Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 04/05/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 874
“LÀM HÀNG GIẢ LẠI SỢ NHÂN QUẢ”
Có người nghĩ cách làm hàng giả để có lời nhiều, nhưng họ lại sợ nhân quả. Đây là điều rất mâu thuẫn. Trong “Kinh Kim Cang”, Phật nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”. Những gì có hình tướng đều là giả, tất cả các pháp đều như mộng, huyễn, như sấm chớp, bọt nước. Vậy mà người thế gian còn làm hàng giả, hàng nhái để trục lợi! Những người biết tu, người học Phật mới sợ nhân quả. Người thế gian thì không sợ nhân quả. Họ mạo nhận, mạo danh. Họ nói ra nhưng không dám nhận là mình nói, hoặc họ nói ra rồi gán cho người khác, cho đó là lời nói của một vị nào khác. Việc này đang làm nhức nhối cộng đồng xã hội. Người học Phật chúng ta phải hiểu điều này!
Hòa Thượng nói: “Họ làm hàng giả, hàng nhái rồi sợ trách nhiệm nhân quả. Nhân quả thì chắc chắn họ phải gánh lấy, đối với pháp luật thế gian thì họ không thể che giấu được lâu dài”. Phật nói: Tâm thanh tịnh của chúng ta chân thật, không một chút giả dối. Chúng ta làm việc không thật thì không thể trở về được với chân tâm thanh tịnh của chính mình.
Hòa Thượng nói đến câu chuyện có một người làm hóa mỹ phẩm, vì muốn lợi nhuận cao nên lấy nhãn hiệu của nước ngoài, quảng cáo rằng sản phẩm của họ có nguyên liệu nhập khẩu, được sản xuất trong nước nhưng thật ra nguyên liệu cũng là trong nước. Họ làm hàng giả, hàng nhái để bán ra được lợi nhuận cao. Sau khi quy y Phật, ông ấy tự biết mình đã làm không đúng pháp, sâu sắc lo sợ phải gánh lấy trách nhiệm nhân quả. Ông ấy lo lắng vì nếu không bán ra thì không có thu nhập, nếu bán ra thì phải chịu trách nhiệm nhân quả. Ông ấy xin Hòa Thượng khai thị để có pháp bổ cứu. Hòa Thượng nói: “Ông cứ nói thật với họ rằng sản phẩm có nguyên liệu trong nước, được sản xuất gia công trong nước. Nếu sản phẩm tốt thì dần dần họ sẽ biết đến, họ dùng nhiều, sản phẩm sẽ trở nên nổi tiếng. Chúng ta phải nói lời thành thật, vạn nhất không nên vì một chút lợi nhỏ mà lừa gạt người khác. Vậy thì không tốt!”.
Có một Phật tử nói: “Tôi buôn bán thì không thể không nói dối, vậy thì phải làm thế nào?”. Người kia trả lời: “Nói dối không sao! Buôn bán thì phải nói dối, đây là phương tiện để mưu sinh”. Tôi nói với họ: “Nói dối quen miệng rồi chứ làm gì có chuyện không thể nói thật được!!”
Phật dạy chúng ta: Người học Phật phải sống trong tinh thần Bát Chánh Đạo: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Tất cả mọi suy nghĩ, việc làm, khởi tâm động niệm của chúng ta phải đúng với giáo huấn của Phật, đúng với lời dạy của Thánh Hiền, đúng với tâm của mình, không được làm sai. Nhiều người dùng kỹ sảo. Dùng kỹ sảo thì không thật, là sai rồi! Người thế gian vì một chút lợi nhỏ mà làm nhiều việc sai trái, gây hại cho người. Thậm chí người đã học Phật nhiều năm rồi mà vẫn làm ra những việc lừa người hại người để làm lợi cho mình.
Chúng ta biết: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định”. Một bữa ăn, một hụm nước đều đã định sẵn trong số mạng của chúng ta. Chúng ta gian dối thì cũng không thể có được nhiều hơn. Chúng ta làm chân thật, làm đúng với tâm của mình thì trong vận mạng của mình có bao nhiêu vẫn sẽ đến bấy nhiêu. Mấy người thấu hiểu được điều này! Người xưa nói: “Trong mạng có, nhất định có. Trong mạng không, nhất định không”. Trong mạng không có nhưng họ cưỡng cầu để có thì cái có đó sẽ dẫn đến tai ương, họa hoạn, khổ nạn.
Hòa Thượng nói: “Bạn phải thành thật, lão thật, trung thực mà làm! Người ta thấy sản phẩm của bạn tốt thì bạn buôn bán càng lúc càng hưng vượng. Sản phẩm bạn làm ra không cần lấy tên nhãn hiệu nước ngoài. Việc này không cần thiết!”.
Chúng ta thấy người Việt Nam mở trường học lấy tên quốc tế. Tại sao chúng ta không lấy tên của những vị anh hùng dân tộc, lấy tên của những tấm gương đức hạnh để nhắc nhở thế hệ sau? Hòa Thượng dạy chúng ta lấy tên của mình để đặt tên cho sản phẩm do mình làm ra chứ không mượn danh, không giả danh giả tướng. Người xưa nói: “Ta vẫn là ta từ thủa nào, từ thời xưa ấy đến ngày sau”, phải là chính mình chứ đừng giả danh, mượn danh.