228Thứ Ba, 03/05/2022, 15:58
873 · Người Học Phật Có Ai Không Tin Nhân Quả

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba ngày 03/05/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 873

“NGƯỜI HỌC PHẬT CÓ AI KHÔNG TIN NHÂN QUẢ!”

Hòa Thượng nói: “Người học Phật có ai không tin nhân quả!”. Ý của Ngài là người học Phật ai cũng tin nhân quả nhưng vì tin không sâu nên làm không được sâu, làm không được viên mãn, đa phần đều có kết quả không tốt.

Thí dụ Phật dạy chúng ta bố thí tiền tài thì tiền tài nhất định dồi dào phong phú nhưng đa phần chúng ta chỉ làm cho dễ coi chứ không làm triệt để. Chư Phật khi còn là Bồ Tát, trong thời gian tu hành Bồ Tát đạo, các Ngài không chỉ bố thí ngoại tài mà còn bố thí nội tài. Các Ngài bố thí nội tài, không chỉ bố thí năng lực, trí tuệ, khi người ta xin mắt thì các Ngài cho mắt, xin tay thì cho tay, xin chân thì cho chân. Tâm bố thí phải mạnh mẽ như vậy! Chính vì vậy mà chư Phật Bồ Tát tu hành mới có thể thành tựu quả vị.

Chúng ta ngày nay tu hành, vừa làm được một chút lời Phật dạy thì cho rằng mình đã làm được nhiều lắm rồi. Các vị Pháp sư Đại Đức ngày xưa muốn phổ biến Kinh pháp ở khắp nơi thì chép Kinh pháp vào chất liệu gì đó, rồi rạch tay mình ra, nhét Kinh pháp vào, khâu tay lại và chờ cho vết thương ở tay lành lại rồi mới đi. Khi có một vật thể nằm trong cơ thể thì cơ thể đau đớn nhức nhối đến cỡ nào? Ngày xưa “Kinh Lăng Nghiêm” là quốc bảo, không được lưu truyền ra nước ngoài. Vì muốn hoằng pháp lợi sanh, vì muốn Phật pháp lưu truyền đến khắp nơi nên các Ngài đã phải làm như vậy. Sau khi luân chuyển được Kinh pháp, các Ngài quay trở về nước để nhận tội. Tinh thần bố thí pháp của các Ngài cao cả, tuyệt vời đến như vậy! Chúng ta hiện nay chủ yếu chỉ bố thí tài nhưng cũng chỉ làm cho dễ coi, chứ chưa toàn tâm toàn lực làm vì lợi ích chúng sanh, vì Phật pháp trường tồn. Nếu không có người dồn hết tâm lực để làm vì lợi ích chúng sanh, vì Phật pháp trường tồn thì chúng sanh đời sau có chỗ để nương về hay không? Với tâm cảnh của chúng ta hiện nay, với cách chúng ta đang làm để hoằng truyền chánh pháp, hoằng truyền đạo đức Thánh Hiền, hoằng truyền giáo pháp thì người đời sau chắc chắn không có chỗ nương về.

Hòa Thượng nói: “Tuy người học Phật ai cũng tin nhân quả nhưng tin không đủ sâu, chính mình không thể chăm chỉ nỗ lực đoạn tất cả các việc ác, làm tất cả các việc thiện. Đây chính là niềm tin đối với nhân quả chưa đủ độ sâu”. Nhiều người khuyến khích người khác làm mọi việc lợi ích chúng sanh như bố thí, cúng dường, phóng sinh, làm những việc từ thiện nhưng chính bản thân họ không làm, thậm chí họ muốn nhận càng nhiều càng tốt. Họ cũng tin nhân quả, cũng biết được rằng làm việc thiện là tốt nhưng họ chỉ khuyên người khác làm mà bản thân họ không chịu làm. Mức độ tin nhân quả của họ chưa sâu, chỉ dừng lại ở tin một chút như vậy nên họ không thật làm. Hòa Thượng nói: “Thí dụ Phật dạy chúng ta tu tài bố thí, nếu đem tiền của bố thí cho người thì tiền của không bao giờ bị tổn giảm mà còn nhiều hơn”. Trong cuộc đời của mình, tôi thể nghiệm điều này rất sâu sắc. Bố thí không chỉ là “một vốn bốn lời” mà một vốn rất nhiều lời.

Khi Hòa Thượng Tịnh Không còn trẻ, Hòa Thượng đến hỏi Chương Gia Đại Sư làm thế nào để bước vào thâm nhập Phật pháp cao sâu nhiệm màu. Ngài Chương Gia Đại Sư tĩnh lặng một lúc lâu rồi nói: “Bố thí”. Hòa Thượng nói: “Con không có đủ cơm để ăn thì làm thế nào để bố thí?”. Chương Gia Đại Sư nói: “Bắt đầu từ một đồng được không?”. Hòa Thượng ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Một đồng thì con có thể làm được”. Chương Gia Đại Sư nói: “Vậy thì ông hãy bắt đầu từ một đồng”. Hòa Thượng đã bố thí bắt đầu từ một đồng, vậy mà khắp nơi trên thế giới đều nhận được ân đức của Ngài.

Hòa Thượng đi giảng ở bất cứ đâu, khi người chưa đến thì mấy chục tấn Kinh sách, tặng phẩm đã đến trước. Tôi đã từng đến Singapore bốn lần, tôi thấy pháp hội tặng rất nhiều Kinh sách, mọi người thỉnh bao nhiêu Kinh sách cũng được. Có người tham lam lấy về rất nhiều Kinh sách nhưng đến sân bay hàng bị quá cân nên họ bỏ Kinh sách ở lại sân bay. Người phục vụ ở sân bay bỏ Kinh sách vào thùng rác. Tôi rất đau lòng khi biết việc này. Họ cho rằng họ làm như vậy thì không phải chịu nhân quả.

Tôi đến Luân Đôn ở nước Anh xa xôi để tham gia pháp hội Hòa Thượng giảng. Kinh sách tặng mọi người nhiều vô số, sau khi đã tặng rồi mà Kinh sách vẫn còn nhiều miên man. Mỗi người đi nghe giảng pháp đều được tặng một phần quà đựng trong chiếc túi rất xinh đẹp, trong đó có dây chuỗi, kẹo và một phiếu đổi thức ăn trị giá 3 bảng Anh. Họ không hạn chế số người nhận quà tặng.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook