253Thứ Năm, 19/05/2022, 12:56
889 · Cho Rằng Bỏ Tiền Ra Thì Tội Có Thể Tiêu

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 19/05/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 889

“CHO RẰNG BỎ TIỀN RA THÌ TỘI CÓ THỂ TIÊU”

Hòa Thượng nói: “Có rất nhiều người nghĩ bỏ tiền ra làm một chút việc phước thiện, làm chút việc phóng sanh thì sẽ tiêu được tội. Đâu có đơn giản như vậy! Nếu đơn giản như vậy thì người có tiền sẽ không có tội, còn người nghèo phải luôn mang tội. Không thể có chuyện như vậy! Tội từ tâm khởi thì phải do tâm sám, tâm sám rồi thì tội mới bằng không”.

Nguồn gốc của tội là ở nơi tâm, nguồn gốc công đức cũng ở nội tâm. Nhà Phật nói: “Nhất thiết duy tâm tạo”, tất cả do nội tâm tạo ra. Hàng ngày chúng ta vui, buồn, giận hờn, thương ghét đều ở nơi nội tâm, vậy thì chúng ta phải từ nơi nội tâm của mình mà sám hối. Sám hối không phải là lễ bái, cầu xin mà là thay đổi làm mới. Rất nhiều người làm việc lỗi lầm rồi mang tất cả sám pháp của nhà Phật ra sám hối, nhưng sám hối xong lại tiếp tục tạo tội, làm những việc sai lầm. Đó không phải là sám hối!

Sám hối là “sám kỳ tiền khiên, hối kỳ hậu quá”, có nghĩa là hết lòng ăn năn những lỗi lầm mình đã làm và về sau nhất định không tái phạm nữa. Đó mới gọi là sám hối. Nếu thấy có lỗi thì sám hối, sau đó lại tiếp tục phạm lỗi thì không phải là sám hối. Có người quan niệm rằng mình có lỗi thì mình đứng trước Phật sám hối là xong. Có người cho rằng họ tham gia những buổi sám hối, lạy Phật do nhà chùa tổ chức thì sẽ sám hối được nhiều tội. Có chùa một tháng tổ chức hai buổi sám hối, lạy 108 lạy. Đó là hình thức. Hình thức dẫn khởi nội tâm của chúng ta, chúng ta phải từ nơi hình thức đó để dẫn khởi nội tâm của chính mình, còn nếu chỉ làm ở nơi hình thức thì không có kết quả.

Công và tội rất rõ ràng. Chúng ta làm việc tốt thì việc tốt kết thành phước báu, chúng ta tạo tội thì tội kết nghiệp báo. Nhân quả không hề mảy may sót lọt một chút nào. Nhà Phật nói: “Nhân nào quả đó”. Chúng ta làm việc thiện thì phước báu tích tụ y nguyên đó, chúng ta làm việc ác thì nghiệp báo cũng tích tự y nguyên đó. Chúng ta đừng bao giờ có ý niệm rằng “làm công chuộc tội” hay “đới công chuộc tội”, mang công chuộc tội vì nhân quả không như vậy. Nếu chúng ta tích cực làm việc thiện thì nghiệp có thể được nhẹ một chút do nội tâm chúng ta đã được chuyển hóa trong quá trình chúng ta tích cực làm việc thiện, tuy nhiên chúng ta không thể tiêu sạch nghiệp. Ta tạo phước, ta tạo tội, duyên nào đến trước thì ta phải gánh lấy. Nếu duyên ác đến trước thì ta phải nhận quả ác, nếu duyên thiện đến trước thì ta nhận phước báu. Ta nhận phước báu rồi nhưng quả ác của tội kia vẫn đến.

Rất nhiều những vị Tổ Sư Đại Đức có những bệnh vô cùng đau khổ, đến mức người ngoài nhìn thấy mà còn không thể chịu nổi. Vị Cư sĩ là Thầy của Ngài Huyền Trang bị bệnh khổ, khi người sau nhắc lại còn rớm nước mắt, không thể tưởng tượng được tại sao Thầy lại bị bệnh nặng đến như vậy. Đó là nghiệp quả do nhiều đời trước làm Quốc Vương tạo tội nghiệp kết thành. Ngài nói: “Tội nặng nhưng báo nhẹ”. Trong những kiếp quá khứ, Ngài đã tạo rất nhiều tội lỗi nhưng nghiệp báo đời này vẫn còn nhẹ, chưa phải là nặng.

Chúng ta phải biết rõ: Công tội phân minh, không phải là bỏ ra nhiều tiền để làm nhiều pháp sự sám hối thì hết tội. Chúng ta làm việc tốt thì phước đó vẫn có, khi nào duyên đủ chúng ta sẽ được hưởng. Tội mà chúng ta đã tạo thì khi duyên đến chúng ta vẫn phải nhận quả báo.

Nhà Phật nói: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Bồ Tát trước khi làm bất cứ việc gì đều quán sát cẩn trọng xem mình có đang gieo nhân ác hay không. Nếu việc đó là gieo nhân ác, sẽ kết thành quả ác thì các Ngài tuyệt đối không làm. Nếu việc đó là gieo nhân thiện thì các Ngài tích cực làm.

Chúng sanh chúng ta lúc tạo nhân thì tùy tiện, nhưng lúc gặp quả báo thì khiếp sợ, đi cầu Thần, khấn Phật, van xin mong thoát tội. Dù chúng ta cầu Thần khấn Phật thì các Ngài cũng không can thiệp được vào nhân quả của chúng sinh. Gieo nhân nào thì gặt quả đó. Chúng ta trồng ngô được ngô, trồng dưa hấu được dưa hấu, không có việc trồng hạt ngô mà muốn nhận quả dưa hấu. Chúng ta đến xin Phật để các cây ngô kết thành quả dưa hấu nhưng Đức Phật cũng không làm được vì Phật không làm sai nhân quả.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook