Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật ngày 22/05/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 892
“THẾ NÀO MỚI GỌI LÀ QUÁN ĐẢNH”
Thế nào mới gọi là “quán đảnh”? Có rất nhiều người lầm lẫn việc này. Họ cho rằng ai đó xoa đầu chúng ta thì đó là quán đảnh, ai đó rảy nước vào đầu chúng ta thì đó là quán đảnh. Chúng ta hiểu như vậy là sai lầm! Chữ “quán” có nghĩa là từ bi, bảo hộ, gia trì. Chữ “đảnh” là pháp chí cao vô thượng được truyền thụ, truyền đạt cho chúng ta. “Quán đảnh” là chúng ta tiếp nhận pháp có thể giúp chúng ta thay đổi thân tâm.
Trong Phật pháp, tất cả đều là biểu pháp chứ không chỉ là hình thức suông. Chúng ta làm cho Phật pháp trở thành mê tín, khiến người ngoài nhìn vào không hiểu ý nghĩa thiết thực, không làm cho người khác cảm phục. Đáng nhẽ ý nghĩa biểu pháp của nhà Phật rất sâu sắc nhưng lại trở thành những việc làm tạo nên sự hiểu lầm của mọi người.
Hòa Thượng nói: “Khi tôi mới xuất gia học Phật, tôi gặp được Chương Gia Đại Sư. Chương Gia Đại Sư là một vị Thượng Sư của Mật Tông. Ngài không dạy tôi trì chú mà dạy tôi giáo pháp của Phật”. Chương Gia Đại Sư bảo Hòa Thượng phải dành thời gian mà học tập Kinh giáo, thông hiểu những lời giáo huấn của Phật. Đây là một sự khải thị rất sâu sắc. Người tu Mật gặp người thì cứ dạy người trì chú nhưng lại không dạy người ta phải trì chú như thế nào cho đúng như pháp. Người niệm Phật gặp người thì khuyên người niệm Phật nhưng lại không giải thích một cách cặn kẽ, thấu đáo phải niệm Phật như thế nào cho đúng như pháp,.
Thí dụ, chúng ta thúc đẩy chuẩn mực của người xưa thì chúng ta phải mở lớp học để người ta dần dần hiểu đúng và làm đúng như pháp. Nếu chúng ta cứ nói họ làm mà không hướng dẫn cụ thể thì họ không biết bắt tay từ chỗ nào. Nhà Phật chúng ta dạy người hết sức rõ ràng, tỉ mỉ. Tín là tin rồi phải hiểu, hiểu rồi phải thực hành, thực hành mới có kết quả gọi là chứng, thông qua “tín – giải – hành – chứng” rất rõ ràng. Tu hành thì phải tu như thế nào cho đúng pháp, niệm Phật thì phải niệm như thế nào đúng pháp.
Hòa Thượng dạy rất kỹ: “Trong bốn giáo dục lớn có giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, giáo dục học đường và giáo dục tôn giáo. Trong giáo dục gia đình thì mỗi người chủ gia đình phải giáo dục tốt gia đình mình. Trong giáo dục tôn giáo thì mọi người phải quay về làm tốt vai trò giáo dục tôn giáo của mình. Chúng ta phải quay về đúng vai trò giáo dục của mình”.
Người làm giáo dục gia đình thì phải làm tốt vai trò của giáo dục gia đình. Người làm giáo dục tôn giáo thì phải làm tốt vai trò của giáo dục tôn giáo. Giáo dục xã hội và giáo dục học đường thì nằm ngoài tầm tay của chúng ta. Chúng ta có thể kiểm soát được giáo dục gia đình và giáo dục tôn giáo.
Ý nghĩa của “quán đảnh” phải hiểu như thế nào đúng? Lạy Phật thì phải lạy như thế nào cho đúng? Niệm Phật thì phải niệm như thế nào cho đúng? Làm việc từ thiện lợi ích xã hội thì phải làm như thế nào cho đúng? Chúng ta rất hời hợt, mông lung. Nhiều người cũng làm nhưng làm theo ý của mình chứ không làm theo lời giáo huấn của Phật Bồ Tát, cho nên không có kết quả tốt, thậm chí kết quả ngược lại.
Trước đây, tôi thấy người ta chen chúc nhau, giành nhau để được quán đảnh. Sau khi quán đảnh thì họ còn nguyên “tham sân si”, “tự tư ích kỷ” vẫn rẫy đầy, hưởng thụ “năm dục sáu trần” còn nhiều hơn. Làm như vậy, người ta nhìn vào càng hiểu sai. Chúng ta là người niệm Phật nhưng hành nghi của chúng ta khiến người ta nhìn vào mà cảm thấy ái ngại. Người niệm Phật mà thô tháo đến thế, bất an đến thế, động loạn đến thế! Chúng ta làm cho người ta trở nên nghi ngờ, hiểu sai. Đáng nhẽ người niệm phật phải định tĩnh hơn, phải bình lặng hơn. Chúng ta làm cho người ta hiểu sai, thậm chí cho rằng Thế giới Tây Phương Cực Lạc chỉ tiếp nhận những con người như vậy, đó là nơi ô hợp vì toàn tiếp nhận những con người đầy “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, lường cân tráo đấu, lừa Thầy phản bạn, tự tư tự lợi. Vì vậy họ không muốn đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Người làm từ thiện thì suốt ngày đi kêu gọi, quyên góp, gặp ai cũng xin xỏ. Có người nói với tôi rằng họ rất ngại, gần như không muốn gặp vì mỗi lần gặp mặt thì người ta lại kêu gọi quyên góp vài tấn gạo, vài trăm thùng mỳ. Người ta còn có chiêu bài tổ chức một cuộc hội họp, có người đứng lên quyên góp. Người này nói rằng họ phát tâm 10 triệu, người kia nói rằng họ phát tâm 20 triệu. Thế là mọi người tham gia đành phải đóng góp 3 triệu, 5 triệu, 10 triệu trong khi đó là tiền sử dụng, tiền sinh hoạt của gia đình họ trong mấy tháng trời.