154Chủ Nhật, 15/05/2022, 14:23
885 · Tất Cả Bài Trí Trong Phật Pháp Đều Là Gợi Mở Tự Tánh

Kính thưa Thầy và các Quý vị đồng học!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ Nhật ngày 15/05/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 885

“TẤT CẢ BÀI TRÍ TRONG PHẬT PHÁP ĐỀU LÀ GỢI MỞ TỰ TÁNH”

  Tất cả bài trí trong Phật pháp là gợi mở hay nhắc nhở khơi dậy tự tánh của chúng ta chứ không phải bài trí ở đó để chúng ta cầu cúng, van xin. Điều này từ rất lâu và có rất nhiều người đã ngộ nhận nhưng không có người giải thích, chúng ta phải giải thích tường tận mới đúng tinh thần của nhà Phật. Tinh thần của nhà Phật là: “Phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui”, chứ không phải bài trí ra để làm người ta mê thêm. Hòa Thượng đã giải thích tường tận, rõ ràng cho chúng ta. Thích Ca Mâu Ni Phật ngồi trên một đóa hoa sen hay một vị Bồ Tát cầm một thanh kiếm tất cả đều là biểu pháp gợi ý cho chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Tất cả bài trí trong Phật pháp đều là công cụ giáo học, thí dụ như Phật dùng hoa sen để biểu pháp”. Giáo học là giáo dục và học tập. Trong trường mầm non chúng ta cũng có những củ cà rốt, trái bí đao, bí ngô bằng gỗ, bằng đất sét là công cụ dạy học. Hoa sen mọc ra từ nơi bùn dơ, khi vượt ra khỏi mặt nước thì nở hoa có hương thơm tinh khiết, không trộn lẫn một chút mùi bùn. Đó là đó là một sự khải thị nhắc nhở chúng ta rằng ở trong ô nhiễm mà không bị ô nhiễm. Còn chúng ta ở trong ô nhiễm thì liền bị ô nhiễm, gần tài dính tài, gần sắc dính sắc, gần danh dính danh, gần ăn dính ăn, gần ngủ dính ngủ. Bùn nhơ là chỉ cho thế gian lục phàm. Ba đường ác là “Địa ngục”, “Ngạ quỷ”, “Súc sanh”; ba đường thiện là “Trời”, “Người”, “A-tu-la”. Ba đường thiện này cũng chỉ là tạm thời an ổn, có thể cũng bị đọa lạc về sau nên nhà Phật không khuyến khích chúng ta sanh vào cõi trời.

Nước ở phía trên bùn là chỉ cho pháp giới Tứ Thánh, là Sơ Quả Tu Đà Hoàn, Nhị Quả Tư-Đà-Hàm, Tam Quả A-Na-Hàm và Tứ Quả A-La-Hán. Phật cũng không khuyến khích người tu hành chứng quả một trong bốn quả vị Tứ Thánh vì quả vị đó cũng chỉ là “độc thị kỳ thân”. Người tu được quả vị đó họ chỉ muốn sự an lạc của bản thân. Họ vào niết bàn tịch tĩnh của họ nhưng họ không có ý để độ sanh, cho nên Phật cũng không muốn chúng ta ở trong sự an ổn, tịch tĩnh đó.

Tinh thần của người học Phật, nhất là Phật Pháp Đại Thừa là phải “xả mình vì người”, không cầu an ổn cho bản thân, phải lăn xả vào để tiếp độ chúng sanh. Nếu chúng ta có thái độ an hưởng, hôm nay trường của mình có được từng này cháu là tốt rồi không muốn hơn nữa vậy thì tâm của chúng ta đã bị thui chột. Chúng ta đã phát nguyện với Phật: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, thì không phải chỉ độ chừng đó chúng sanh là đủ. Còn rất nhiều chúng sanh chưa có cơ hội tiếp cận với Phật pháp, với đạo đức Thánh Hiền. Tinh thần của Đại Thừa là không ngừng hoàn thiện mình, không ngừng tiếp độ chúng sanh. Chúng ta cầu sự an ổn cho chính mình cũng không phải là tinh thần của người học Phật. Bồ Tát thì xả mình vì người. Hòa Thượng nói: “Không vì chính mình cầu an lạc, chỉ nguyện chúng sanh được lìa khổ”. Đó là tinh thần của Đại Bồ Tát, đó mới đúng là tinh thần của người học Phật Pháp Đại Thừa.

Chúng ta thường có ý nghĩ “Thôi mình tu hành như thế này tốt rồi, mọi việc, mọi người xung quanh mình tốt rồi!”. Chúng ta không muốn thay đổi, không muốn gặp khó khăn. Chúng ta đừng bao giờ có tinh thần đó. Chúng sanh vô lượng vô biên, chúng sanh đến thì chúng ta phải sẵn sàng tiếp nhận. Chúng ta sợ không đủ sức, không có người làm, vậy thì sai rồi. Nếu chúng ta tiếp độ chúng sanh với tâm vô tư vô cầu, thì Phật biết lúc nào phải cử Bồ Tát đến. Hòa Thượng nói: “Bạn chân thật vì chúng sanh thì Phật sẽ cử Bồ Tát đến làm việc vào thời điểm phù hợp!”. Bồ Tát đến làm việc thì còn gì bằng! Chỉ cần chúng ta thay Phật tiếp độ, tiếp dẫn chúng sanh, nếu chúng ta không đủ sức thì Phật sẽ cử Bồ Tát đến.

Nếu đạt được quả vị chứng Thánh cũng không còn sinh tử luân hồi nhưng Phật cũng không muốn chúng ta ở yên trong quả vị đó. Trong “Kinh Pháp Hoa”, Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Vì chúng sanh không tiếp nhận được pháp Nhất thừa cho nên ta đành phải nói pháp Nhị Thừa và Tam Thừa”. Nhất Thừa là quả vị Phật phát tâm rộng lớn để thành Phật để rộng độ chúng sanh. Nếu chúng sanh tiếp nhận được pháp nhất thừa thì Phật chỉ nói pháp nhất thừa. Nhưng chúng sanh nhỏ hẹp, yếu hèn thường nghĩ: “Làm sao mình làm Phật được, làm Bồ Tát được rồi” hay “Thôi, gánh vác việc đó lớn lắm, ta không làm được đâu, làm việc nhỏ thôi!”. Chúng ta quên rằng Ngài Lục Tổ Huệ Năng đã nói: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn đầy đủ, nào ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”. Tự tánh không thể năng sanh được vì chúng ta tự tư ích kỷ, bổn xỉn chỉ lo cho mình. Nếu chúng ta thật sự chân thật phát tâm vì chúng sanh thì Phật sẽ cử Bồ Tát đến, còn năng lực thì tự tánh sẽ tự lưu lộ.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook