126Thứ Hai, 23/05/2022, 12:43
893 · Cho Bạn Trăm Tỉ Mỹ Kim Thì Có Tốt Không

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai ngày 23/05/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 893

“CHO BẠN TRĂM TỈ MỸ KIM THÌ CÓ TỐT KHÔNG?”

Hòa Thượng hỏi: “Cho bạn trăm tỉ mỹ kim thì có tốt không?”. Người thế gian thì mong cầu danh vọng lợi dưỡng nhưng người học đạo thì thấy tiền còn làm cho mình phiền phức. Người học đạo có cuộc sống rất đơn giản, ngày cơm rau ba bữa, không có nhu cầu hưởng thụ vật chất. Chúng ta không có nhu cầu hưởng thụ vì chúng ta biết đó không phải hưởng thụ chân thật mà chỉ là những thứ thỏa mãn dục vọng, kết quả chỉ là khổ đau.

Người xưa nói: “Một tấc thời gian có thể mua được một tấc vàng nhưng một tấc vàng không thể mua được một tấc thời gian”. Cho dù chúng ta có hàng trăm tỷ mỹ kim nhưng số tiền đó không mua được mạng sống của chúng ta. Còn thời gian thì chúng ta có thể làm ra được tiền của nhưng không còn thời gian thì không làm ra được tiền của. Cho dù chúng ta có rất nhiều tiền của nhưng khi thời gian của mạng sống không còn thì không cách gì có thể mua được. Đến thời điểm này tôi mới thể hội câu này một csch sâu sắc.

Có những người đã công thành danh toại nhưng vẫn không chịu dừng lại, vẫn muốn bôn ba, vẫn muốn mạo hiểm. Một người không tu nhưng đã nói một câu khiến chúng ta phải phản tỉnh. Hai vợ chồng họ đã ở căn nhà triệu đô nhưng sau khi trả xong tiền mua căn nhà đó thì người chồng lại muốn đổi căn nhà rộng hơn, lớn hơn, nhiều tiền hơn. Người vợ nói: “Sao anh khổ quá vậy! Sao anh không dành tuổi già để hưởng phước? Nếu bây giờ anh muốn đổi căn nhà to hơn thì anh phải cày đến bao lâu nữa”. Người học trò của tôi nói: “Vợ con đã nói câu đó làm con choáng váng!”. Tôi nói: “Anh nghĩ là bấy lâu nay anh tu còn vợ anh không tu nhưng thực ra bấy lâu nay anh chỉ tu giả, chỉ tu tướng để người ta thấy thôi!”.

Cho dù tiền của nhiều đến mức nào, nhiều đến “Tam Thiên Đại Thiên Thế giới” thì cũng chỉ còn là con số không khi vận mạng của chúng ta không còn. Cho nên người xưa có câu nói rất sâu sắc: “Một tấc thời gian có thể mua được một tấc vàng nhưng một tấc vàng không thể mua được một tấc thời gian”. Khi tuổi thọ hết rồi thì cho dù chúng ta đem bao nhiêu vàng ra để đổi cũng không đổi được mạng sống. Người xưa có câu: “Thần chết đã điểm canh ba thì không thể khất đến canh tư”. Cho dù chúng ta muốn đem hết tài sản để mua một giờ sau cùng để tạm biệt người thân, sắp xếp mọi việc ở trần gian cũng không được. Vậy thì tiền của nhiều đến bao nhiêu cũng chỉ là con số không.

Chúng ta may mắn được tiếp nhận giáo huấn của Phật cho nên chúng ta hiểu được rằng mọi thứ xung quanh ta đều là giả, không phải là thật, không bền lâu. Từ đó, chúng ta không sinh tâm chấp trước, dính mắc, vướng bận. Nếu không biết thì cái gì chúng ta cũng cho là thật, chúng ta cứ chấp trước, bám víu: “Đây thật là nhà của ta! Đây thật là tiền của ta! Đây thật là con của ta! Đây thật là danh vọng địa vị của ta!...

Sáng nay tôi lạy Phật nhưng tâm không thanh tịnh. Tôi nghĩ đến những người đã học Phật, đã biết đến Phật pháp nhưng không chịu quay đầu. Họ rời bỏ ra đi để tình nguyện dấn thân vào trần thế. Tôi cảm thấy xót xa, đau lòng. Tôi lại nghĩ đến việc họ sẽ phải tiếp cận như thế nào đối với cuộc sống khi người thế gian thì tội nào cũng dám làm, ác nào cũng dám làm. Họ sẽ rất khó khăn. Chính vì việc này mà tôi động tâm.

Hòa Thượng nói: “Trong Kinh giáo, Phật thường hay nhắc đến “đề hồ quán đảnh”. “Đề hồ” là một loại sữa tốt nhất, ngon nhất mà người Ấn Độ xưa thường làm từ sữa lạc đà. “Đề hồ” là biểu thị cho đại pháp tối cao vô thượng. Đại pháp vô thượng chính là Kinh điển. “Quán đảnh” chính là thụ ký. “Đề hồ quán đảnh” chính là đem đại pháp vô thượng truyền thụ cho bạn. Bạn tiếp nhận đại pháp vô thượng, tiếp nhận giáo huấn của Phật chính là “đề hồ quán đảnh”.

Đại pháp vô thượng” chính là tất cả các Kinh Phật. Gọi là “đại pháp vô thượng” vì đây là pháp giúp chúng ta vượt thoát sinh tử, thoát khỏi luân hồi. Tiền của vật chất thế gian dù có nhiều đến mấy cũng làm cho chúng ta đau khổ, đến sau cùng vẫn là sinh tử đọa lạc.

Hòa Thượng nói: “Không khó để tiếp nhận đại pháp vô thượng. Nói một cách dễ hiểu nhất, “nghe lời và thật làm” chính là bạn đã tiếp nhận đại pháp vô thượng. Vấn đề là ở chính bạn có bằng lòng tiếp nhận hay không. Thế nào gọi là tiếp nhận? Đại sư Thanh Lương nói với chúng ta: “Tín – Giải – Hành - Chứng” chính là tiếp nhận”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook