Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật ngày 01/05/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 871
“LÀM ĐƯỢC TỨ NHIẾP PHÁP VIÊN MÃN ĐƯỢC HẠNH PHÚC AN VUI”
“Tứ nhiếp pháp” là bốn phương pháp nhiếp phục chúng sanh mà Đức Phật đã nói ra cho hàng xuất gia và hàng tại gia đều có thể hành trì. “Tứ nhiếp pháp” gồm:
⮚ Thứ nhất là “bố thí”: “Bố thí” là ban tặng, chia sẻ.
⮚ Thứ hai là “ái ngữ”: “Ái ngữ” là dùng lời nói từ ái.
⮚ Thứ ba là “lợi hành”: “Lợi hành” là làm những việc lợi ích cho tha nhân, cho người khác.
⮚ Thứ tư là “đồng sự”: “Đồng sự” là cùng những người trong gia đình, trong đoàn thể làm những việc mang lại lợi ích cho người.
Quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên địa quỷ thần, giữa người với đại tự nhiên, chúng ta muốn hòa thuận với ba đối tượng này thì chúng ta phải biết hành tứ nhiếp pháp. Chúng ta muốn hòa thuận với người thì phải học ngũ luân.
Ví dụ buổi sáng trời chuyển lạnh thì chúng ta phải biết mặc thêm áo để không bị cảm lạnh. Chúng ta phải biết giữ môi trường tinh sạch, không làm ô nhiễm môi trường. Nhiều người cùng biết bảo vệ môi trường thì đại tự nhiên sẽ tốt đẹp. Nếu không khí bị ô nhiễm, tầng khí quyển bị ô nhiễm thì chúng ta không thể sinh tồn.
Hòa Thượng nói: “Người với người cùng hòa thuận ở với nhau là một việc làm lớn nhất trong sáu đường. Giáo học của chư Phật Bồ Tát, của Cổ Thánh Tiên Hiền thị hiện ở thế gian này có vô số các loại giáo hóa khác nhau nhưng không ngoài một việc lớn nhất chính là làm thế nào để con người với con người có thể hòa thuận tồn tại. Đây cũng chính là tông chỉ bậc nhất trong giáo học của người xưa. Tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc mà Phật dạy chúng ta chính là tứ nhiếp pháp”.
Ý nghĩa của “nhiếp” trong “tứ nhiếp pháp” là nhiếp thọ, dùng lời hiện đại để nói là tiếp cận, thân cận, nhiếp phục chúng sanh, làm thế nào để tiếp cận, thân cận với người một cách hòa thuận, làm thế nào để người khác khi thân cận chúng ta thì cảm thấy an ổn, dễ chịu, không bị áp lực. Chúng ta nghĩ xem: Chúng ta làm thế nào để có thể nhiếp phục chúng sanh? Thật ra mà nói, chúng ta cứ vì người mà lo nghĩ, vì người mà hi sinh phụng hiến, làm tất cả mọi việc đều vì lợi ích cho người thì người khác khi gần chúng ta tự khắc sẽ cảm thấy dễ chịu. Nếu chúng ta chỉ lo cho mình, chỉ làm việc lợi ích cho mình thì người khác khi gần chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu. Dù chúng ta là ai, khi người khác gần chúng ta mà họ bị lỗ lã, bị ức hiếp thì chúng ta không thể nhiếp phục họ. Muốn nhiếp phục được người thì dù ở bất cứ nơi nào, dù đi đến bất cứ nơi đâu, chúng ta luôn hi sinh phụng hiến, tận tâm tận lực vì người khác. Vậy thì chắc chắn chúng ta đi đến đâu cũng được hoan nghênh.
Tôi đi đến một nơi nào đó chỉ cần một thời gian ngắn là tôi biết họ ở đó làm việc như thế nào, dụng tâm như thế nào, từ đó tôi biết khích lệ họ một cách phù hợp, cụ thể, tùy thuận theo sự mở tâm của họ. Chúng ta có thể nhiếp phục chúng sanh thì mới có thể giáo hóa được họ, để họ nghe lời giáo hóa của mình, nghe lời dặn bảo của mình. Nếu chúng ta không thể nhiếp phục chúng sanh thì không thể gần gũi họ, không thể giáo hóa họ. Chư Phật Bồ Tát đến thế gian này ngay hành nghi của các Ngài đã nhiếp phục được chúng sanh.
Khi Thích Ca Mâu Ni Phật thành đạo, trở về thành Ca Tỳ La Vệ để thăm Vua Cha thì La Hầu La đến bên Phật và nói: “Ôi! Chỉ cái bóng của Ngài cũng khiến con mát dịu cả tâm hồn”. Bóng dáng của chúng ta có làm cho người khác khi gặp chúng ta thì mát dịu tâm hồn không? Hay người khác thấy bóng dáng của chúng ta thì ngủ thấy ác mộng, nằm ngủ mà giật mình? Bóng dáng của chúng ta làm cho người khác tương tư, nhớ thương, nhớ mong thì là sai, là không đúng. Chúng ta làm cho người khác khiếp sợ thì cũng là sai, càng không đúng. Đó không phải là “nhiếp phục”. Chúng ta phải làm cho người khác kính trọng, vị nể, ngưỡng mộ! Chúng ta thấy Bồ Tát Quán Thế Âm hiện thân là nữ nhưng không có người nam nào gặp Bồ Tát Quán Thế Âm mà dám khởi tâm trần tục. Thân tướng của Phật là nam nhưng không có người nữ nào gặp Phật mà dám khởi tâm trần tục. Đó mới gọi là “nhiếp phục”!