Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 28/04/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 868
“BẠN LÀ THẬT HỌC HAY GIẢ HỌC, LÀM SAO GIẤU ĐƯỢC!”
Hòa Thượng nói: “Bạn thật tu hay giả tu đều không thể giấu được, những thứ khác có thể che giấu được nhưng chứng đắc của nội tâm không thể nào giấu được. Khi nội tâm an định thì cách hành xử, việc làm của chúng ta hết sức nhẹ nhàng, thư thái, mọi việc có thể trôi chảy. Khi tâm xen tạp, tâm không ổn định thì chúng ta làm việc gì cũng cuống cuồng, có vẻ như rất khẩn trương nhưng đó là sự động tâm chứ không phải là sự nhanh nhẹn”.
Chúng ta chỉ giấu được những người tâm ý qua loa, hời hợt. Người chỉ cần có một chút minh tâm, một chút sức định thì họ sẽ nhận ra ngay cho nên chúng ta không thể giấu được họ. Hòa Thượng nói: “Bạn thật học hay giả học, bạn làm sao có thể giấu được người!”. Giáo dục của Phật là giáo dục triệt để, là giáo dục viễn mãn vì ngay trong cuộc sống này chúng ta có một đời sống hạnh phúc, an vui. Khi ta hết một kiếp người ở nhân gian thì ta đi làm Bồ Tát, ta đi làm Phật. Chúng ta học Phật phải học được mức độ như vậy! Ngay trong cuộc đời, ngay trong cuộc sống hiện sinh thì chân thật an lạc, tự tại, đến khi hết báo thân này thì phải về được thế giới an lành của Chư Phật làm Bồ Tát, làm Phật. Đó mới là giáo dục viên mãn của Phật, nếu không thì là giả.
Hòa Thượng nói: “Hiện tại Phật giáo ở thế gian đã rơi vào tôn giáo, rơi vào mê tín”. Tôn giáo là ỷ lại, nương nhờ, cầu xin. Ỷ lại, nương nhờ cầu xin không phải là Phật giáo. Họ mê tín, không tin vào chính mình mà chỉ tin vào năng lực của Phật, chỉ tin vào năng lực của Thần Thánh, cho rằng các Ngài có đủ quyền năng để giúp họ.
Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói rất rõ ràng: “Trên bước đường giải thoát, ta chỉ là kẻ dẫn đường. Để đến được con đường giải thoát thì các con phải tự nỗ lực”. Ngài cũng nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Năng lực thành Phật của mỗi chúng sanh đều có, không phải là Phật ban cho chúng ta năng lực này. Phật còn không có năng lực để ban cho chúng ta thì ai có năng lực để ban cho chúng ta! Trong khi chúng ta có sẵn năng lực thì người ta mê tín, tin rằng có đấng siêu nhiên nào đó có đủ năng lực để ban cho chúng ta.
Phật đã nói năng lực để thành Phật mà chúng ta còn có, vậy thì tất cả những năng lực khác chúng ta đều có. Phật nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Chúng sanh tu trong thời gian bao lâu thì thành Phật, điều này tùy theo mỗi người, tùy theo mức độ tu học của chính mình, tu thật hay tu giả, tu đường thẳng hay tu lòng vòng. Ngày nay chúng ta tu lòng vòng rất nhiều. Hòa Thượng Tịnh Thuận nói: “Đừng tu gian tu dối, đừng tu lợi tu danh, đừng tu dục tu tình, đừng tu quanh tu quẹo”. Hòa Thượng Tịnh Thuận chỉ nói bốn câu nhưng chúng ta ngẫm nghĩ lại xem mình có tu lòng vòng không. Ngày nay chúng ta tu học theo Hòa Thượng Tịnh Không thì chỉ học theo Hòa Thượng Tịnh Không.
Hôm vừa rồi, tôi nghe nói mọi người đang đề xướng nghe Hòa Thượng Hải Hiền giảng pháp. Ngày đầu tiên khi Hòa Thượng Hải Hiền tịnh, tôi dịch đĩa của Hòa Thượng Hải Hiền. Ngài chỉ nói chưa tới 20 câu chứ đừng nói là 200 câu. Hòa Thượng nói hết sức mộc mạc! Có người nói với Hòa Thượng: “Chừng nào Hòa Thượng vãng sanh Hòa Thượng nói với chúng con để con hộ niệm cho Hòa Thượng!”. Hòa Thượng Hải Hiền nói: “Người ta hộ niệm cho mình không chắc!”. Ngài nói rất chậm. Vậy mà sau một thời gian tôi thấy Kinh điển và sách của Hòa Thượng Hải Hiền được in ra rất nhiều. Tôi không biết ai dịch và không biết nguồn từ đâu, vậy mà mọi người cũng nghe theo. Chúng ta xem kỹ lại đĩa Hòa Thượng Hải Hiền vãng sanh thì thấy Ngài chỉ nói mấy câu. Bình thường Hòa Thượng Hải Hiền không biết đọc sách, không biết giảng Kinh, vậy mà tự nhiên một thời gian sau sách của Ngài được in ra rất nhiều. Tôi thấy rất lạ! Mọi người phải hết sức cẩn thận! Đó chính là tu quanh, tu quẹo, tu lòng vòng.
Có người trước đây đề xướng Hòa Thượng Tịnh Không nhưng bây giờ họ không đề xướng Ngài nữa mà lại đề xướng Ngài Ấn Quang. Chúng ta phải hết sức cẩn thận! Chúng ta chưa có đủ trí tuệ để nghĩ đâu. Có người đang nghe Hòa Thượng Tịnh Không thì không nghe Hòa Thượng Tịnh Không nữa mà nghe Pháp sư Định Hoằng rồi bắt đầu đề xướng Chiêm Sát Sám Pháp của Pháp sư Định Hoằng. Trong khi đó Pháp sư Định Hoằng đến đạo tràng Địa Tạng thì phải giảng về Kinh Địa Tạng, cũng giống như Hòa Thượng Tịnh Không khi đến với nhà thờ thì phải giảng về Chúa. Hòa Thượng nói: “Khi đến nhà thờ, tôi chỉ nói về sự thù thắng, sự tuyệt vời của sự tái sinh của Chúa chứ không nói một chút nào, không nói một câu nào về sự tuyệt vời của Phật A Di Đà!”. Hòa Thượng Tịnh Không có đủ giải - hành – chứng. Ngài có đủ hành, có đủ giải và có đủ chứng.