288Thứ Hai, 02/05/2022, 16:02
872 · Nói Khéo Mê Hoặc Người Là Đại Tội

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai ngày 02/05/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 872

NÓI KHÉO MÊ HOẶC NGƯỜI LÀ ĐẠI TỘI

Nói khéo là lời nói khéo. Hòa Thượng nhắc đến câu chuyện của một người trong thời Khổng Lão Phu Tử tên là Thiếu Chính Mão. Khi Khổng Lão Phu Tử vừa lên làm quan, Ngài đã chém vị Thiếu Chính Mão vì tội “năng ngôn thiện đạo”, nói lời thêu dệt, nói lời khéo léo làm mê hoặc lòng người, làm cho nhân tâm bất an, làm cho người ta rơi vào tà tri tà kiến. Khổng Lão Phu Tử cho rằng người “năng ngôn thiện đạo” nói hay nhưng không thật, lời nói khéo léo mê hoặc lòng người không giúp cho người ta có chánh tri chánh kiến mà khiến cho người ta rơi vào tà tri tà kiến, không phân biệt được tà chánh, phải quấy tốt xấu. Ngày nay, người nói hay, nói giỏi, nói khéo không bị coi là phạm tội, thậm chí đi ứng cử còn có thể trúng cử.

Trong nhà Phật, người “nói lời thêu dệt” phạm 1 trong 4 trọng tội: Nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác, nói lời thêu dệt. Người học Phật chúng ta phải nói lời chân thật, nói lời từ chân tâm, thật lòng mà nói. Đôi khi chúng ta muốn nhờ ai làm việc gì đó để được việc cho mình thì chúng ta nói rất khéo. Đó cũng thuộc về “năng ngôn thiện đạo”. Người học Phật chúng ta không nên nói lời khéo léo mà phải nói lời thật lòng.

Hòa Thượng nói: “Giáo học của Khổng Lão Phu Tử, điều thứ nhất là đức hạnh, điều thứ hai là ngôn ngữ. Phật dạy chúng ta cũng không ngoại lệ. Phật dạy chúng ta tu tâm thanh tịnh chính là đức hạnh. Trí tuệ biện tài chính là ngôn ngữ. Khổng Lão Phu Tử và Thích Ca Mâu Ni Phật tuy không hẹn, tuy không hội họp nhưng các Ngài giáo hóa chúng sanh giống nhau, trùng hợp với nhau”.

Chúng ta đã biết, tự tánh của Phật và tự tánh của tất cả chúng sanh chúng ta đều giống nhau. Phật là bậc giác ngộ. Phật đã giác ngộ rồi nên Ngài đã trở về với tự tánh thanh tịnh. Chúng ta bị ô nhiễm. Khi nào chúng ta không còn ô nhiễm nữa thì chúng ta trở về tự tánh thanh tịnh giống y như Phật, không hai không khác. Cho nên chúng ta phải hiểu, từ trên xuống dưới, từ chư Phật cho đến những chúng sanh nhỏ bé nhất đều có tự tánh như nhau. Chúng ta ăn thịt chúng sanh thì chúng ta làm cho tự tánh thanh tịnh của chúng sanh bị lu mờ hơn vì chúng ta làm cho những chúng sinh đó sân hận. Chúng ta hiện tại đã tỉnh ngộ hơn nhiều so với những chúng sanh đó. Tâm thanh tịnh của những chúng sanh đó còn lu mờ hơn, ô nhiễm sâu nặng hơn.

Phật nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Câu này ý nghĩa là Phật và chúng sanh có tự tánh thanh tịnh như nhau. “Chúng sanh” là nói đến tất cả mọi loài, chúng duyên hòa hợp tạo thành hiện tượng, gọi là “chúng sanh”. “Chúng sanh” không chỉ bao gồm con người, mà còn bao gồm chúng sanh muôn loài.

Tu tâm thanh tịnh là đức hạnh. Trí tuệ biện tài là ngôn ngữ. Phật và Khổng Lão phu Tử tuy không gặp mặt nhưng các Ngài giáo hóa chúng sanh như nhau, vậy thì chúng ta biết các bậc Hiền Thánh đã trở về tâm thanh tịnh nên sự giáo hóa chúng sanh như nhau. Nhà Phật có câu: “Phật Phật đạo đồng”. Đã là Phật rồi thì tự tánh như nhau. Các Ngài tự tánh như nhau thì giáo hóa chúng sanh cũng giống nhau. Chúng ta có khác biệt bởi vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng sanh chúng ta hoàn toàn khác nhau. Phật không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước mà lưu lộ từ nơi tự tánh thanh tịnh nên không có sự sai khác.

Hòa Thượng nói: “Trong biện tài phải có trí tuệ thì biện tài của bạn mới tích công bồi đức, không tạo nghiệp. Nếu không có trí tuệ thì tốt nhất là không nên biện tài. Người có biện tài tạo nghiệp rất nặng”. Không có trí tuệ thì không nên nói nhiều vì nói nhiều là tạo nghiệp.

Hòa Thượng nói: “Người “năng ngôn thiện đạo” nói ra không phải là chánh pháp, nói ra mê hoặc lòng người. Tội này rất nặng”. Nhà Phật gọi đây là “nói lời thêu dệt”. Người xưa nếu biện tài thì bị chém. Người thời nay thì ngược lại, họ đi học lớp đào tạo biện tài, thậm chí người biện tài giỏi khi ứng cử thì được đắc cử. Hòa Thượng nói: “Khổng Lão Phu Tử cho rằng người nói lời khéo léo, làm cho lòng người tà tri tà kiến, mê hoặc điên đảo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội”. Những người có sức ảnh hưởng đối với xã hội thì phải nói lời chân thật, lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau. Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, Phật dạy: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Học để làm Thầy người, hành để làm mô phạm cho người, không được “nói một đằng, làm một nẻo”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook