230Thứ Sáu, 13/05/2022, 15:35
883 · Hủy Báng Tam Bảo Tội Này Rất Nặng

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 13/05/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 883

“HỦY BÁNG TAM BẢO TỘI NÀY RẤT NẶNG!”

Chúng ta tưởng rằng những việc như chửi Phật, giết hại Tăng, đốt Kinh sách mới là hủy báng Tam Bảo. Căn tánh của chúng sanh vô cùng khác biệt cho nên Phật nói cho chúng sanh nghe rất nhiều pháp môn khác nhau phù hợp với căn tánh chúng sanh để chúng sanh theo đó mà tu tập nhưng ngay đến những người học Phật cũng hủy báng Tam Bảo. Người tu pháp này lại chê bai pháp kia, người tu pháp kia lại chê bai pháp nọ, thậm chí giữa các tôn giáo cũng chê bai lẫn nhau. Đó là một sự sai lầm nghiêm trọng! Đó cũng là tội hủy báng! Cho nên chúng ta phải hết sức cẩn thận, nếu không khéo thì phạm vào tội phỉ báng. Phỉ báng Tam Bảo là tội đọa địa ngục A Tỳ, địa ngục Vô Gián. Thời gian ở những địa ngục này rất lâu.

Suốt cuộc đời hành pháp của Hòa Thượng, Ngài đi đến đâu cũng tán thán, ca ngợi các tôn giáo. Ngài coi tất cả các tôn giáo đều là đệ nhất, không hề nghĩ rằng tôn giáo của mình là đệ nhất. Ngài đi đến đâu cũng tán thán bằng tâm chân thành chứ không phải là tán thán một cách hời hợt, nói một vài câu cho dễ nghe. Hòa Thượng từng nói: “Khi tôi đứng trước chúa thì tôi là học trò của Chúa, khi tôi đứng trước A La thì tôi là học trò của A La”. Ngài thật học chứ không phải là học để lấy lòng. Hòa Thượng đã làm ra biểu pháp để chúng ta thấy Ngài không chỉ kính trọng đấng giáo chủ của mình, Ngài kính trọng tất cả tôn giáo như kính trọng Thích Ca Mâu Ni Phật. Có rất nhiều người tu hành cho rằng họ tu đúng, người khác tu sai nên họ tìm cách cản trở, thậm chí phá hoại việc tu học của người khác. Tội đó rất nặng cho nên chúng ta phải hết sức cẩn trọng!

Hòa Thượng nói: “Phật nói cho chúng ta nghe rất nhiều pháp môn nhưng pháp môn bình đẳng không có cao thấp, cao hay thấp là ở tâm của mỗi chúng ta, tâm thì nhận biết được sâu, tâm thì nhận biết được cạn. Người tu học có thành tựu thì pháp đó tương ưng với họ, nhà Phật gọi đó là pháp liễu nghĩa”. Có người tu Tịnh Độ không thành tựu nhưng tu Mật Tông có thành tựu, vậy thì Mật Tông là pháp liễu nghĩa đối với họ. Có người tu Mật Tông không có thành tựu nhưng tu Thiền Tông lại có thành tựu, vậy thì Thiền Tông là pháp liễu nghĩa đối với họ. Cho nên chúng ta không thể nói tu Thiền có thành tựu, tu Tịnh Độ không có thành tựu. Người tu Thiền lại chê bai người tu Mật. Người tu Tịnh Độ lại chê bai lẫn nhau, họ nói phải tu như thế này mới có thành tựu, tu như thế kia không có thành tựu. Đó đều là tội phỉ báng.

Hòa Thượng nói: “Có rất nhiều người học Phật nhưng không nhận biết được rõ ràng đối với pháp môn nên họ cố chấp cho rằng pháp môn này thù thắng, pháp môn kia không tốt, họ hủy báng pháp môn khác”.

Tất cả pháp môn đều do Phật nói ra. Vậy mà họ tán thán pháp môn này, hủy báng pháp môn kia! Họ thật sự quá “can đảm”! Trước đây họ niệm Phật nhiều năm, sau khi tiếp nhận được pháp Thiền của Tiểu Thừa, họ cho rằng pháp Thiền mới là thật vì khi họ Thiền họ cảm thấy an lạc, bình an. Thế là họ cho rằng pháp niệm Phật là pháp ngụy tạo, họ cật lực báng bổ pháp niệm Phật. Trước đó họ đã có nhiều năm bái lạy Phật, nhưng họ tu qua rất nhiều đạo tràng, tham gia rất nhiều pháp hội nhưng không có thành tựu rồi sinh ra hủy báng Phật. Tu hành nhiều đạo tràng không có thành tựu là do công phu tu tập của chính mình chứ không phải do pháp. Vậy mà họ dám táo tợn hủy báng, dẹp hết tất cả những biểu tượng của Tây Phương Tam Thánh. Thật đau lòng!

Hòa Thượng nói: “Trong thế gian có rất nhiều học thuật, nhiều môn học khác nhau như hàng hải, hàng không, địa chất... Chúng làm sao có thể nói môn hàng hải mới là thật, môn hàng không không đáng học!”. Nhà Phật nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Ngày nay chúng ta đã có thân người rồi. Chúng ta gặp được Phật pháp để tu hành đã là một phước duyên vô cùng thù thắng! Gặp được Phật pháp mà tùy tiện báng bổ Phật pháp thì đó chính là nghiệp chướng sâu nặng.

Tôi biết một số người ban đầu sa đà vào “danh vọng lợi dưỡng”, sao đó sa đà vào hưởng thụ “năm dục sáu trần”. “Danh vọng lợi dưỡng” nhiều quá khiến họ niệm Phật bị chướng ngại. Tiền của nhiều quá khiến họ buông buông được, họ sợ nếu không hưởng thụ thì vô cùng lãng phí cho nên họ bỏ ăn chay để ăn mặn, ăn thịt chúng sanh. Điều đáng sợ là họ ăn thịt chúng sanh nhưng không ăn “tam tịnh nhục” mà ăn chúng sanh còn đang sống. Trước đây họ đã từng ăn chay 5 - 7 năm nhưng bây giờ họ ăn tôm còn đang bơi đang nhẩy, họ nhúng lẩu để ăn. Tập khí phàm ăn của họ quá sâu nặng, họ không được gần thiện hữu tri thức mà chỉ gần bạn ác cho nên họ bị xui khiến. Nhà Phật gọi họ là “kẻ đáng thương!”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook