164Thứ Sáu, 20/05/2022, 16:54
890 · Ý Nghĩa Của Việc Khai Quang

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 20/05/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 890

“Ý NGHĨA CỦA VIỆC KHAI QUANG”

Chúng ta thường nghe nói đến “khai quang điểm nhãn” nhưng đa phần chúng ta hiểu sai ý nghĩa của việc này. Mỗi lần thỉnh thần tượng mới về, chúng ta thường nghĩ rằng phải thực hiện nghi thức khai quang thì thần tượng đó mới linh. Tượng của các vị Phật, tượng của các vị Bồ Tát, tượng của các vị Thần, tượng của các vị đạo cao đức trọng đều được gọi chung là “Thần tượng”. Trong quá trình giảng dạy, Hòa Thượng đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại việc này nhưng Ngài thấy việc này vẫn tồn tại, thậm chí người ta ngộ nhận ngày càng nghiêm trọng hơn.

Chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa chân thật của của việc khai quang. Khai quang không phải là một ai đó đến điểm nhãn, đến vảy nước vào thần tượng thì thần tượng đó sẽ linh nghiệm. Hình tượng của Phật Bồ Tát đều là khải thị cho tính đức của chúng ta. Tượng Phật thì khải thị cho tánh đức. Tánh đức là Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi. Tượng Bồ Tát thì khải thị cho tu đức, công hạnh hành trì, những việc làm của một vị Bồ Tát.

Ta quán sát xem trong một ngày từ sáng đến chiều ta trở về với tính đức được bao nhiêu phần trăm. Thí dụ: Một ngày ta bình đẳng được bao nhiêu phần trăm hay chỉ là sự bất bình? Một ngày ta trở về với tâm thanh tịnh được bao nhiêu hay chỉ là sự ô nhiễm, gặp việc này cảm thấy phiền, gặp việc kia cảm thấy đau lòng, gặp việc nọ sinh ra đắm chấp, ô nhiễm? Từ sáng đến chiều ta đề khởi tâm từ bi được bao nhiêu phần trăm? Phật đề khởi được 100%. Bồ Tát đề khởi được 90%. Các vị Thanh Văn đề khởi được 70 % - 80%. Các bậc tu hành thì đạt hơn 50% trong nội tâm. Phàm phu tầm thường như chúng ta thì tâm từ bi chiếm được bao nhiêu phần trăm trong nội tâm? Đó là sự quán chiếu.

Phật Bồ Tát trong suốt 24 giờ sống trong tâm đại từ bi. Các Ngài được mệnh danh là “vô duyên đại từ”, lòng từ không có nguyên nhân. Phật Bồ Tát từ bi vô điều kiện, không phải vì người đó là học trò, là đệ tử Phật thì các Ngài mới từ bi. Hình tượng Phật Bồ Tát là sự khải thị để đề khởi tự tánh của chúng ta. Hình tượng Phật Bồ Tát không phải là để thờ cúng mong được ban phước, được che chở. Dĩ nhiên của ta phải biết rằng thần tượng của các vị Phật Bồ Tát và các bậc tu hành chân chính có một uy đức mà tà ma quỷ quái không dám đến gần.

Hôm trước tôi đi viếng Bác Hồ tại quảng trường ở thành phố Vinh, các vị Lãnh đạo nói rằng từ ngày xây dựng quảng trường, đặt tượng Bác ở quảng trường thì thời tiết nơi đó thường mưa thuận gió hòa. Bác Hồ là một người có công đức phước báu cho nên tự khắc làm cho hoàn cảnh nơi đó tốt đẹp. Người xưa nói: “Người phước ở đất phước”. Cho dù đất đó không có phước nhưng khi người phước đến thì đất đó cũng sẽ tự sinh phước, dù người đó không còn sống nhưng chúng ta đặt tượng của người đó thì mảnh đất nơi đó, môi trường nơi đó cũng sẽ tốt đẹp.

Chúng ta thờ thần tượng thì phải hiểu rõ ý nghĩa việc thờ thần tượng! Nếu một thần tượng phải có người vẩy nước vào mới linh thì thần tượng đó còn thua người vẩy nước. Vậy thì chúng ta thờ người vẩy nước đó còn tốt hơn thờ thần tượng vì người vẩy nước đó còn uy đức hơn thần tượng mà chúng ta thờ.

Chúng ta phải hiểu rõ, mục đích chúng ta thờ một thần tượng nào đó là để hàng ngày đánh thức mình, nhắc nhở mình. Thí dụ, trước bàn làm việc của tôi, tôi treo hình tượng của Hòa Thượng Hải Hiền để hàng ngày học theo Ngài. Suốt cả một đời, Ngài sống chân chất, giản dị, toàn tâm toàn lực hết mình vì chúng sanh phụng hiến. Đồng thời, hình tượng của Ngài nhắc nhở chúng ta rằng cho dù hàng ngày chúng ta làm nhiều việc, dù bận rộn đến đâu thì chí nguyện vãng sanh không được phai mờ! Chúng ta không nề hà khó khăn, làm tất cả mọi việc, vì người khác mà làm, dù luôn bận rộn nhưng chí nguyện vượt thoát sinh tử của chúng ta không phai mờ. Đó mới là ý nghĩa của việc thờ thần tượng, trưng bày thần tượng.

Chúng ta thờ một vị nào đó thì có thể học được nhiều điều từ vị đó chứ không chỉ học một điều. Thí dụ nếu chúng ta chỉ học theo cách niệm Phật cầu vãng sanh của Hòa Thượng Hải Hiền thì chưa đủ. Chúng ta phải xem cả một đời Ngài đã hi sinh phụng hiến như thế nào. Từ nhỏ Ngài đã trải qua biết bao nhiêu gian khổ, làm ra nhiều biểu pháp cho chúng sanh. Đó chính là quãng thời gian Ngài đã tích công bồi đức.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook