cả những lời giáo huấn, những biểu pháp của nhà Phật đều mang tính giáo dục rất sâu sắc chứ không phải là để làm cho chúng ta thêm mê tín, lầm lạc. Để có được xá lợi thì tâm phải thanh tịnh, tu hành phải có Định. Định lực càng cao thì xá lợi càng đẹp, càng rắn chắc, búa tạ đập cũng không vỡ. Người ta cứ thấy viên xương có màu thì cho rằng đó là xá lợi nhưng không phải như vậy. Có người dám lừa gạt chúng sanh, công bố với mọi người rằng Mẹ của họ, Thầy của họ có xá lợi nhưng người khác lại nói rằng đó không phải là xá lợi vì hôm đó chính họ đi lấy xương. Họ công bố vì danh vì lợi. Việc đó mà họ còn lừa gạt chúng sanh!

Chúng ta suy xét xem thì thấy hàng ngày chúng ta “tu dục tu tình” nhiều. “Tu tình” là dùng tình riêng để làm việc. Phật đã dạy chúng ta phải “y trí bất y thức”, phải làm việc theo trí tuệ, đừng y theo tình cảm. Chúng ta làm bất cứ việc gì cũng vì người của mình một chút. Chúng ta tưởng rằng mình gạt được người khác, tưởng rằng người khác không thấy những lời nói việc làm của chúng ta mà không biết rằng người ta cảm nhận được ngay. Đó là chúng ta đã rơi vào tình chấp.

Cách đây 10 năm, khi đó xá lợi đang rất “hot”, ai cũng muốn có xá lợi. Có người nói với tôi:“Thưa Thầy, con có bốn viên xá lợi của Thích Ca Mâu Ni Phật. Con xin tặng Thầy hai viên”. Tôi nói: “Tôi không muốn độc chiếm xá lợi! Nếu là xá lợi thật thì mời bác mang đến những ngôi chùa to để mọi người được chiêm bái, như vậy có lợi ích hơn. Nếu để đây chỉ mình tôi ngắm thì tôi thấy không cần thiết!”. Từ đó đến nay, hơn 10 năm rồi họ không liên lạc lại với tôi.

Chúng ta phải hết sức cẩn trọng! Tu hành là để tâm mình thanh tịnh, vơi bớt tất cả phiền não vọng tưởng. Đó mới là công phu. Công phu đắc lực nhất là khi đối mặt với khó khăn, bệnh khổ, sinh tử, chúng ta có tự tại không, chúng ta có dễ dàng tiếp nhận hay không. Đó mới là công phu chân thật. Nếu chúng ta không có công phu đó, khi bệnh khổ đến, chúng ta xếp vài trăm viên xá lợi xung quanh mình cũng không có kết quả gì.

Chính Thích Ca Mâu Ni Phật, Chư Phật Bồ Tát cũng không thể can thiệp vào nghiệp lực của chúng sanh. Nếu các Ngài can thiệp được vào nghiệp lực của chúng sanh thì các Ngài đã làm xoay chuyển được nhân quả. Phật còn không can thiệp được vào nhân quả và nghiệp lực của chúng sanh thì càng không nói đến xá lợi, đấy là còn chưa biết xá lợi thật hay xá lợi giả.

Bài học này Hòa Thượng đã nói cách đây hơn 30 năm. Ngài thấy đồng tu mê muội, chấp trước vào xá lợi nên Ngài hết sức khéo léo nhắc nhở chứ không chỉ đích danh.

Tiếng Phạn, tiếng Ấn độ xưa gọi là “xá lợi”, dịch sang Trung văn là “kiên cố tử”, hạt kiên cố. Xương, tóc, máu, da thịt đều có thể kết thành xá lợi. Phần nhiều người thế tục chúng ta xem thấy xá lợi thì đều cảm thấy “bất khả tư nghì”.

Hòa Thượng nói: “Xá lợi tử là một loại cảm ứng, phần nhiều có liên quan đến sức định của người tu hành. Sau khi thiêu đốt xong, kiểm tra xương thì nhìn thấy xá lợi. Căn cứ vào cách nói thông thường, tâm càng thanh tịnh, định lực càng sâu thì xá lợi kết được càng đẹp và càng nhiều. Đối với người niệm Phật, xá lợi có liên quan đến tâm thanh tịnh nhưng không liên quan đến việc vãng sanh. Khi thiêu xác có xá lợi cũng không thể chứng minh rằng họ đã vãng sanh. Minh chứng khiến chúng ta có thể tin rằng họ vãng sanh là khi vãng sanh thì chính người vãng sanh nói: “Phật đã đến đón tôi rồi!”. Đây mới là chân thật vãng sanh! Thực tế mà nói, thời kỳ Mạt Pháp có rất nhiều những chuyện kỳ kỳ quái quái. Việc kỳ quái là gì vậy? Ngày nay, xá lợi và nhục thân lưu lại cũng có giả mạo. Bạn nhìn thấy xá lợi rất đẹp nhưng bạn dùng tay ấn xuống thì viên đó bị vỡ. Vậy thì đó không phải là xá lợi thật. Nếu là xá lợi thật thì búa sắt có đánh vào xá lợi cũng không hề gì”.

Hòa Thượng dẫn chứng một câu chuyện: “Năm 1977, khi tôi đến Hồng Kông, mọi người nói với tôi rằng Pháp sư Đàm Hư sau khi hỏa thiêu đã để lại xá lợi. Pháp sư Đàm Hư rất nổi tiếng vì công hạnh tu hành. Lúc đó Hồng Kông do người Anh quản lý nên người Anh đã đem xá lợi đi thí nghiệm. Họ dùng búa sắt để gõ vào xá lợi thì búa sắt bị lõm, xá lợi vẫn như như bất động cho nên họ đều rất kính phục”.

Rất tiếc vì ngày hôm nay chúng ta mới học bài này! Trước đây có rất nhiều người mê lầm, có rất nhiều người bị gạt. Tôi nghe nói hiện nay chúng ta hóa táng bằng lửa điện, khi hơi nóng đạt đến độ nóng mấy nghìn độ thì xương tóc của chúng ta có thể kết thành rắn chắc vì xương, tóc chúng ta là carbon, nên họ coi đó là xá lợi. Cho nên Hòa Thượng nói: “Người có xá lợi không liên quan đến việc người đó có vãng sanh hay không. Bằng chứng thuyết phục nhất là khi lâm chung, người đó tự mình nói: “Phật đã đến tiếp tôi rồi! Tôi đi đây!”.

Có rất nhiều người đi hộ niệm, vừa mới hộ niệm thì vui mừng: “Ôi! Vãng sanh rồi! Vãng sanh rồi!”. Việc này cũng có một chút tốt vì làm cho người ta có tín tâm, nhưng việc này có ý nghĩa không tốt nhiều hơn vì nó sẽ làm cho người ta mê lầm. Hòa Thượng nói: “Trong thời hiện đại này, dường như sau khi hỏa thiêu người ta thường xem thấy xá lợi. Việc này càng lúc càng phổ biến. Chúng ta xem thấy rất nhiều xá lợi viên, xá lợi hoa, chúng ta nghe nói đến thì càng nhiều hơn. Rốt cuộc xá lợi đó có thật không? Việc này rất khó nói!”. Xá lợi giả mạo quá nhiều nhưng Hòa Thượng nói như vậy vì không muốn gây phiền, không muốn kết oan gia với chúng sanh.

Cách đây 7 - 8 năm, khi mọi người đang rất thích xá lợi, tôi có một chú học trò thành kính một cách u mê. Chú ấy mất rất nhiều công sức, tiền của để thỉnh về mấy viên xá lợi. Khi chú ấy ngâm những viên xá lợi vào nước thì những viên xá lợi đó phai màu và tan vào nước. Đó là do tâm mong cầu. Từ lâu tôi đã nói: “Công phu tu hành của chúng ta mới tạo ra được xá lợi. Xá lợi không tạo ra được công phu tu hành của chính mình”. Buổi sáng sớm chúng ta thức dậy để tu học mà còn khó khăn thì lấy đâu ra xá lợi!

Hòa Thượng nói: “Trong Tịnh Độ chúng ta tuyệt nhiên không thể nói rằng người chết sau khi hỏa táng không có xá lợi thì không thể vãng sanh. Có xá lợi rất tốt nhưng có hay không cũng không cần để ở trong tâm. Tốt nhất là không luận ở trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải giữ gìn được tâm thanh tịnh, không để những thứ này quấy nhiễu”.

Vãng sanh hay không thì phải chính người đó nói rằng: “Phật đến tiếp tôi rồi! Tôi đi đây!”. Việc vãng sanh không liên quan đến việc người đó có xá lợi hay không.

Hòa Thượng nói: “Người niệm Phật có xá lợi tuyệt nhiên không phải là bằng chứng để thể hiện rằng người đó vãng sanh mà chỉ có thể nói là người đó tu hành có một chút công phu. Chân thật niệm Phật vãng sanh thì phải xem thấy tướng lạ khi người đó lâm chung, phải từ trên phương diện này mà đoán định. Cho nên ý nghĩa của xá lợi tuyệt nhiên không quá quan trọng. Chúng ta biết được là tốt rồi!”.

Một bà cụ ra đi có tướng lạ. Bà cụ dặn người con: “Ngày đó con đừng đi đâu vì ngày đó Mẹ sẽ vãng sanh!”. Người con không tin nhưng ngày hôm đó tự nhiên trong nhà có mùi hương rất lạ, họ chưa từng bao giờ ngửi thấy mùi hương như vậy, hương thơm tràn ngập khắp nơi. Đó là tướng lạ. Có nhiều tướng lạ khác nhau, ví dụ tự nhiên chim bay về hót rất hân hoan.

Cách đây hơn 10 năm, đêm đó tôi đang lạy Phật thì có một Sư cô trụ trì chùa là học trò của tôi gọi điện cho tôi nói: “Thầy ơi, người đó vãng sanh rồi! Người đó đang niệm Phật thì ngả ra vãng sanh”. Tôi nghĩ: “Chết rồi! Mình dịch Kinh bao nhiêu năm nay mà mình không nhìn ra đó là một Bồ Tát. Mình tu hành mà không có một chút cảm nhận nào khi có một vị Bồ Tát vãng sanh! Mình lại còn cản trở rất người! Mình là kẻ tội đồ! Tội nghiệp của mình quá nặng!”. Tôi đang dập đầu lạy Phật sám hối thì mười lăm phút sau lại có một Sư cô khác gọi điện cho tôi nói: “Thầy ơi, người đó sống lại rồi!”. Lúc nghe tin người đó sống lại thì tôi còn đau lòng hơn. Tôi nghĩ: “Chết rồi! Nguy cho Tịnh Độ rồi! Rồi đây chúng sanh sẽ không còn tin vào Tịnh Độ nữa!”.

Trước hôm đó, tôi thấy một người chuẩn bị rất nhiều thức ăn. Tôi hỏi thì họ nói là họ chuẩn bị đi Đồng Nai để tiễn đưa một người sắp vãng sanh. Tôi nói: “Có cần thiết phải làm như vậy không? Nếu người đó không vãng sanh thì sao?”. Sau khi nghe tôi phân tích thì mọi người không đi đến đó nữa. Sau khi người đó ngả ra “vãng sanh” thì mọi người đặt người đó trên bàn kết hoa. Người đến xem chật kín chùa. Sau khi người đó sống lại thì mọi người đưa người đó vào trong thất, mọi người tiếp tục niệm Phật để người đó vãng sanh nhưng không thể vãng sanh được. Sau đó còn có nhiều việc ly kỳ quái quỷ khác. Những chuyện đó đều là do ma làm!

Có những nguyên lý nguyên tắc đặc biệt của Tịnh Độ nhưng người tu Tịnh Độ không biết đến. Tôi hỏi mọi người: “Bình thường người đó có niệm Phật không? Hàng ngày hành vi của người đó như thế nào?”. Họ nói: “Bình thường người đó không niệm Phật. Khi chúng con nhập thất, chúng con nấu đồ ăn thì người đó còn chê không ngon!”. Tôi thấy trước ngày “vãng sanh”, người đó vẫn đón tiếp bà con là những người không niệm Phật. Tôi quan sát hoàn cảnh xung quanh để xem mọi thứ có tốt đẹp không, có giống trên Kinh Phật nói không thì thấy khu vực quanh tiêu điều, xơ xác. Hôm đó Sư bà đi nước ngoài nên tôi không tiện nói chuyện với Sư bà. Sau khi giảng xong thì tôi lấy xe máy đi về Sài Gòn.

Người vãng sanh thì cả đời chỉ niệm một câu A Di Đà Phật, tin sâu, nguyện thiết, hành miên mật. Người đó nói 4h sáng sẽ vãng sanh thì 3h sáng mọi người long trọng người rước người đó từ bên thất qua chánh điện. Nhưng lúc sắp “vãng sanh” thì người đó lại niệm Ngài Phổ Hiền và Ngài Văn Thù chứ không niệm “A Di Đà Phật”. Điều này hoàn toàn khác với cương lĩnh Tịnh Độ. Ban đầu, tôi đã cản mọi người: “Không phải đâu! Không phải là vãng sanh đâu, mọi người đừng tin!”. Tôi căn cứ vào cương lĩnh Tịnh Độ thì thấy sự việc hoàn toàn không phù hợp với cương lĩnh Tịnh Độ.

Lúc người đó sống lại thì tôi nghĩ: “Nếu mình sai thì sẽ tốt hơn! Nếu mình sai thì do mình ít tu, phước mỏng nghiệp dày nên mình không nhìn thấy một vị Bồ Tát sống sắp vãng sanh. Mình đúng thì rất khổ cho chúng sanh thời Mạt Pháp. Chúng sanh thời Mạt Pháp chỉ nhờ pháp Tịnh Độ để vãng sanh, giải thoát sinh tử. Nếu họ không tin vào pháp này nữa thì họ không còn có cơ hội!”. Người học Phật mà không nắm được cương lĩnh Tịnh Độ, nghe nói người ta sắp vãng sanh thì mau mau chạy tới xem, cuối cùng thất vọng! Khi đó tôi tha thiết mong mọi người làm ra biểu pháp để mọi người tin vào Tịnh Độ, để chúng sanh nương vào Tịnh Độ, nhờ Tịnh Độ mà được giải thoát.

Cho nên chúng ta niệm Phật, tu hành Tịnh Độ thì nhất định phải hiểu rõ cương lĩnh của Tịnh Độ. Tổ Sư Đại Đức tu hành như thế nào thì chúng ta phải tu hành y như thế, vậy thì mới có kết quả đúng như Tịnh Độ đã nói. Người báo mộng vãng sanh nhất định phải là Phật A Di Đà. Phật A Di Đà có vô lượng vô biên thân nên không thể có chuyện Ngài bận rộn quá nên bảo Quán Thế Âm Bồ Tát đi thông báo.

Trong “Kinh A Di Đà”, Phật nói: “Nếu chúng sanh nào niệm Phật từ một niệm đến mười niệm thì đích thân Phật A Di Đà và Thánh chúng sẽ đến tiếp dẫn chúng vãng sanh”. Chỉ có Phật A Di Đà đích thân đến tiếp dẫn chúng ta thì chúng ta mới có thể vãng sanh. Các Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát đi cùng với Phật A Di Đà. Nếu Ngài Đại Thế Chí đến rước thì chúng ta biết là không đúng. Người niệm Phật chúng ta chỉ đi theo Giáo chủ của Thế giới Tây Phương Cực Lạc là Đức Phật A Di Đà, không đi theo bất cứ ai. Đó là cương lĩnh! Rất nhiều người tu Tịnh Độ nhưng không nắm được cương lĩnh Tịnh Độ, chính những người tu Tịnh Độ lại làm cho Tịnh Độ bị mai một.

Hòa Thượng Hải Hiền suốt 92 năm chỉ niệm một câu “A Di Đà Phật”. Ngài không làm Phật sự, không giảng Kinh thuyết Pháp vì Ngài không biết chữ. Từ nhỏ Ngài được Thầy dạy niệm Phật nên Ngài niệm Phật suốt 92 năm không đổi, sau cùng Ngài chính mình niệm Phật đưa mình vãng sanh. Có người hỏi: “Khi nào Ngài vãng sanh thì Ngài báo chúng con biết để chúng con hộ niệm!”. Ngài nói: “Không cần! Người ta hộ niệm cho mình thì không chắc!”.

*****************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!

Chúng con chân thành cảm ơn!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook