213Chủ Nhật, 08/05/2022, 11:02
878 · Sở Hữu Bản Quyền

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật, ngày 08/05/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 878

“SỞ HỮU BẢN QUYỀN”

Hòa Thượng nói: “Không biết từ lúc nào thế gian này có từ “sở hữu bản quyền”. Từ ngàn đời xưa đến nay, biết bao nhiêu người tài đức đã để lại cho thế nhân chúng ta rất nhiều những tác phẩm có giá trị mà không hề có bản quyền. Khổng Lão Phu Tử đã để lại những lời giáo huấn từ ngàn đời nay. Thích Ca Mâu Ni Phật đã để lại biết bao nhiêu lời giáo huấn từ ngàn đời nay. Các Ngài không hề giữ bản quyền. Kiến thức của chúng ta ngày nay có sự thừa hưởng kiến thức của người xưa, thừa hưởng tinh hoa của người xưa. Người xưa không nói đến bản quyền, vậy mà chúng ta nói đến sở hữu bản quyền, chúng ta cho rằng đó là sở hữu của mình. Hòa Thượng nói: “Tội này là tội đọa địa ngục A Tỳ vĩnh viễn không có ngày thoát ra”. Chúng ta phải cố gắng nhớ điều này! Chừng nào thế gian này không còn tồn tại từ “sở hữu bản quyền” thì người sáng chế ra từ “sở hữu bản quyền” mới hết tội. Thế gian này còn người “sở hữu bản quyền” thì người sáng chế ra từ “sở hữu bản quyền” còn chưa thể thoát khỏi địa ngục.

Chúng ta phải nên nhớ: Tất cả những gì chúng ta làm được đều phải dâng tặng cho đời vì chúng ta được thừa hưởng tinh hoa, trí tuệ của người xưa. Có người đã trưởng thành bị lạc ở hoang đảo vài chục năm. Khi chúng ta gặp lại họ thì thấy họ sống như loài dã thú, mất hết bản năng của loài người. Mấy chục năm sống với các loài dã thú nên họ không còn bản năng làm người. Chẳng phải tất cả những điều tốt đẹp trên cuộc đời này đều là do chúng ta được tiếp nối từ những người xung quanh và được thừa hưởng từ tinh hoa, trí tuệ của người xưa hay sao!

Hòa Thượng nói: “Ngày nay, họ làm được một chút gì đó thì liền sở hữu bản quyền”. Khi có “sở hữu bản quyền”, nếu người khác muốn in ấn, sao chép thì phải xin phép, sau khi nhận được sự cho phép thì mới được làm. Nếu người sở hữu bản quyền chưa cho phép mà họ làm thì họ sẽ vi phạm pháp luật.

Hòa Thượng nhắc đến một vị đạo diễn đã phát tâm liệt kê, tổng hợp những câu chuyện nhân quả hiện đời để làm thành phim nhắc nhở con người về nhân quả. Ông phát hành phim và cho lưu thông miễn phí, tuyệt đối không sở hữu bản quyền mà hoan nghênh lưu thông miễn phí. Hòa Thượng nói: “Đây là sự nghiệp của Bồ Tát, chân thật là đại từ đại bi phổ độ chúng sinh”. Các bộ phim “Báo ứng hiện đời”, phim hoạt hình “Lễ phép thường ngày”, phim hoạt hình “Cảm Ứng Thiên”, phim hoạt hình “Những câu chuyện đức hạnh” là những phim có tính giáo dục rất lớn. Những bộ phim này đã được dịch ra và đã có ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng xã hội. Điều đặc biệt là những bộ phim này hoàn toàn miễn phí. Tất cả các Kinh sách, băng đĩa, phim ảnh có liên quan đến Hòa Thượng Tịnh Không đều hoàn toàn miễn phí, không có bản quyền.

Hôm trước có người hỏi tôi rằng họ có được phổ biến trên trang web của họ tất cả những video, bài giảng đăng trên trang web tinhkhongphapngu.net hay không? Tôi nói rằng: “Chân trang web tinhkhongphapngu.net có ghi dòng chữ “hoan nghênh phổ biến”. Họ biết như vậy nhưng họ vẫn xin phép. Họ “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, họ có lời xin phép. Đó mới là đúng đạo!

Có những người không những không xin phép mà còn tự ý cắt ghép, làm thay đổi nội dung. Sản phẩm trí tuệ của người ta làm ra thì họ cắt bỏ phần đầu, cắt bỏ phần cuối rồi đưa nội dung của họ vào phần đầu và phần cuối. Việc như vậy mà họ cũng làm được! Nếu sản phẩm có bản quyền mà họ làm như vậy thì họ đã phạm pháp. Sản phẩm có bản quyền thì “cấm in sao dưới mọi hình thức”. Tuy tác phẩm được hoan nghênh sao chép nhưng nếu chúng ta thay đổi, cắt ghép làm cho sản phẩm khác đi với bản chính ban đầu thì chúng ta sai rồi, quá sai rồi! Người học Phật không được làm như vậy!

Tôi nhìn thấy bảng in Kinh văn “Phép Tắc Người Con” được họ in với số lượng rất lớn. Họ bổ sung thêm một đoạn nữa vào sau khổ 34. Người đời sau sẽ không thể biết đấy không phải là nguyên bản mà đã bị chỉnh sửa. Họ muốn trở thành “lưu danh thiên cổ”. Tuy người xưa không sở hữu bản quyền nhưng khi sao lưu in chép thì chúng ta phải giữ nguyên nội dung bản chính, không được làm thay đổi nội dung nguyên bản. Khi sao lưu in chép, nếu mỗi người đều tự thay đổi, thêm cái này mới đúng, bỏ cái kia mới đúng thì bản chính sẽ trở thành bản gì? Chúng ta phải hết sức cẩn trọng, không nên làm như vậy!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook