Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba ngày 17/05/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 887
“CẦN PHẢI CHÚ TRỌNG ĐẾN GIÁO DỤC CHUẨN MỰC LÀM NGƯỜI”
Giáo dục của Phật, giáo dục của Thánh Hiền từ ngàn xưa đều chú trọng đến giáo dục chuẩn mực làm người. Vì sao vậy? Chúng ta là con người thì cần phải có sự tiếp nối để làm người. Nhưng vấn đề quan trọng này đã dần bị xem thường. Thánh Hiền xưa nói: “Nhân khí thường tắc yêu hưng”. Khi con người xem thường và bỏ đi thường đạo thì yêu ma quỷ quái sẽ dần lấn chiếm. Yêu ma quỷ quái là đại nghịch bất đạo, lừa Thầy phản bạn, sống vô cảm với mọi hoàn cảnh xung quanh. Thường đạo là những chuẩn mực để làm người: Làm con phải biết hiếu thảo với Cha Mẹ, làm học trò phải biết kính trọng Thầy Cô, làm một công dân phải biết kính trọng, trung thành với Tổ quốc, một nhân viên của công ty thì phải biết hết lòng vì sự phát triển của công ty.
Ngày nay, giáo dục chuẩn mực không được xem trọng, đặc biệt là giáo dục từ ban đầu. Chúng ta không gieo nhân tốt, khi gặp quả thì trách tại sao quả của mình không tốt. Chúng ta muốn có được quả tốt thì phải gieo nhân tốt. Nếu chúng ta không gieo nhân tốt mà muốn gặp quả tốt thì đó là hoang đường. Việc chú trọng giáo dục chuẩn mực là việc của người lớn, là việc của những bậc làm Cha Mẹ, là việc của những người làm Thầy Cô giáo.
Theo giáo dục của người xưa, Thầy Cô dạy con phải hiếu thảo với Cha Mẹ, Cha Mẹ dạy con phải kính trọng Thầy Cô. Cha Mẹ ngày xưa không chỉ dạy con bằng khẩu giáo mà còn dạy con bằng thân giáo, nghĩa là làm ra biểu pháp, làm ra chuẩn mực để con nhìn thấy mà làm theo. Thầy Cô cũng không chỉ dạy học trò bằng khẩu giáo mà còn dạy học trò bằng thân giáo. Chúng ta tưởng việc này đơn giản cho nên lơ là, không xem trọng việc giáo dục con cái. Khi có những kết quả không như mong muốn, chúng ta chạy đi tìm cầu thì đã muộn vì khi đó các con đã trôi qua giai đoạn vàng, giai đoạn cần phải được giáo dục một cách tỉ mỉ.
Tôi quan sát lại thì thấy chính bản thân tôi cũng vậy. Tôi sinh ra trong một gia đình bần cố nông. Cha Mẹ lúc nào cũng lam lũ, vất vả, không có thời gian quan tâm con cái. Các con lớn lên theo một cách tự nhiên, không được uốn nắn. Từ 3 giờ sáng, Ba tôi đã phải ra đồng làm việc đến 7- 8 giờ tối mới về đến nhà. Khi Ba về nhà, nếu nghe Mẹ nói hôm nay chúng tôi học không tốt thì dù chúng tôi đã đi ngủ rồi cũng bị Ba gọi dậy đánh cho một trận. Đôi khi tôi bị đánh mà không biết tại sao bị đánh, tôi chỉ nhớ mang máng là hôm nay mình đã trốn học hoặc hôm nay mình học không tốt. Cha Mẹ không có phương pháp giáo dục nên không giáo dục được con cái.
Hôm nay tôi muốn cùng mọi người bàn về vấn đề cần phải xem trọng giáo dục chuẩn mực làm người. Chuẩn mực làm người không phải là vấn đề lớn lao mà là vấn đề rất bình thường, rất đời thường nhưng trẻ nhỏ không làm được, thậm chí người lớn cũng chưa làm được. Thí dụ, câu đầu tiên trong “Đệ Tử Quy” nói:
“Cha Mẹ gọi, trả lời ngay,
Cha Mẹ bảo, chớ làm biếng,
Cha Mẹ trách, phải thừa nhận”.
Ở tuổi vị thành niên mà ta không biết làm những điều này thì khi lớn lên thành niên ta sẽ làm những việc gì? Có những người trưởng thành, đã làm ông chủ nhưng chúng ta xem kỹ thì thấy họ kém khuyết tư cách, chuẩn mực để làm một người hoàn thiện. Đó là vì họ không được giáo dục chuẩn mực làm người ở giai đoạn đầu.
Mỗi gia đình phải xem lại, cần quan tâm hơn đến giáo dục chuẩn mực làm người. Chúng ta đừng bắt chước theo xu hướng hiện đại, chỉ quan tâm cho các con học ngoại ngữ, đàn ca sáo nhị. Nếu chúng ta nói học ngoại ngữ, học đàn ca sáo nhị không cần thiết thì chúng ta lại đi ngược lại với xu hướng hiện đại cho nên chúng ta có thể nói là những việc này không mấy cần thiết. Thánh Hiền xưa không chú trọng học đàn ca sáo nhị nhưng các Ngài vẫn là quân tử, là Thánh nhân, Hiền nhân. Ngày nay, trẻ nhỏ càng có nhiều kỹ năng thì càng cống cao ngã mạn, càng tự tư tự lợi. Nếu chúng ta dạy trẻ nhỏ cống cao ngã mạn, tự tư tự lợi thì chúng sẽ trở thành cái gì? Người phải trực tiếp gánh lấy trách nhiệm nhân quả này chính là Cha Mẹ, Ông Bà.
Có người nói với tôi rằng con của họ bất trị, khó dạy, không nghe lời, phản nghịch. Tôi nói: “Chưa hết đâu, đây mới chỉ là bắt đầu! Nó sẽ còn diễn ra rất rất nhiều trò để các vị phải thu dọn tàn cuộc. Các vị cứ từ từ mà cảm nhận!”. Chúng ta thấm đẫm sâu sắc lời Phật dạy trong “Kinh Vô Lượng Thọ”: “Tiên nhân bất giáo, vô thù quá tha”. Người trước không dạy thì đừng trách người sau. “Người trước”chính là Cha Mẹ, Ông Bà, Thầy Cô. Câu nói này của Phật nhắc chúng ta phải chú trọng, xem trọng giáo dục chuẩn mực làm người.