229Thứ Ba, 10/05/2022, 15:10
880 · Vì Sao Ta Được Phước, Họ Thì Gánh Nhân Quả

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba ngày 10/05/2022.

****************************

“VÌ SAO TA ĐƯỢC PHƯỚC, HỌ THÌ GÁNH NHÂN QUẢ?”

Chúng ta đọc đề tựa cũng hiểu được phần nào nội dung. Hòa Thượng nói: “Vì sao ta được phước, họ thì gánh nhân quả?”. Ý của Hòa Thượng là: Chúng ta nghe lời dạy của Phật, nghe lời dạy của Thánh Hiền thì chúng ta được phước. Người không nghe lời dạy của Phật, không nghe lời dạy của Thánh Hiền hoặc nghe nhưng vẫn làm trái ngược thì phải tự gánh nhân quả. Người xưa dạy: “Như thị nhân, như thị quả”. Nhân như thế nào thì quả như thế đó. Chúng ta đừng ngồi đó oán trách tại sao người này được phước, người kia quá thuận tiện mà bản thân mình lại không may mắn! Tất cả đều là do nhân quả mà chúng ta tự tạo ra.

Tôi thường nói: “Trong cuộc sống nhân sinh, chúng ta cần phải tái tạo phước báu!”. Mọi người đừng xem thường việc này! Chúng ta đang trải qua một cuộc sống bình bình yên yên. Chúng ta tưởng rằng cuộc sống sẽ mãi bình yên như vậy, nhưng đến một ngày, chúng ta sẽ thấy trắc trở và gặp nhiều khó khăn vì chúng ta hết phước. Hàng ngày chúng ta xem thường việc tái tạo phước báu, đến lúc hết phước rồi thì chúng ta muốn ăn một chén cháo, muốn thở một hơi thở trọn vẹn cũng không được. Đó chính là lúc chúng ta hết phước, nhân quả đã đến! Người này gặp may mắn vì còn phước, người kia gặp nhiều hoạn nạn vì hết phước. Chúng ta hàng ngày hoang phí, tiêu xài phước báu một cách hoang đường, khi đã xài hết phước rồi thì thấy xung quanh mình chỉ toàn tai ương, thậm chí ngay trong bữa ăn, giấc ngủ cũng toàn tai ương.

Hòa Thượng nói: “Thực tế mà nói, ngày nay chúng ta học Phật, tu hành, hoằng pháp lợi sanh nhưng phước báu của chúng ta không đủ do đó chúng ta làm bất cứ việc gì cũng đều có chướng ngại, có khó khăn”. Chúng ta gặp khó khăn, chướng ngại vì phước mỏng quá, hết phước rồi! Chúng ta hàng ngày có tu tạo phước nhưng phước tích được ít hơn phước mà chúng ta hoang phí. Hàng ngày chúng ta hoang phí rất nhiều, tu tạo thì ít nhưng hoang phí thì nhiều. Chính vì vậy mà chúng ta gặp hoạn nạn. Cho nên chúng ta phải nên phản tỉnh, hàng ngày phải biết tu phước, tái tạo phước báu! Phước chúng ta tái tạo phải nhiều hơn phước chúng ta hưởng thì khi về già mới có phước báu.

Có những người hàng ngày không tạo phước báu, chỉ tạo tội nghiệp và hưởng phước một cách xa xỉ. Vậy thì họ sẽ phải gặp tai ương! Tôi đã từng nhắc mọi người: Nếu chúng ta thọ nhận, chúng ta thọ hưởng nhiều hơn công sức mà chúng ta bỏ ra thì chúng ta đang hưởng phước báu trong chính vận mạng của chúng ta. Nhiều người vui sướng khi họ làm ít nhưng lại được hưởng lương cao mà không biết đó là họ đang hưởng phước trong vận mạng của mình. Người xưa đã nói: “Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định”, một bữa ăn, một ngụm nước đều là phước báu đã định trong vận mạng của chúng ta.

Mọi người thấy tôi làm việc vất vả bởi vì ngày nào tôi cũng muốn tạo phước chứ không muốn hưởng phước. Hôm qua, sau khi giảng xong bài buổi sáng, tôi xuất phát lúc 6h15’ để đi thăm trường Mầm non Khai Trí ở Hải Phòng, mang theo hai ổ bánh mỳ để ăn sáng. Buổi trưa tôi di chuyển 50km đến đạo tràng ở Thủy Nguyên để nói chuyện và tặng quà các cụ, cùng các cụ uống trà sau ba năm không gặp. Tôi về đến nhà lúc hơn 8h tối, lúc đó mới ăn tối. Ngày hôm qua tôi đã nói chuyện ba buổi, di chuyển trên xe hơn 6 tiếng. Đến giảng pháp, nói những điều cần thiết ở những vùng sâu vùng xa như vậy, nếu mình không đi thì ai đi? Ngoài chi phí tiền xăng xe, phí cầu đường cao tốc và mua quà tặng các cụ, ngoài việc lao nhọc ra thì tôi còn phải dụng tâm đến đúng giờ. Tôi hẹn gặp các cụ lúc 3h chiều và tôi đã đến sớm 15 phút. Thủy Nguyên là một vùng quê xa xôi. Tôi không nhớ đường nên chúng tôi đi theo chỉ dẫn của Google Map. Tôi phải giữ chữ “tín”, phải đến đúng giờ chứ không bắt người khác phải chờ mình, trừ trường hợp bất khả kháng ví dụ như tắc đường. Tôi luôn đi sớm 2 - 3 giờ vì tôi sợ mình là người lỡ hẹn. Nếu chúng ta để 30 – 40 cụ phải chờ chúng ta thì phước báu của chúng ta không còn. Nếu Thầy đến với sự khổ nhọc như vậy mà chúng ta đến trễ 15 - 20 phút thì buổi nghe đó chúng ta cũng không có phước báu. Bài học này, lời dạy của Hòa Thượng giúp chúng ta cảm nhận rất sâu sắc tại sao có người được phước báu mà có người lại gánh nhân quả.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook