214Thứ Năm, 12/05/2022, 19:25
882 · Phật Dạy Chúng Ta Cái Gì, Chúng Ta Hướng Đến Phật Học Cái Gì

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 12/05/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 882

“PHẬT DẠY CHÚNG TA CÁI GÌ? CHÚNG TA HƯỚNG ĐẾN PHẬT HỌC CÁI GÌ?”

Trong những bài khai thị của Hòa Thượng, Ngài luôn nhấn mạnh và nhắc nhở: Chúng ta là người học Phật thì chúng ta chính mình phải nỗ lực tu tập, phải cải đổi bản thân, hoàn toàn không ỷ lại, không nương nhờ, không cầu xin ban phước, tất cả đều phải nỗ lực từ chính mình. Chúng ta nghe tựa đề bài học hôm nay thì cảm thấy mình đã biết rồi, mình đã nghe nhiều lần đến phát chán rồi, nhưng thực tế thì chúng ta tu học không có kết quả, thậm chí kết quả còn xấu hơn. Các bậc Hiền Thánh không ngại nhắc đi nhắc lại một vấn đề nhưng chúng ta vẫn không làm được. “Phật dạy chúng ta cái gì? Chúng ta hướng đến Phật học cái gì?”. Tựa đề này là một câu hỏi mà gần như hàng ngày mỗi chúng ta đều phải phản tỉnh xem mình học cái gì.

Trong thế gian này, các bậc sáng tạo các tôn giáo đều dạy chúng ta hoàn thiện bản thân để trở thành người tốt, không dạy chúng ta buông lung, chểnh mảng. Các Ngài đều dạy chúng ta phải phấn phát, khởi tâm động niệm đều vì lợi ích tha nhân. Các Ngài không dạy chúng ta vun vén cho sự tự tư, ích kỷ cho bản thân mà luôn dạy chúng ta sống biết quan tâm đến người khác.

Hòa Thượng nói: “Phật dạy chúng ta cái gì? Phật dạy chúng ta “cần tu Giới – Định – Tuệ, diệt trừ tham, sân, si”. Đây là những điều căn bản nhất. Chúng ta phải nỗ lực tu Giới, tu Định, tu Huệ.

TU GIỚI

Giới là những chuẩn mực, những khuôn phép mà chúng ta không được tùy tiện vượt qua, không được tùy tiện phạm phải. Người bình thường cũng không được tùy tiện vượt qua, phạm phải những quy chuẩn, người học Phật, người học Thánh Hiền thì càng phải nghiêm túc giữ Giới. Giới là những quy chuẩn mà chúng ta phải khép mình trong đó. Chúng ta ở trong những quy chuẩn của Thánh Hiền, quy chuẩn của Phật Bồ Tát lâu rồi thì chúng ta cũng tự khắc trở thành Thánh Hiền, trở thành Phật Bồ Tát.

Chúng ta mãi là phàm phu vì chúng ta vượt qua những quy chuẩn của Thánh Hiền, vượt ra ngoài những quy chuẩn của Phật Bồ Tát. Chúng ta luôn cảm thấy cuộc sống của mình đầy phiền não, đầy bất an, cảm thấy không được mọi người không xem trọng. Thật ra chúng ta phải xem lại chính mình! Chúng ta sống không có quy chuẩn, chúng ta luôn vượt qua các quy chuẩn. Chính bản thân chúng ta không có chuẩn mực thì mọi người nhìn vào không thể sinh tâm kính phục, không thể sinh tâm ngưỡng mộ.

Chúng sanh nhìn vào các bậc Thánh Hiền, Phật Bồ Tát thì sinh tâm ngưỡng mộ, kính phục, hướng đến các Ngài để học tập bởi vì khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm của các Ngài đều là chuẩn mực cho thế gian, như trong “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, học để làm Thầy người, hành để làm mô phạm cho người.

Phật dạy chúng ta trước tiên phải tu Giới. Giới là chuẩn mực, phép tắc, khuôn mẫu mà chúng ta phải tuân theo để trải qua đời sống. Nếu chúng ta không có chuẩn mực để trải qua đời sống thì chúng ta sẽ lười biếng, nhếch nhác, từ đó dẫn đến sống phóng túng, tùy tiện. Trong các tập khí của chúng ta, tập khí xấu nhiều hơn tập khí tốt cho nên chúng ta có chiều hướng ngả về cái xấu nhiều hơn là ngả về cái tốt.

Phật rất từ bi. Ngài định đặt cho chúng ta chuẩn mực để chúng ta theo sự chuẩn mực đó mà trải qua ngày tháng. Nếu chúng ta không theo sự chuẩn mực đó thì chúng ta mãi là phàm phu. Chúng ta muốn trải qua đời sống của Phật Bồ Tát hay muốn trải qua đời sống của một phàm phu, thậm chí không phải là một phàm phu bình thường mà là một phàm phu tội lỗi? Điều này là do chúng ta tự chọn, Phật không ép buộc. Chúng ta làm được tốt thì tốt cho chính mình, chúng ta làm xấu thì xấu cho chính mình. Không phải là chúng ta làm tốt thì Phật vui, chúng ta làm xấu thì Phật buồn. Nếu chúng sanh nghe lời Phật thì Phật hoan hỉ, chúng sanh không nghe lời Phật thì Phật phiền não, vậy thì Phật đã rơi vào tình chấp rồi! Đó là tâm của chúng sanh chứ không phải là tâm Phật.

Phật đã nói: “Như thị nhân, như thị quả”, nhân như thế nào thì quả như thế đó, không thể nào khác được. Bạn tạo nhân như thế nào thì bạn phải nhất định chịu cái quả như thế đó. Chúng ta phải nhớ rằng không có một vị Thần hay một vị Phật nào có thể can thiệp được vào quy luật nhân quả này. Cho nên chúng ta phải quán sát xem Phật dạy chúng ta cái gì!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook