215Thứ Năm, 19/05/2022, 12:56
888 · Bàn Về Hai Chữ Chân Thành

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư, ngày 18/05/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 888

“BÀN VỀ HAI CHỮ CHÂN THÀNH”

Hòa Thượng nói: “Cả đời tôi là một mảng chân thành”. Chúng ta thấy hành trình hóa độ chúng sanh cả một đời của Ngài chân thật đúng như Ngài đã nói. Cả một đời Ngài là một mảng chân thành. Chúng ta là người học Phật, chúng ta học và làm theo Hòa Thượng, chúng ta phải kiểm soát ngay xem khởi tâm động niệm, việc làm của chúng ta là vì người, hay vì “ta”, vì “cái của ta”. Trong Tứ Thánh Quả của Tiểu Thừa, người muốn đạt được Sơ Quả thì phải vô ngã, không còn thấy “ta” nữa, không còn thấy “ta” thì không còn thấy “cái của ta”.

Tôi thấy mọi người làm việc gì cũng dính vào “cái ta” cho nên rất nặng nề, rất khổ. Quan trọng là chúng ta mang một mảng chân thành, tận tâm tận lực vì người mà phục vụ, vì người mà làm việc. Việc tốt thành công hay không còn do nhiều yếu tố, địa phương nơi đó, người ở địa phương đó có phước hay không. Quan trọng nhất là chúng ta phải dùng một mảng tâm chân thành để làm việc. Tôi đã đi rất nhiều nơi, tiếp xúc rất nhiều người, tôi thấy nhiều người chỉ làm việc cho dễ coi chứ không dùng một mảng tâm chân thành, không toàn tâm toàn ý để làm, khi nói ra và khi làm việc luôn bị dính mắc vào “ta” và “cái của ta”. Nếu chúng ta không nhận ra thì đây là một sự oan uổng bởi vì hết kiếp này không thể về Cực Lạc nhưng chắc chắn ba đường ác sẽ có phần.

Hòa Thượng nói: “Cây to thì vẫn có những con vật đến ăn như sâu mọt, nhà to thì vẫn có con gián, con chuột”. Ý của Ngài là chúng ta sẽ làm gián, làm chuột, làm sâu trùng chính vì do sự chấp trước vào “ta” và “cái của ta”. Những tập khí này đã đi theo chúng ta từ nhiều đời nhiều kiếp, đã trở thành tập khí sâu nặng, không thể một sớm một chiều mà bỏ được. Có người tu hành cả một đời nhưng vẫn không bỏ được.

Nhà Phật nhắc nhở chúng ta phải buông xả, buông xả tất cả thân tâm thế giới. “Buông xả” không có nghĩa là không biết gì, không làm gì. “Buông xả” là ta làm tốt tất cả mọi việc nhưng trong tâm không lưu lại bất cứ một hình ảnh nào. Nếu chúng ta làm rất nhiều việc mà lưu lại tất cả những việc đó trong tâm thì chúng ta tự hại chết mình rồi! Tu hành như vậy coi như đã uổng công một đời ăn chay niệm Phật, làm việc thiện nhưng không có kết quả tốt đẹp.

Chúng ta đừng tưởng niệm Phật, ăn chay, làm việc thiện thì không đọa vào địa ngục, súc sanh. Hòa Thượng nói: “Người niệm Phật vẫn có thể bị đọa vào súc sanh làm con bạch tượng cho vua cưỡi, trên thân đeo đầy vàng bạc châu báu, hoặc làm những loài chim quý hiếm được người ta trân trọng, yêu quý, phục vụ nhưng vẫn là loài súc sanh hưởng phước”. Chúng ta phải hết sức cảnh giác! Thật ra chúng ta biết điều này nhưng lại rất mau quên. Ý niệm trước có thể đã buông xả rồi nhưng ý niệm sau lại chấp trước, thậm chí chấp trước còn nặng hơn. Có nhiều người tưởng rằng mình đã buông xả rồi nhưng hôm qua vừa buông xả thì hôm nay lại dính mắc nhiều hơn. Có người tưởng rằng mình đã phát tâm dũng mãnh rồi nhưng thật ra đó là phát tâm của ý niệm trước, ý niệm sau đã là chấp trước rồi chứ chưa cần đợi đến ngày hôm sau. Người học Phật phải luôn luôn phản tỉnh!

Tập khí xấu ác đã ở trong ta từ rất lâu, không ai dạy nhưng chúng ta tự có tập khí xấu ác, thậm chí không ai dẫn khởi mà tập khí xấu tự dẫn khởi. Đức năng ở trong tự tánh của chúng ta nếu không có sự dẫn khởi một cách mạnh mẽ thì không thể ứng khởi vì từ rất lâu rồi nó đã bị nhấn chìm rất sâu. Hôm nay có thể chúng ta siêng năng nhưng siêng năng chỉ là tạm thời, còn lười biếng là cố hữu. Nếu ngày hôm sau chúng ta không đề khởi sự siêng năng, phấn chấn thì sự lười biếng sẽ làm chủ, lôi kéo chúng ta.

Học Phật thì phải giác ngộ, phải giác ngộ đến khi chúng ta toàn giác. Bây giờ chúng ta đang vừa mê vừa giác, mê và giác đan xen lẫn nhau nhưng mê nhiều hơn giác. Thí dụ chúng ta đang ngồi niệm Phật, miệng thì niệm Phật nhưng tâm chúng ta lại đang chiếu phim 3D.

Tổ Ấn Quang dạy: “Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm”. Tâm chúng ta khi đạt đến chân thành tột độ thì tự chuyển được tâm phàm phu của mình. Sự thù thắng nhất là chúng ta không những có thể chuyển được người xung quanh chúng ta mà còn chuyển được cả hoàn cảnh. Nhà Phật từ lâu đã nói: “Y báo tùy theo chánh báo chuyển.Chánh báo” là nội tâm của chúng ta, “y báo” là hoàn cảnh xung quanh chúng ta. Chúng ta muốn chuyển hoàn cảnh xung quanh thì trước tiên phải chuyển từ chính nội tâm của mình. Chúng ta muốn chinh phục người, khuất phục người, đây là ý niệm sai lầm. Khi chúng ta hoàn toàn chuyển thì người xung quanh chúng ta sẽ chuyển. Chúng ta phải thật làm trong mọi việc, trong tu hành, trong đối nhân xử thế tiếp vật đều phải là một mảng chân thành, thật làm, không có một chút ý niệm “tự tư tự lợi”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook