Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 06/05/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 876
“TÂM TỐT MÀ LÀM SAI THÌ VẪN PHẢI GÁNH LẤY TRÁCH NHIỆM NHÂN QUẢ”
Chúng ta có tâm tốt nhưng làm sai thì vẫn phải gánh lấy trách nhiệm nhân quả. Trong nhà Phật chúng ta thường nói: “Từ bi vi bổn, phương tiện vi môn”, nhưng lại nói “từ bi đa họa hại, phương tiện xuất hạ lưu”. Nếu dùng sai sự từ bi và phương tiện thì là họa hại, là hạ lưu. Cho nên chúng ta phải đặc biệt chú ý chỗ này! Từ bi và phương tiện phải được xây dựng trên nền tảng của “huệ”, có nghĩa là “trí tuệ”. Khi làm thì chúng ta phải dùng trí tuệ để quán chiếu xem việc làm đó có chân thật mang lại lợi ích tha nhân, lợi ích cho người khác hay không. Nếu không có trí tuệ thì “đa họa hại” vì chúng ta chỉ nghĩ đến lợi ích cho mình, cho người của mình.
Chúng ta đừng nghĩ rằng chúng ta làm đúng vì chưa chắc chúng ta đã đúng. Phải dựa trên huệ học, dựa trên trí tuệ! Hòa Thượng dạy bảo chúng ta rất ân cần. Đôi khi chúng ta cho đó là từ bi nhưng đó không phải là từ bi mà là tình chấp. Thế nào là “tình chấp”? Có mình trong đó là tình chấp. Từ bi thì không có điều kiện. Từ bi có điều kiện thì không phải là từ bi mà là tình chấp. Đôi khi chúng ta tưởng đó là phương tiện để độ chúng sanh nhưng đó không phải là phương tiện mà là cưỡng cầu. Cưỡng cầu là sai, cưỡng cầu thì có chướng ngại.
Hòa Thượng nói: “Nếu không dựa vào trí tuệ làm nền tảng mà xuất từ bi và phương tiện thì sai rồi! Từ bi và phương tiện phải dựa trên nền tảng của trí tuệ!”. Chúng ta làm thế nào để biết mình có trí tuệ hay không? Chúng ta không có trí tuệ thì phải làm thế nào? Hòa Thượng dạy: Chúng ta không có trí tuệ thì chúng ta mượn nhờ trí tuệ của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền, của các bậc Thầy khả kính bằng cách “nghe lời và thật làm”.
Nhiều năm qua, chúng ta “nghe lời và thật làm” cho nên chúng ta tuy có sai trái, có sai sót nhưng sai sót rất nhỏ. Người ta đến dẫn dụ, khuyến khích chúng ta làm việc sai trái nhưng chúng ta từ chối. Tôi đang dịch đĩa Hòa Thượng Tịnh Không thì họ đến mời dịch đĩa của người khác với mức thù lao hấp dẫn, hậu hĩnh. Tôi thẳng thắn từ chối thì họ nói là tôi có thể dịch một đĩa kéo dài trong một tháng, họ gửi trước tiền thù lao trong 3 - 4 năm. Tôi vẫn một mực từ chối và mời họ đi nhờ người khác dịch vì tôi chỉ hiểu lời Hòa Thượng, người khác nói thì tôi không hiểu. Đó chính là chúng ta không có trí tuệ thì chúng ta mượn nhờ trí tuệ của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền, của các bậc Thầy khả kính để làm. Vậy thì chắc chắn không sai!
Phàm phu chúng ta đầy tự tư tự lợi. Chúng ta tưởng rằng mình xuất từ bi, ra phương tiện nhưng thực ra đó không phải là từ bi mà cũng không phải là phương tiện. Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta xuất từ bi, ra phương tiện mà không làm trên nền tảng của trí tuệ thì hậu quả rất lớn, không thể lường được. Chúng ta có tâm tốt nhưng làm sai sự việc thì vẫn phải gánh lấy trách nhiệm nhân quả”. Rất nhiều người đã phạm phải vấn đề này. Nếu không có sự nhắc nhở thì chúng ta không nhận ra. Chỉ cần một việc làm sai trái nhỏ của chúng ta cũng có thể ảnh hưởng đến cả một đại thể, ảnh hưởng đến rất nhiều người.
Ngày xưa, tôi đến tham dự pháp hội ở Singapore. Tôi giật mình khi nghe thấy họ nói với nhau: “Đồng tu Việt Nam rất bát nháo, không có trật tự”. Tôi liền nhắc nhở các Phật tử Việt Nam: “Các vị hãy cẩn thận! Khi chúng ta đến đây, chúng ta là khách, chúng ta là người ngoại quốc. Chúng ta đừng để họ đánh giá không tốt về hình ảnh của người Phật tử Việt Nam”. Họ ăn uống vô tổ chức, nói chuyện vô tổ chức nhưng lại nghĩ rằng mình không làm ảnh hưởng đến ai. Họ ăn ở khu vực dành riêng cho khách VIP mà không biết rằng mình chỉ được ăn ở khu vực dành cho mình, phải đi đứng có trật tự. Ban tổ chức bố trí cho mọi người ở khách sạn sang trọng, đưa đón bằng xe sang trọng, nhưng 6 giờ xe đến đón thì xe phải chờ họ 20 phút. Nếu đến 5 nơi mà xe đều phải chờ đợi như vậy thì thời gian đến pháp hội sẽ bị trễ 100 phút. Việc làm của chúng ta tưởng rằng vô can nhưng lại ảnh hưởng lớn đến nhiều người khác.
Mức độ thấp nhất của từ bi, phương tiện là không nên dùng cảm tình để làm việc mà phải dùng lý trí. Lấy lý trí để làm việc thì không có sai lầm. Dùng cảm tình để làm việc thì chắc chắn có sai lầm, cảm tình ngự trị thì tất cả mọi việc đều hỏng. Hòa Thượng nói: “Chúng sanh thời kỳ Mạt Pháp dần dần bị đánh mất lý trí, cảm tình thì càng lúc càng nặng. Các vị phải nên biết, tôn giáo cũng rơi vào trong cảm tình. Có thể nói, tôn giáo chính là cảm tình. Thông thường tôn giáo bị thao túng bởi cảm tình”. Ví dụ chúng ta tôn thờ một vị Thần nào đó thì chúng ta cầu xin vị Thần đó để mong được ban phước, được bảo hộ. Chúng ta tôn thờ vị Giáo chủ, tuyệt đối nghe lời và kính trọng một cách mù quáng. Thậm chí, vị giáo chủ yêu cầu chúng ta làm những việc sai trái chúng ta cũng làm. Như vậy không thể gọi là “chánh tín” được! “Chánh tín” thì phải dựa trên lý trí, thấy việc sai thì không làm.