134Thứ Năm, 05/05/2022, 17:36
875 · Phải Đoạn Tham Sân Si Mới Chân Thật Yêu Chính Mình

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 05/05/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 875

“PHẢI ĐOẠN THAM SÂN SI MỚI CHÂN THẬT YÊU CHÍNH MÌNH!”

Con người thế gian cứ để cho “tham sân si” chi phối gần như suốt ngày. Từ sáng đến chiều, chúng ta không tham thì sân, không sân thì si, không si thì ngạo mạn. Chúng ta bị những thứ này chi phối cho nên tâm của chúng ta không thể sáng tỏ. “Tham sân si” khiến chúng ta xa rời tự tánh cho nên Hòa Thượng nói: “Phải đoạn tham sân si mới chân thật yêu chính mình!”. Tất cả các tội lỗi đều bắt nguồn từ “tham”, tham tài, tham sắc, tham danh, tham ăn, tham ngủ.

Chúng ta có thể làm rất nhiều việc tốt, làm rất nhiều việc lợi ích cho chúng sanh nhưng nếu trong chính nội tâm chúng ta không loại trừ được “tham sân si” thì chúng ta đã bỏ quên chính mình. Chúng ta làm bất cứ việc thiện, việc tốt gì cũng phải làm thế nào để tịnh hóa thân tâm của chúng ta chứ đừng làm việc lành, việc tốt nhưng lại tăng trưởng “tham sân si mạn” của chính mình. Tất cả các tôn giáo đều nhắc chúng ta phải nâng cao linh tính và nhắc chúng ta phải tịnh hóa thân tâm. Khi nâng cao linh tính, tịnh hóa thân tâm thì chúng ta mới có cơ hội siêu phàm nhập thánh, ngược lại thì chúng ta sẽ mãi bị tập khí, dục vọng, thói quen xấu sai khiến, dẫn chúng ta đi.

Hòa Thượng nói: “Trong Phật pháp, Phật dạy bốn đại nguyện cơ bản của người học Phật là “Tứ Hoằng Thệ Nguyện”, trong đó nguyện thứ nhất là “chúng sanh vô biên thề nguyện độ”. Ai cũng đồng ý, tình nguyện độ chúng sanh nhưng chúng ta lấy gì để độ chúng sanh?”. Nói bằng lời nói suông thì làm sao mà độ chúng sanh! Muốn độ chúng sanh thì phải có năng lực, muốn có năng lực thì phải hoàn thiện bản thân. Tất cả hoàn cảnh, môi trường sống của chúng ta đều là để chúng ta hoàn thiện chính mình. Khi chúng ta hoàn thiện được chính mình từ trong môi trường sống thì chúng ta đã độ được chúng sanh rồi.

Hôm qua tôi đào một cái hố ga có chiều dài và chiều rộng khoảng 8m. Sau khi đào xong thì tôi xây lên, có người hỗ trợ cùng tôi làm. Ông thợ chính nhìn thấy vậy thì quá nể phục, ông ấy nói với một người đi qua: “Thầy là lãnh đạo mà Thầy làm được như vậy đấy!”. Đó chính là chúng hoàn thiện năng lực của chính mình, chúng ta đã độ được chúng sanh.

Bất cứ trong một lĩnh vực nào, dù ở trong nhà bếp, ở trong nhà ăn, ở trong học đường, ở nơi chốn hội họp hay ra ngoài chợ, ngoài siêu thị, nơi đâu cũng đều là cơ hội để chúng ta độ chúng sanh. Nếu chúng ta chỉ nói suông “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” mà không thật làm, chỉ nói ra một mớ đạo lý hỗn độn thì chúng sanh làm sao mà nể phục chúng ta!

Hòa Thượng nói: “Bạn nói bạn độ chúng sanh, bạn lấy gì để độ? Phải nhờ vào đạo đức, phải nhờ vào học vấn của chính mình”. Nếu chúng ta không có đạo đức, tư cách đạo đức thiếu kém, học vấn thiếu kém thì chúng ta không thể độ chúng sanh. “Học vấn” không chỉ là học vấn từ sách vở nơi trường học mà còn là học vấn từ thực tiễn trong đời sống xã hội.

Chúng tôi đang xây dựng mấy khu đào tạo. Tôi nhặt mấy cánh quạt thông gió người ta bỏ từ chục năm nay để gắn lên tường làm thành quạt thông gió ở các cửa. Mọi người nhìn vào thì thấy khu nhà có điểm nhấn đẹp và các phòng cũng có đối lưu thông gió. Những thứ đó đáng lẽ phải đi mua nhưng tôi đã đi nhặt về. Đó chính là học vấn! Chúng ta có thể dùng kiến thức để làm việc, mang lại lợi ích thiết thực thì mới làm cho người ta kính nể. Chúng ta khiến cho người ta kính nể thì chúng ta đã độ được họ rồi!

Hòa Thượng nói: “Độ chúng sanh là làm ra những tấm gương tốt để người ta ngưỡng mộ. Từ ngưỡng mộ mà người ta mới đến tìm hiểu vì sao chúng ta có được như vậy. Lúc đó chúng ta mới nói cho họ nghe đạo lý của Thánh Hiền, giáo huấn của Phật pháp. Họ thấy: “Ồ! Thì ra anh chị được như thế này là nhờ đạo lý của Thánh Hiền, nhờ giáo huấn của Phật pháp!”. Lúc đó chúng ta nói họ mới tin nghe theo. Cho nên muốn độ chúng sanh thì chúng ta phải có đạo đức, phải có học thức”.

Hòa Thượng đã từng nói: “Bạn nói bạn muốn độ chúng sanh mà bạn không biết nấu cơm thì bạn độ a?”. Đó là chuyện thấp nhất, dễ nhất! Bạn không biết nấu cơm, không biết trình bày, thiết kế một bữa cơm để 3 đến 5 người ăn thì làm sao khiến cho người ta nể phục? Hôm trước có người tự nhiên đưa tôi một túi quả vả rất to. Tôi chưa từng kho vả bao giờ, nhưng tôi đã tự cắt, rửa sạch rồi kho thành một nồi vả to. Tôi thấy ăn cũng được. Nếu tôi nói ngon thì lại thành tự mình khen mình nấu ngon!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook