Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy ngày 14/05/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 884
“NẾU BẠN HỒI PHỤC ĐƯỢC VÔ LƯỢNG GIÁC
THÌ BẠN CHÍNH LÀ A DI ĐÀ PHẬT”
Tự tánh của chúng ta đều là “vô lượng giác”. Nếu chúng ta quay về được với tự tánh thì chúng ta chính là A Di Đà. Hàng ngày chúng ta mê muội, mê hoặc chìm đắm ở trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước cho nên càng lúc càng rời xa với tự tánh của chính mình. Nếu quay về được với tự tánh thì ta chính là Phật, xa rời với tự tánh thì chúng ta là chúng sanh là phàm phu mê muội, càng xa thì mê càng sâu.
Hàng ngày chúng ta sống ở trong sự “bất giác” chứ không sống trong sự “tỉnh giác”, chìm đắm trong sự mê muội gần như mất kiểm soát. Kiểm soát được thì chính là người giác ngộ, còn không kiểm soát được chính là người mê muội. Mọi người thức dậy vào buổi sáng rất khó khăn. Hôm nào thứ Bảy, Chủ nhật thì số người tham gia học tụt giảm đến mức thấp nhất. Hôm nay lúc tôi niệm Phật thì mới có 130 người lên học, nếu là thứ Hai, thứ Ba đã có 180 người rồi. Tập khí nhỏ của mình mà mình không chuyển đổi được thì bao giờ mình mới chuyển đổi thành Thánh, thành Hiền đây?
Hòa Thượng nói: “Tự tác tự thọ”, tự làm tự chịu. Chúng ta tự cho phép chúng ta được phép giải đãi, được phép buông lung thì sẽ giải đãi, buông lung. Chúng ta phải giờ nào việc đó, phải tuân theo chuẩn mực, không được tùy tiện thì chúng ta mới có thể có được thành tựu. Người luôn tỉnh giác, kiểm soát chính mình, luôn luôn phải có một quy chuẩn thì dần dần mình mới quay về được với tự tánh của mình.
Hàng ngày tất cả những khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật, cách ta làm việc ta quán sát xem có chuẩn mực, có ở trong khuôn phép nhất định không. Hay mình làm chỗ này một lúc rồi lại bỏ đi làm chỗ khác, làm việc này một lúc rồi cũng bỏ cuối cùng không việc gì đạt được kết quả rốt ráo, viên mãn. Mấy hôm nay tôi ra công trình làm khi thấy một bức tường bị sập. Mọi người đi ra đi vào nhìn thấy nhưng cũng vẫn để như vậy vì cho là không cần thiết. Tôi nhìn thấy thì tôi xây lại, khi tôi xây một lúc thì mọi người cũng vào phụ thì một hai giờ đã xong. Đó chính là một sự chỉnh chu! Chúng ta phải biết quan sát. Tôi đi vào tôi thấy mọi thứ rất ngổn ngang thì tôi lại dọn sạch tầng dưới. Hôm sau thấy tầng trên đã làm xong thì tôi lại dọn sạch tầng trên trong khi đó năm bảy chục người không nhìn thấy. Đó là họ không có một cái nhìn tổng thể. Gần như một ngày tôi đến thì đều có một việc viên mãn, công trình bao la rộng lớn nhưng một ngày phải có một việc hoàn thành. Thí dụ hôm nay xây hai hố ga thì xây xong hai hố ga. Sáng hôm qua thì tôi dọn mặt tiền, chiều thì dọn mặt hàng rào như vậy người khác nhìn vào công trường sẽ thấy sự chỉnh chu không bề bộn. Đó là chúng ta chỉn chu cho môi trường hay chỉn chu tâm của mình? Đó là chúng ta đang chỉnh chu tâm mình. Dần dần như vậy thì chúng ta sẽ trở thành chuẩn mực.
Thánh Hiền Nhân, Phật Bồ Tát đều trải qua đời sống nghiêm túc. Chúng ta trải qua đời sống nghiêm túc, khi đạt đến viên mãn thì ta cũng là Thánh Hiền Nhân, Phật Bồ Tát chứ không phải là ta chờ đợi một ngày nào đó thì chúng ta bỗng nhiên hóa thành một vị Phật, hóa thành một vị Bồ Tát. Không có chuyện đó! Chúng taphải chuyển đổi từ ngay khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật của mình. Cho nên Hòa Thượng nói: “Nếu bạn hồi phục được tự tánh giác thì bạn chính là A Di Đà Phật”, không phải tự nhiên liền hồi phục được tự tánh giác, liền hồi phục được vô lượng giác mà phải hồi phục dần từ trong những việc làm nhỏ nhất của mình.
Thí dụ nhiều người uống ly nước xong để đó hay thậm chí uống vẫn còn để lại một ít nước. Tại sao mình không uống hết rồi úp ly lại vào chỗ cũ? Sáng ra mình uống một cốc sữa thì uống xong mình rửa cốc úp vào đúng chỗ. Việc làm đó tưởng chừng dễ làm nhưng với nhiều người rất khó làm! Đối với việc dọn đồ cũng vậy, khi ra công trình thấy gạch đang nằm tứ tung thì ta lại đem để sang chỗ kia, hôm sau làm thì lại phải dọn tiếp một lần nữa. Rất nhiều người sau khi làm việc xong việc thì làm người khác mất công dọn một lần nữa. Chúng ta làm một việc mà người khác phải làm lại hay như thế gian hay nói là phải “giải quyết tàn cuộc” cho mình vậy thì vĩnh viễn chúng ta không quay về được với tự tánh. Tôi làm bất cứ việc gì thì việc đó phải xong hôm nào tôi làm việc cũng đều phải có kết quả. Nhưng rất nhiều người bê tha, chểnh mảng, lười biếng, làm việc không rốt ráo vậy thì khi nào mình mới quay về với tự tánh của mình được.