409Thứ Hai, 16/05/2022, 13:28
886 · Danh Hiệu Của Chư Phật Bồ Tát Đều Là Vì Tiếp Độ Chúng Sanh

Kính thưa Thầy và các Quý vị đồng học!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai ngày 16/05/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 886

“DANH HIỆU CỦA CHƯ PHẬT BỒ TÁT ĐỀU LÀ VÌ TIẾP ĐỘ CHÚNG SANH”

  Danh hiệu của Chư Phật Bồ Tát đều là vì tiếp độ chúng sanh có nghĩa là tên của danh hiệu Phật và Bồ Tát đều là biểu pháp để nhắc nhở chúng sanh, ta chứ không phải là đặt tên cho đẹp. Thí dụ “Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát”: “Đại Bi” là lòng yêu thương vô cùng rộng lớn không bờ mé, “Quán” là lắng nghe, “Thế” là thế gian, “Âm” là âm thanh, lắng nghe nỗi khổ đau của chúng sanh mà cứu giúp. “Quán” không phải là nghe bằng lỗ tai mà nghe bằng tánh nghe của mình thì sự nghe đó mới thấu suốt. Nếu nghe bằng lỗ tai bình thường thì qua bức tường chúng ta không thể nghe được nữa. Nghe bằng tánh nghe thì chúng ta biết được hiện tại chúng sanh đang đau khổ, chúng sanh đang cần đến chúng ta. Thí dụ chúng sanh hiện nay vật chất thì tương đối đầy đủ nhưng kém khuyết về tư cách đạo đức, chuẩn mực làm người. Vì vậy chúng ta dùng tâm đại bi của mình, từ trong tâm đại bi đó xuất ra vô số phương tiện khéo léo nhất, phù hợp nhất để tiếp dẫn chúng sanh.

Khi chúng ta được sinh ra đời, Cha Mẹ có định đặt cho chúng ta một sứ mạng không? Khi chúng ta sinh con ra, chúng ta có gửi gắm cho con một sứ mạng khônghHay chúng ta chỉ đặt một cái tên mà mình cảm thấy vừa lòng? Có người đặt tên con là Thiên Nga, có người đặt tên là Ruby, những cái tên nghe rất nổi so với thời thượng nhưng không đặt tên mang ý nghĩa sứ mạng. Có người đặt tên con là “Thành Đạt”, không gửi gắm ý nghĩa lập công, lập đức vang danh thiên hạ mà mong muốn giàu sang hơn người. Cha Mẹ đặt tên cho con nên chọn tên có ý nghĩa để gửi gắm thông điệp, nhắc nhở con cần phải mang một sứ mệnh khi đến thế gian này. Không nhất định phải là sứ mệnh lớn lao nhưng chí ít cũng có một sứ mệnh.

Thí dụ tôi đặt tên cho những đứa nhỏ con của các học trò là Hiếu Ân, Hiếu An, hay Vĩnh Tín… “Vĩnh Tín” có nghĩa là mãi mãi là người giữ chữ tín, không là người thất tín, không là người vong ơn bội nghĩa. Hiện tại rất nhiều người thế gian là kẻ vong ơn bội nghĩa. Cuộc đời chúng ta mang rất nhiều ơn nặng: Ơn Cha Mẹ, ơn Thầy Tổ, ơn rất nhiều người đã thành toàn cho cuộc sống của chúng ta. Có những người khi đạt được một chút vinh hiển thì quên hết những ơn đức mà mình đã được thừa hưởng.

Hòa Thượng nói: “Tên của chúng ta thì đa phần do Cha Mẹ định đặt nhưng đều định đặt theo sở thích hoặc chỉ là những tham vọng chứ không phải là ước vọng, không định đặt cho con một sứ mệnh. Còn tên của Chư Phật Bồ Tát là từ ở nơi yêu cầu giáo hóa chúng sanh mà đặt. Thí dụ tên Ngài Địa Tạng Vượng Bồ Tát, “Địa” là đất, “Tạng” là dung chứa”. Danh hiệu của các vị Phật Bồ Tát chính là tông chỉ giáo học của các Ngài, cũng chính là khẩu hiệu giáo học của các Ngài.

Tên của Phật Bồ Tát có ý nghĩa vô cùng sâu sắc và sứ mệnh lớn lao. Đất dung chứa, chở che hết tất cả mọi sự, mọi vật từ thanh tịnh đến nhiễm ô nhất. Đất mang một tấm lòng đại từ, đại bi. Chúng ta thấy hạnh nguyện của các vị Bồ Tát, Bồ Tát Quán Thế Âm là một vị cổ Phật nhưng Ngài vẫn là một vị Bồ Tát. Bồ Tát Địa Tạng là một vị cổ Phật nhưng Ngài vẫn là một vị Bồ Tát, Ngài đã phát nguyện: “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật. Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ Đề”. Địa ngục chưa trống không, tôi thệ không thành Phật. Chúng sanh độ hết rồi, tôi mới chứng quả Bồ Đề.

Chúng ta thấy tâm nguyện đại từ đại bi của Bồ Tát, của Chư Phật là như vậy. Bao giờ thì địa ngục không còn chúng sanh và đến bao giờ thì Ngài mới độ tận chúng sanh? Không bao giờ! Vì chúng sanh vô lượng vô biên ngày ngày đang tạo vô lượng vô biên tội nghiệp. Nhưng các Ngài không bao giờ mệt mỏi. Đây mới đáng được tôn xưng là “giáo nhân bất quyện”, dạy người không biết mệt mỏi. Có những người chưa đủ tư cách nhưng đã được học trò nịnh là “giáo nhân bất quyện”. Chư Phật Bồ Tát, Thánh Hiền độ chúng sanh không biết mệt mỏi mới đáng được xung tán như vậy. Chúng ta dạy người lấy tiền, dạy người vẫn cảm thấy mệt mỏi, chán nản thì chưa đáng được xưng tán là “giáo nhân bất quyện”. Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Địa Tạng mới là danh xứng với thực, các Ngài mới xứng đáng được xưng tán là “giáo nhân bất quyện”. dạy người không biết mệt mỏi. Chúng ta mới làm chút việc tốt, vừa gặp một chút chướng ngại, một chút khổ đau, một chút gian khổ thì đã than khở, kêu la.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook