165Thứ Bảy, 30/04/2022, 16:19
870 · Chân Thật Gần Gũi Thiện Tri Thức Bạn Mới Có Thành Tựu

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy ngày 30/04/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 870

“CHÂN THẬT GẦN GŨI THIỆN TRI THỨC, BẠN MỚI CÓ THÀNH TỰU”

Trong sự tu học của chúng ta, rất nhiều người tu học nhưng không có thành tựu vì không gần gũi được với thiện tri thức chân thật. Thiện tri thức chân thật chỉ dạy chúng ta một hướng đi, vậy thì tâm chúng ta mới không xao động, giống như cách mà Ngài Lý Bỉnh Nam dạy Hòa Thượng Tịnh Không. Khi Hòa Thượng Tịnh Không đến học với Ngài Lý Bỉnh Nam thì Ngài Lý Bỉnh Nam yêu cầu Hòa Thượng: “Tất cả những gì trước đây ông học đều phải bỏ đi, giống như trút một thùng rác!”. Trước đó, Hòa Thượng Tịnh Không đã học với Chương Gia Đại Sư và Giáo sư Phương Đông Mỹ. Chương Gia Đại Sư là Tổ Sư Mật Tông. Giáo sư Phương Đông Mỹ là Giáo sư môn triết học.

Thích Ca Mâu Ni Phật khi chưa xuất gia đã rất tinh thâm văn học và tinh thâm võ học. Ngài học bất cứ một vị Thầy nào thì vị Thầy đó sau khi dạy học được một thời gian cũng van xin: “Tôi không còn gì để dạy cho Điện hạ”. Thích Ca Mâu Ni Phật tài giỏi như vậy nhưng khi Ngài bắt đầu ngồi Thiền dưới gốc cây Bồ Đề thì Ngài xả bỏ tất cả, sau khi xả bỏ thì khơi đậy được năng lực của tự tánh.

Hòa Thượng dạy chúng ta: “Trong Đại Tạng Kinh, “Ba Kinh Nhất Luận” gọi là “Vãng Sanh Kinh”. “Tịnh Độ Ba Kinh” gồm: “Kinh A Di Đà”, “Kinh Vô Lượng Thọ”, “Kinh Quán Vô Lượng Thọ”. Nhất Luận là “Vãng Sanh Luận” của Bồ Tát Thiên Thân. “Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm”, “Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương” là do Tổ Sư Đại Đức đời sau thêm vào “Tam Kinh”, tạo thành “Tịnh Độ Ngũ Kinh”. Người niệm Phật chúng ta phải y theo những bộ Kinh này. Chúng ta không thể nương theo những bộ Kinh khác! Những gì mà các bộ Kinh khác nói nếu tương ưng với ba bộ Kinh này thì chúng ta lấy làm tham khảo. Như vậy thì công hạnh của chúng ta mới chân thật có được thành tựu. Nếu Kinh nào bạn cũng xem, Kinh nào bạn cũng học thì sự phiền phức của bạn sẽ quá lớn, bạn không thể tu học thành tựu, cũng không thể giáo hóa chúng sanh. Nếu bạn giáo hóa chúng sanh thì bạn sẽ làm cho chúng sanh mê hoặc điên đảo”.

Có lúc chúng ta nghe nói đến “Tịnh Độ Tam Kinh”, có lúc chúng ta nghe nói đến “Tịnh Độ Ngũ Kinh”. Nếu những bộ Kinh khác không tương ưng với “Tịnh Độ Tam Kinh” hoặc “Tịnh Độ Ngũ Kinh” thì chúng ta tuyệt đối không y theo. Nếu những bộ Kinh khác tương ưng với “Tịnh Độ Tam Kinh” hoặc “Tịnh Độ Ngũ Kinh” thì chúng ta lấy làm tham khảo. Hòa Thượng dùng cụm từ “lấy làm tham khảo”, Ngài không nói là “y cứ, nương tựa”.

Ngày nay chúng ta học Phật rất khó khăn vì người chuyên thì không có, trong khi đó người xen tạp, người học rộng nghe nhiều thì rất nhiều. Ngày xưa tôi đi học, một Thầy giáo chỉ dạy một môn cho một nhóm học trò. Những người học trò đó hiện nay đều rất thành tựu. Tôi may mắn là một trong những học trò được học trong một nhóm nhỏ nhưng hồi đó tôi không thích học. Nếu hồi đó tôi thích học thì kết quả sẽ tốt hơn. Sau này khi học theo Hòa Thượng Tịnh Không, tôi dùng toàn tâm toàn ý để học. Khi nhỏ, tôi học theo Hòa Thượng Tịnh Thuận, Ngài rất nghiêm khắc với học trò. Vì bị Ngài đánh nên tôi không ưa, không có cảm xúc học tập, thậm chí cảm thấy ghét Thầy. Sau này, khi học theo Hòa Thượng Tịnh Không, nghe lời dạy của Hòa Thượng Tịnh Không thì tôi mới hiểu rằng các Ngài dạy giống nhau. Hòa Thượng Tịnh Thuận dạy tôi cách ăn, cách dùng đũa, cách dũng muỗng, cách ngồi ghế sô pha khi đến nhà người khác, cách ngồi ghế trên xe bus, cách ngồi ghế khi đi du lịch... Tôi nhớ lại lời dạy của Hòa Thượng Tịnh Thuận từ trong A Lại Da Thức thì mới nhận ra từng lời dạy của Ngài hơn 40 năm trước rất hay, rất chi tiết, rất cẩn thận. Ví dụ khi đến nhà người khác, lúc ngồi ghế sô pha phòng khách thì không nên ngồi ghế dài để tránh không ngồi quá gần, không ngồi chung với người nhà của họ trên cùng một ghế mà nên ngồi riêng trên chiếc ghế nhỏ, chọn vị trí ghế không quay hướng nhìn thẳng vào cửa buồng của người khác.

Khi học theo Hòa Thượng Tịnh Không, tôi quay về thăm Hòa Thượng Tịnh Thuận một số lần. Lúc đó, được gần gũi với Hòa Thượng Tịnh Thuận thì tôi mới nhận ra Ngài là bậc chân chính tu hành. Đến lúc tôi hiểu rằng những điều Hòa Thượng Tịnh Thuận dạy đều là khuôn vàng thước ngọc thì Thầy đã mất. Trước khi mất, Hòa Thượng Tịnh Thuận nói: “Đừng tu gian tu dối, đừng tu lợi tu danh, đừng tu dục tu tình, đừng tu quanh tu quẹo”. Lời dạy của Ngài rất mộc mạc nhưng quá sâu sắc. Đây là đạo lý mà cả đời tu hành chúng ta cần hướng đến.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook