Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy, ngày 07/05/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 877
PHẢI GIỮ LẤY KHÔNG VỌNG NGỮ, KHÔNG NÓI HAI LỜI
Trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, Phật dạy chúng ta: “Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”. Thế gian có câu: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Hàng ngày chúng ta có cẩn trọng trong lời nói của chúng ta hay không? Người nói thì vô tình mà người nghe thì cố ý cho nên họ nghe và bị thương tổn rất nhiều. Chúng ta tưởng là không có việc gì xảy ra nhưng vô hình trung chúng ta đã kết oan gia với họ, đã kết oan gia thì phải oan oan tương báo. Người xưa nói: “Trước khi nói phải uốn lưỡi ba lần”. Chúng ta phải hết sức cẩn trọng! Lời nói ra cũng giống như một mũi tên đã bắn ra, tên đã bắn ra thì không thể nào thu hồi lại được. Cho nên người khéo giữ khẩu nghiệp thì mới không tạo oan gia.
“Kinh Vô Lượng Thọ” nêu “khéo giữ khẩu nghiệp” đầu tiên bởi vì ngày ngày chúng ta phạm khẩu nghiệp, nghiệp miệng là nghiệp chúng ta rất dễ phạm. Chỉ một lời nói chơi, chỉ một lời nói vô tình của chúng ta cũng có thể làm tan cửa nát nhà của người khác. Nhưng người ta chỉ nghe được một lời khuyến khích cũng có thể thành tựu cả một sự nghiệp. Có người nói: “Con chỉ nhờ nghe một câu nói này mà con đã thành tựu!”. Có người thì nói: “Nhờ câu nói này mà con đã thay đổi cuộc sống, thay đổi được tất cả những tập khí của chính mình!”.
Lời nói rất quan trọng! Chúng ta nên nói những lời nói của Phật Bồ Tát, lời nói của Thánh Hiền, lời nói của Hiền Nhân. Muốn nói được lời nói của Hiền Thánh, của Phật Bồ Tát thì tâm chúng ta phải vô tư, tâm phải trống rỗng, tâm không có mong cầu cá nhân. Nếu tâm tự tư ích kỷ, tâm nghĩ cho bản thân mình nhiều hơn thì chắc chắn lời nói ra sẽ bị uổng công, lệch lạc vì lời nói ra chỉ có lợi cho mình thì sẽ có hại cho người, sẽ thương tổn đến người.
Người xưa nói: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Chúng ta muốn thân thể khỏe mạnh thì phải ăn uống cẩn thận, thận trọng, không thể tùy tiện ăn. Nếu hôm nay đầy bụng thì chúng ta không tùy tiện ăn những thứ khó tiêu. Khi trời đã tối, chúng ta sắp đi ngủ mà lại ăn những thứ không thể tiêu hóa nhanh được vậy thì chúng ta mang một bụng no đi ngủ. Thực phẩm trong bao tử chưa tiêu được thì sẽ bị ôi thiu trong bao tử, nhất định sẽ làm cho chúng ta bị bệnh. Cho nên muốn thân thể được khỏe mạnh thì chúng ta phải ăn uống cẩn trọng. Muốn cho đời sống được bình an thì chúng ta phải thận trọng đối với mỗi lời nói ra, không được tùy tiện.
Có những lời nói khiến cho người ta vui ba ngày nhưng cũng có những lời nói khiến cho người ta buồn ba tháng. Vậy thì chúng ta nên chọn lời nói nào? Chúng ta thích nghe lời nói làm chúng ta vui ba ngày hay thích nghe lời nói làm chúng ta buồn ba tháng?
Hòa Thượng nói: “Khẩu nghiệp rất dễ tạo cho nên chúng ta không nên nói vọng ngữ. Vọng ngữ bất lợi cho chúng ta rất lớn. Nếu chúng ta không vọng ngữ thì lời nói của chúng ta có chữ tín, người ta tín nhiệm đối với chúng ta. Lợi ích của không vọng ngữ rất lớn. Chúng ta cũng không nên nói hai lời, tuyệt đối không nên nói những lời khiêu khích phải quấy. Rất nhiều người vì bị khiêu khích phải quấy mà rất đau khổ, thậm chí tan nhà nát cửa. Bạn nghĩ xem, tội nghiệp do chúng ta tạo ra từ phải quấy tốt xấu này có nặng hay không? Quá nặng! Cho dù chúng ta làm nhiều việc thiện cũng không bù đắp được”.
Thí dụ chúng ta đến bên đây thì khen bên đây, đến bên kia mình thì khen bên kia, chê bên đây. Đó là nói lời khiêu khích phải quấy. “Vọng ngữ” chính là nói dối. Chúng ta làm nhiều việc thiện nhưng không thấy quả tốt đến, chỉ thấy tai ương đến bởi vì chúng ta đã khiêu khích thị phi phải quấy, ta đã tạo quá nhiều oan gia đối đầu. Thậm chí có người học Phật, niệm Phật rất chuyên cần nhưng siêng năng nói lời thị phi, cũng rất siêng năng nói việc phải quấy của người. Vậy thì kết quả là tâm không thanh tịnh, tâm không thanh tịnh thì họ luôn ở trạng thái bất an. Họ đã tạo thị phi thì không thể không vướng thị phi. Rồi đây họ sẽ bị người ta đi tìm để đối chứng, vậy thì tâm quá bất an!
Hòa Thượng nói: “Trong một gia đình nhỏ, nếu chúng ta khiêu khích phải quấy tốt xấu khiến người trong gia đình bất hòa thì chúng ta vẫn phải nhận nhân quả. Trong một đoàn thể, nếu chúng ta khiêu khích phải quấy tốt xấu khiến đoàn thể bị bất hòa thì tội này là phá hòa hợp”. Tội phá hòa hợp là tội đọa địa ngục A Tỳ, địa ngục Vô Gián chứ không phải là tội nhẹ.